Liên quan đến việc đoàn “phượt thủ” ngang nhiên chặn ngã tư để di chuyển như xe ưu tiên diễn ra tại TP Nam Định ngày 26/11, một cán bộ CSGT TP Hà Nội cho biết, trong trường hợp này, nhóm ''phượt thủ'' có thể bị truy tố về tội gây rối trật tự khi tham gia giao thông.
Trường hợp gây hậu quả lớn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu chỉ gây ùn tắc giao thông sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
Liên quan đến vụ việc, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên cán bộ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) cho biết, việc thành viên nhóm phượt tự ý chặn các phương tiện trên đường là hành cấm đường trái quy định.
“Theo như vụ việc được chia sẻ trên mạng xã hội và báo chí phản ánh, việc thành viên nhóm phượt tự ý chặn các phương tiện đang lưu thông trên đường là hành vi tự phát, là hành vi cấm đường trái quy định, sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật”, Thượng tá Quỹ nói
Trước đó, trưa 26/11, một đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội ghi lại cảnh một đoàn “phượt thủ” cử người ra chặn đường tại một ngã tư để hàng trăm thành viên của đoàn chạy xe qua. Đoàn xe máy này di chuyển với một tốc độ cao, liên tục bấm còi, thậm chí còn vượt đèn đỏ.
Theo chủ nhân của đoạn clip, ngã tư này đã bị chặn đến gần 10 phút để đoàn “phượt thủ” đi qua.
Clip sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã lập tức gây bức xúc, phẫn nộ cho người xem. Nhiều người cho rằng hành động chặn đường, vượt đèn đỏ của đoàn “phượt thủ” này là bất hợp pháp.
Tối 26/11, Ông Ngô Đức Thanh, Chủ tịch UBND phường Vị Hoàng (TP Nam Định) cho biết, lãnh đạo phường đã nhận được thông tin và đã cử cán bộ phường xác minh sự việc.
"UBND phường Vị Hoàng đã cử Phó Chủ tịch phường xuống tổ dân phố, hỏi từng người về hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xác định được clip trên được quay vào thời gian nào", ông Thanh nói.
Theo Chủ tịch UBND phường Vị Hoàng, qua theo dõi đoạn clip thì xác định thuộc TP Nam Định, tuy nhiên vị trí quay giáp ranh giữa 2 phường Vị Hoàng và Vị Xuyên nên cần sự phối hợp xác minh.
"Công an phường cũng đang vào cuộc xác minh sự việc và sẽ có báo cáo gửi công an thành phố", ông Thanh nói.
Điều 35, Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định cụ thể về những trường hợp được cấm đường.
Cụ thể, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ để phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cần hạn chế giao thông hoặc cấm đường, cơ quan quản lý đường bộ phải ra thông báo phương án phân luồng giao thông.
Cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ phải thực hiện việc đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương tổ chức việc phân luồng, bảo đảm giao thông tại khu vực diễn ra hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội.