Nhộn nhịp thị trường sách chưởng 'trẻ'

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Sau Kim Dung và Ôn Thụy An, chúng ta đọc chưởng của ai?” là tên một tọa đàm do nhóm “Những kẻ nghiện sách” tổ chức. Khán phòng gần 100 chỗ chật khách, ban tổ chức còn phải livestreams để đáp ứng nhu cầu của những người ở xa.

Chưởng của tác giả 7X, 8X

Nhộn nhịp thị trường sách chưởng 'trẻ' ảnh 1

Tru Tiên phiên bản điện ảnh

Khán giả trẻ đã tìm được một số ví dụ “sau Kim Dung” để thỏa mãn nhu cầu đọc chưởng của mình. “Hôm nay, ở đây, tôi nhất định phải giới thiệu với bạn Thần Châu tân ngũ hiệp. Đây là những tác giả thuộc thế hệ 7X, 8X viết truyện kiếm hiệp được đánh giá cao ở Trung Quốc bao gồm: Tiêu Đỉnh, Phượng Ca, Tiểu Đoạn, Bộ Phi Yên và Thương Nguyệt – đều đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam.

Để làm quen, bạn nên bắt đầu từ “Tru Tiên” của Tiêu Đỉnh. Đây cũng là khám phá của cá nhân tôi, sau một thời gian mày mò tìm “chưởng mới” để đọc. “Tru Tiên” trong ba năm phát hành gần 2 triệu bản, còn được chuyển thể thành phim, rồi game, được mệnh danh là cái máy in tiền” dịch giả Thúy An chia sẻ.

Ở Trung Quốc, ra cùng thời và nổi không kém “Tru Tiên” chính là bộ "Côn Luân" của Phượng Ca. Sách cũng đã được dịch sang tiếng Việt, NXB Phụ Nữ ấn hành, song không phổ biến như “Tru Tiên” – đây là thông tin một bạn đọc trung thành của thể loại chưởng cung cấp.

Nhộn nhịp thị trường sách chưởng 'trẻ' ảnh 2
Bộ “Hoa âm hệ liệt” được đánh giá “đẹp tuyệt mỹ” nhưng tương đối khó tìm

“Bản thân tôi cũng từng đọc “Côn Luân”, và vô cùng ngạc nhiên vì sao ở Việt Nam nó lại chìm nghỉm như thế, so với “Tru Tiên” đã tái bản đi tái bản lại? Nói luôn là “Côn Luân” và “Tru Tiên” cùng do Đào Bạch Liên dịch, và dịch vô cùng xuất sắc” – độc giả Nguyên Vũ tiết lộ.

Khi “Côn Luân” xuất hiện, Hàn Vân Ba - một trong những người đứng đầu của giới nghiên cứu võ hiệp đại lục đánh giá: "Phượng Ca im lặng ba năm, vừa hót một tiếng, kinh động thiên hạ". Bộ kiếm hiệp này được Phượng Ca viết trong vòng 3 năm, xuất bản năm trước thì năm sau được trao giải nhất cuộc thi Võ hiệp Kim cổ Truyền kỳ do Đại học Bắc Kinh tổ chức.

Được biết, dịch giả Đào Bạch Liên đã từ chối 100 triệu đồng nhuận bút để giảm giá thành sách, mong muốn “Côn Luân” đến được với đông đảo độc giả hơn.

Trẻ hơn nữa

“Nhưng nói cho cùng, Phượng Ca viết “Côn Luân”, tuy là tân kiếm hiệp song tinh thần và phong thái của thời “chưởng Kim Dung” dường như chưa mấy thay đổi. Câu chuyện có một bối cảnh cụ thể (thời Nam Tống), nhân vật chính phiêu bạt giang hồ từ nhỏ, gánh thù nhà trên vai rồi nhờ cơ duyên xảo hợp mà học được nhiều kiến thức khoa học, sau này ứng dụng vào hoạt động quân sự, gây ảnh hưởng sâu sắc đến độ thay đổi được cả lịch sử. Có lẽ phải đến Hàn Hàn (được gọi là con ngựa bất kham của văn đàn Trung Quốc), chưởng mới thực sự thay đổi: trẻ trung, hiện đại và đậm tinh thần giễu cợt” – dịch giả Thúy An nhận định.

Nếu có điều gì đó khiến Phượng Ca khác các bậc tiền bối và tiệm cận những cây viết triệu phú văn đàn sau này thì chính là tác giả đã khai thác luận điểm “tình là bể khổ” một cách vô cùng triệt để. Khác với Tiêu Đỉnh khi viết “Tru Tiên” luôn nhấn mạnh tư tưởng của Lão Tử: “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu” (Trời đất, tức luật thiên nhiên, không có tình thương của con người (bất nhân) không tư vị với vật nào, cứ thản nhiên đối với vạn vật), thì trong “Côn Luân”, từ nhân vật chính đến nhân vật phụ, từ anh hùng cái thế, thái sơn bắc đẩu trong võ lâm cho đến cung chủ học thức trùm thiên hạ, quốc sắc thiên hương... tất cả đều cô khổ vì tình. Nên nói “Côn Luân” là chưởng cũng được, xếp nó vào dòng ngôn tình võ hiệp cũng không sai. Một nghiên cứu sinh văn học Trung Quốc còn tiết lộ: độc giả của “Côn Luân” sáu phần mười là nữ giới (nữ giới luôn thích những câu chuyện tình yêu).

Một thú vị khác, trong số năm tác giả Thần Châu tân ngũ hiệp, có hai người là nữ: Bộ Phi Yên và Thương Nguyệt – truyện chưởng của họ có sự mềm mại, nữ tính (hẳn nhiên) và nổi bật hơn hẳn là văn phong lộng lẫy, cầu kỳ, cấu trúc truyện phức tạp, khó lường kiểu phim của Trương Nghệ Mưu. Trong khi “Côn Luân” và “Tru Tiên” có nhiều đoạn đọc như thơ, thì “Thất dạ tuyết” của Thương Nguyệt và “Hoa âm hệ liệt” của Bộ Phi Yên được đánh giá “đẹp tuyệt mỹ”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.