Nhộm nhoạm bài báo khoa học: Cần chấm dứt kiểu 'ăn tiền 3 đầu'

0:00 / 0:00
0:00
Ðã đến lúc siết liêm chính khoa học trong công bố quốc tế
Ðã đến lúc siết liêm chính khoa học trong công bố quốc tế
TP - Theo các chuyên gia, cần chấm dứt tình trạng nhộm nhoạm bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế của một số tác giả như thời gian vừa qua. Ðặc biệt là tình trạng “ăn tiền 3 đầu” khi thực hiện các đề tài của Quỹ Nafosted.

Xung đột lợi ích hay xung đột cam kết?

TS Dương Tú, Đại học (ĐH) Purdue, Mỹ, cho rằng, một số tranh luận gần đây liên quan việc ghi địa chỉ trong bài báo khoa học có lẽ bắt nguồn từ cách hiểu chưa thống nhất về địa chỉ liên hệ (affiliation).

Theo TS Dương Tú, trong đa số trường hợp, địa chỉ liên hệ của tác giả bài báo chính là nơi tác giả làm việc, tức cơ quan chủ quản của tác giả. Nhưng không phải lúc nào cũng thế. Các nhà xuất bản học thuật đều hướng dẫn tác giả ghi địa chỉ liên hệ là nơi mà nghiên cứu được tiến hành, không phải nơi làm việc của tác giả.

Chẳng hạn, một người là giảng viên ĐH X của Việt Nam sang ĐH Harvard làm nghiên cứu sinh hay là học giả tiến hành nghiên cứu mà trường X không tham gia, không có đóng góp, thì khi công bố kết quả nghiên cứu, địa chỉ liên hệ của người này trong bài báo là ĐH Harvard. Tác giả có thể sử dụng cả hai địa chỉ ĐH Harvard và ĐH X khi có sự đồng thuận của các bên, nhưng không bao giờ chỉ ghi địa chỉ ĐH X mà không nhắc đến ĐH Harvard.

“Sở dĩ nơi tiến hành nghiên cứu, chứ không phải cơ quan chủ quản của tác giả, được sử dụng làm tiêu chí xác định địa chỉ liên hệ, là bởi đây gắn liền với việc chịu trách nhiệm về nghiên cứu. Nếu có vấn đề gì phát sinh liên quan đến nghiên cứu, địa chỉ liên hệ là nơi chịu trách nhiệm kiểm tra, điều tra, xử lý, bồi thường, đền bù”, TS Tú nói.

Ông đưa ra ví dụ một nghiên cứu thử nghiệm vắc xin được tiến hành tại ĐH X. Khi xảy ra sự cố gây chết người do làm sai quy trình, trường X sẽ bị kiện và phải bồi thường thiệt hại, không phải cá nhân nhà khoa học cụ thể ở trường X. Việc được ghi tên trong bài báo tuy mang lại nhiều quyền lợi cho cơ quan chủ quản, nhưng cũng gắn với trách nhiệm của nơi này. Bởi vậy, không trường ĐH nghiêm túc nào lại cho phép người khác lợi dụng địa chỉ của họ.

Cũng bởi yếu tố trách nhiệm này mà các cơ quan tài trợ kinh phí cho nghiên cứu như Quỹ Nafosted chỉ yêu cầu tác giả minh bạch nguồn tài trợ ở mục Ghi nhận/Cám ơn (Acknowledgements), không bắt tác giả phải sử dụng địa chỉ liên hệ là Nafosted.

Mặt khác, từ góc nhìn của công chúng, nơi tiến hành nghiên cứu cũng là cơ quan bảo chứng cho sự tin cậy của các kết quả. Một thử nghiệm vắc xin do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hay Trường ĐH Y Hà Nội tiến hành hiển nhiên đáng tin cậy hơn nghiên cứu về vắc xin do những nơi không có chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thử nghiệm lâm sàng như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân hay Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thực hiện.

Từ phân tích trên, ông Tú đặt câu hỏi, tại sao hiện tượng một người làm việc ở trường này ghi địa chỉ liên hệ trong bài báo là trường khác để nhận tiền thưởng lại không xảy ra ở các cơ sở giáo dục danh tiếng? Ông cho rằng, gần như không trường ĐH uy tín nào trên thế giới quy định cụ thể, tỉ mỉ rằng nhà nghiên cứu phải ghi địa chỉ làm việc trong các công trình khoa học. Thay vào đó, mối quan hệ này được điều chỉnh bằng những quy định khái quát hơn về xung đột lợi ích và xung đột cam kết.

Trong câu chuyện “mua bán” bài báo, nhiều người thường hay nhắc đến xung đột lợi ích, nhưng vấn đề liên quan hơn là xung đột cam kết. Các trường ĐH nghiêm túc trên thế giới đều có quy định rõ ràng về xung đột cam kết, để đảm bảo việc nhà nghiên cứu tham gia các hoạt động chuyên môn hoặc thương mại bên ngoài trường không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ tại trường.

Chẳng hạn, ĐH Wisconsin (Mỹ) quy định mỗi người chỉ được sử dụng không quá 2 ngày làm việc hằng tháng cho các hoạt động chuyên môn và thương mại bên ngoài. Hoặc ĐH Chicago (Mỹ) giới hạn cứ 3 tháng, mỗi người được tối đa 11 ngày cho các hoạt động bên ngoài.

Nếu các hoạt động bên ngoài vượt quá giới hạn thời gian này, nhà nghiên cứu phải hỏi ý kiến, nhận được sự đồng ý của trường, và phải lập kế hoạch quản lý thời gian, công việc để trường thông qua, đảm bảo rằng họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ với trường.

“Nhà nghiên cứu nào tự ý hợp tác, “mua bán” bài báo, ghi địa chỉ cơ quan khác nơi làm việc trong các công trình khoa học đương nhiên sẽ vi phạm quy định về xung đột cam kết. Nếu các hoạt động bên ngoài mang lại tiền bạc cho nhà nghiên cứu, cơ quan chủ quản sẽ điều chỉnh giảm lương chính thức của họ tại trường”.

TS Dương Tú – ÐH Purdue (Mỹ)

“Việc làm sai trái”

Là Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Toán, Quỹ Nafosted, GS.TS Ngô Việt Trung khẳng định, nhiều công bố khoa học do Quỹ tài trợ kinh phí nhưng không ghi địa chỉ cơ quan chủ trì là việc làm sai trái vì quyền sở hữu trí tuệ các công trình này thuộc về Nhà nước mà cơ quan chủ trì là đại diện.

Quyền này được ghi rõ trong hợp đồng nghiên cứu giữa Quỹ Nafosted và cơ quan chủ trì đề tài. Căn cứ theo các điều khoản của Quỹ, cơ quan chủ trì có nghĩa vụ yêu cầu đề tài ghi địa chỉ cơ quan trong các công bố. Nhưng thực tế, hiện nay một số cơ quan chủ trì cho rằng, họ không quan tâm đến việc đề tài ghi địa chỉ ở đâu.

Theo GS Trung, đây là thái độ vô trách nhiệm vì theo hợp đồng với Quỹ, cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm mọi mặt trong việc triển khai nội dung đề tài, kể cả việc sử dụng kinh phí. Nếu đề tài không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan chủ trì sẽ phải trả tiền đền bù cho Quỹ theo quy định. Qua đây, có thể thấy sản phẩm đề tài (các công bố) thuộc về quyền sở hữu trí tuệ của cơ quan chủ trì.

Để giải quyết dứt điểm chuyện này, ông Trung đề xuất Quỹ Nafosted nên có thông báo chính thức không chấp nhận các bài báo không ghi địa chỉ cơ quan chủ trì. Đối với ngành Toán, ông khẳng định từ năm 2022 sẽ không chấp nhận chuyện nhà khoa học tham gia đề tài của Quỹ cơ hữu một nơi, viết bài đứng tên một nơi.

Chuyện ghi sai địa chỉ đã tiếp tay cho việc ngụy tạo thành tích của các cơ sở “mua” bài, tạo tiền đề cho sự giả dối trong khoa học Việt Nam ở quy mô quốc gia. PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, cách đây 2 - 3 năm, trường có một cán bộ được Nafosted tài trợ nhưng bài báo nghiệm thu ghi tên đơn vị khác. Đề tài không được nghiệm thu, sau đó vị cán bộ này không còn được nhận bất kỳ tài trợ nào của Nafosted cũng như của trường.

MỚI - NÓNG