'Siêu nhân' nước ngoài đứng tên công bố tại Việt Nam: Nhộm nhoạm bài báo khoa học

0:00 / 0:00
0:00
Công bố bài báo khoa học có đang bị biến tướng?
Công bố bài báo khoa học có đang bị biến tướng?
TP - Bảng xếp hạng tốp 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới (trích dẫn nhiều nhất) trong năm 2021 của Nhà xuất bản Elsevier (trụ sở tại Hà Lan) cho thấy bức tranh khá toàn diện về công bố bài báo quốc tế của các trường đại học tại Việt Nam. Đáng chú ý, hai nhà khoa học được trích dẫn số 1 và số 2 của Việt Nam không phải là người Việt.

Danh sách 100.000 nhà khoa học trên thế giới được trích dẫn nhiều nhất được chia thành 2 bảng xếp hạng là trọn đời (sự nghiệp) và năm gần nhất (năm 2020). Trong danh sách này, có 146 nhà khoa học đứng tên tại các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam. Đứng đầu danh sách, tức đứng số 1 Việt Nam trong cả hai bảng xếp hạng, là nhà khoa học Ali Chamkha. Trong danh sách năm 2020, ông Chamkha xếp vị trí thứ 172 thế giới và 2.634 trong danh sách sự nghiệp. Ông Chamkha (tên đầy đủ là Ali Jawad Chamkha) sinh ra ở Li-băng, được đào tạo từ bậc ĐH đến tiến sĩ ở ĐH Kỹ thuật Tennessee (Mỹ), hiện làm giáo sư ở ĐH Hoàng tử Mohammad Bin Fahd (Ảrập Xêút).

Tra cứu trên cơ sở dữ liệu Scopus cho thấy, trong hai năm 2020-2021, ông Chamkha đứng tên 5 trường ĐH, với 4 trường thuộc vùng Vịnh, trường thứ 5 là Trường ĐH Duy Tân (Việt Nam). Thống kê cho thấy năm 2021, ông Chamkha đã công bố 112 bài báo khoa học (bình quân gần 3 ngày xuất bản 1 bài). Trong đó, có 32 bài đứng tên Trường ĐH Duy Tân (năm 2020, ông cũng đứng tên Trường ĐH Duy Tân 34 bài). Tới nay, dữ liệu Scopus ghi nhận 61 bài báo mà ông Chamkha ghi địa chỉ làm việc là Trường ĐH Duy Tân, trong đó có 59 bài sử dụng trường này là địa chỉ duy nhất, 2 bài còn lại ghi 2 địa chỉ gồm Trường ĐH Duy Tân và một trường ĐH ở Kuwait.

Trong 5 bài báo khác, tuy ông Chamkha không ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân, nhưng đồng tác giả của ông (cũng làm việc ở Trung Đông) ghi địa chỉ là trường ĐH này. Ngoài ra, trong những bài báo kể trên, có bài ông Chamkha ghi địa chỉ là Trường ĐH Duy Tân, còn các đồng tác giả của ông lại ghi là Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đến nay, 11 bài ghi tên cả Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trong tất cả công bố khoa học của ông Chamkha đến thời điểm này, chưa có đồng tác giả nào là người Việt Nam.

Trong danh sách xếp hạng 2020 của Nhà xuất bản Elsevier, có 53 tác giả ghi địa chỉ là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, 31 tác giả ghi địa chỉ là Trường ĐH Duy Tân. Trường ĐH Phenika có 7 tác giả, ĐH Quốc gia Hà Nội 4, ĐH Quốc gia TPHCM 4, ĐH Bách khoa Hà Nội 4, Trường ĐH Công nghệ TPHCM 4, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam 3, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 3. Ngoài ra, có 22 đơn vị khác, mỗi đơn vị có 1 hoặc 2 tác giả. Với danh sách sự nghiệp, có 53 tác giả có địa chỉ Việt Nam, trong đó đa số được thống kê theo địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân. Nhưng chỉ có 28 tác giả có họ tên của người Việt, 25 người còn lại có họ tên nước ngoài.

Người xếp thứ 2 của Việt Nam trong danh sách của Nhà xuất bản Elsevier là Mika Sillanpaa đến từ Trường ĐH Duy Tân. Về đơn vị công tác của nhà khoa học này, theo hồ sơ khoa học, năm 2020, ông là giáo sư của Trường Đại học Khoa học điện tử & Công nghệ Trung Quốc (UESTC) ở Trung Quốc, Trường ĐH Johannesburg ở Nam Phi, và là khách mời nghiên cứu của Trường ĐH Duy Tân ở Việt Nam.

Trang web của một số trường ĐH cũng ghi nhận nhà khoa học này là nhân sự của mình, gồm ĐH Aarhus ở Đan Mạch, ĐH King Saud ở Ảrập Xê út, ĐH Kỹ thuật Lappeenranta (LUT) ở Phần Lan. Theo công bố của Nhà xuất bản Elsevier, ông Sillanpaa xếp thứ hạng 8.949 về sự nghiệp và vị trí thứ 1.081 năm 2020. Theo hồ sơ khoa học của vị này, tính đến năm 2020, ông đã công bố hơn 800 bài báo. Năm 2021, ông Sillanpaa là tác giả, đồng tác giả của 100 bài báo khoa học,trong đó có 60 bài đứng tên Trường ĐH Duy Tân và 23 bài đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, ông còn đứng tên ở 10 trường ĐH khác trên thế giới.

Chuyên gia đa lĩnh vực

Theo danh sách của Nhà xuất bản Elsevier, có 58/146 tác giả đứng tên trường ĐH của Việt Nam là người nước ngoài và chủ yếu đứng tên Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trong danh sách xếp hạng năm 2021 tốp 5 vị trí đầu của Việt Nam có 4 tác giả là người nước ngoài và đều đến từ hai trường ĐH này, trong đó Trường ĐH Duy Tân chiếm thủ khoa và á khoa với hai tác giả nêu trên.

Trong số 58 tác giả họ tên nước ngoài, có 32 người đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, 20 người đứng tên Trường ĐH Duy Tân. Trong số các tác giả này, có bài ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân, có bài lại ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Số liệu từ Scopus cho thấy ông Chamkha đứng tên Trường ĐH Duy Tân 66 bài,trong số đó có 11 bài có tác giả người Ảrập khác đồng đứng tên từ Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Còn nếu tính số bài ông Chamkha tham gia và có tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì là 26 bài. Các đồng tác giả của ông Chamkha đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng gồm có ông Mohammad Ghalambaz, ông Iskander Tlili (hai tác giả này đều có tên trong bảng xếp hạng của Elsevier).

Ông Tlili và ông Chamkha hợp tác với nhau đến nay tất cả 4 bài, bài đầu tiên năm 2014 thì ông Tlili đứng tên Trường ĐH Duy Tân. Sau đó có 3 bài năm 2020 thì ông Tlili đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trong hai bảng xếp hạng của Nhà xuất bản Elsevier đều có tên tác giả này đứng ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Tác giả Tlili được biết đến là người viết bài có liên quan Trường ĐH Tôn Đức Thắng từ năm 2018 tới năm 2021 là 185 bài, trong đó có 99 bài đứng tên tác giả liên hệ, 88 bài khác lấy đứng tên Trường ĐH Duy Tân. Các lĩnh vực mà tác giả này đăng bài vô cùng đa dạng, từ vật lý, thiên văn, hóa học, toán học, kỹ thuật, kỹ thuật hóa học, năng lượng, khoa học vật liệu, khoa học máy tính, khoa học môi trường tới hóa sinh, di truyền, sinh học phân tử, khoa học xã hội.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.