Phía sau bài báo giành Giải Nhất viết về khoa học và công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
Phân tích ADN hài cốt liệt sỹ tại Trung tâm Giám định ADN của Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Phân tích ADN hài cốt liệt sỹ tại Trung tâm Giám định ADN của Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
TP - Tôi hẹn gặp anh Hoàng Hà và anh em Trung tâm Giám định ADN vào một buổi sáng tháng 8/2020 để lắng nghe câu chuyện về hành trình tìm lại tên cho những liệt sỹ đã ngã xuống mà chưa được định danh. Thế nhưng sáng hôm đó, anh Hà nhắn cho tôi “để hôm khác được không em?”.

Tôi hỏi lý do, anh bảo “hai hôm nay trời mưa, đường vào trung tâm lầy lội lắm, sợ em không vào được”, tôi cười “em tưởng anh có việc bận đột xuất, đường lầy lội mấy, em cũng đến được”.

Tuy nhiên, khi đến nơi, con đường vượt qua mọi tưởng tượng của tôi về sự lầy lội dù nằm ngay ở Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đoạn đường đất ngắn nhưng heo hút, vắng vẻ và ngập ngụa sình lầy. Đó là con đường lầy lội nhất mà tôi từng nhìn thấy, vượt qua cả con đường đất đến cánh đồng ngày mưa trong ký ức tuổi thơ.

Tháo đôi giày, tôi xác định lội qua con đường thì may thay một anh công nhân đi qua đã tình nguyện chở tôi với câu nói “đố em đi qua được”. Vào đến nơi, tôi nói với anh Hoàng Hà - Giám đốc Trung tâm, hàng ngày anh em vượt bùn lầy đến đây đã là một sự dũng cảm. Thế nhưng khi nghe câu chuyện của anh em, tôi hiểu rằng, việc đi qua con đường lầy lội quả thật quá nhỏ bé và đơn giản so với những thách thức mà họ phải vượt qua trong hành trình tìm lại tên cho người đã mất.

Khi nhận được tin đoạt giải, người đầu tiên tôi nhắn tin là anh Hoàng Hà để nhờ chuyển lời cảm ơn anh em đã chia sẻ một câu chuyện mà theo tôi là cảm động, nhân văn và giàu tính lịch sử. Cá nhân tôi tâm niệm giải thưởng không phải vinh danh cá nhân tác giả mà vinh danh một câu chuyện nhiều ý nghĩa, những con người nhiều tâm huyết mà tác giả đã kể lại.

Ý tưởng viết về hành trình giám định hài cốt liệt sỹ bằng công nghệ ADN nảy sinh khi tôi tham dự Lễ bàn giao kết quả phân tích ADN của Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho Cục Người có công của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhân Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. Đó là một lễ bàn giao nhiều xúc động, nhiều người nghẹn ngào khi nghe ông Nguyễn Xuân Tế, thân nhân liệt sỹ kể về hành trình tìm lại tên cho hài cốt anh trai mình ngã xuống từ cuộc kháng chiến chống Pháp.

“Những năm gần đây, tôi 23 lần đi Hà Nội, 19 lần vào Thanh Hóa, cuối cùng quyết định cho giám định ADN… Khai quật mộ lần thứ nhất, 3 tháng sau nhận quyết định xương mục không giám định được. Lần thứ 2 cũng xương mục không giám định được. Lần thứ 3 tôi cầu cứu đến Trung tâm ADN. Phải nói Viện Công nghệ sinh học và Trung tâm rất trách nhiệm, đi ô tô từ Hà Nội vào Thanh Hóa, giám định khai quật lần 3. Sau 3 tháng nhận được kết quả, gia đình tôi phấn khởi, anh tôi mất hơn 60 năm được trả lại danh hiệu liệt sỹ”.

Từ câu chuyện của ông Tế, khi gặp các anh em Trung tâm, tôi mới hay hành trình tìm lại tên cho một liệt sỹ gian nan, vất vả như thế nào và cảm phục sự hy sinh, vất vả của những người làm công việc nhiều khó khăn này. Đó là những ngày, các giám định viên của Trung tâm trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dãi dầm nhiều ngày ở các nghĩa trang liệt sỹ để khai quật từng ngôi mộ liệt sỹ chưa có tên. Đó là nhiều tiếng đồng hồ, cũng trong bộ đồ bảo hộ kín mít, anh em cần mẫn ngồi đánh một mẫu vật răng liệt sỹ. Đó là những nỗi buồn khi khai quật hàng trăm phần mộ liệt sỹ nhưng chỉ lấy được 14 mẫu hay mất đến nhiều tuần để xử lý mẫu nhưng cuối cùng không lên ADN.

Tôi nhớ câu nói của anh Hoàng Hà, giám đốc Trung tâm “Không có trách nhiệm thì không bao giờ có thể làm được những công việc như thế”, hay “Mất bao công sức thế kia nhưng thực tế chỉ có khoảng 50% số mẫu là giám định được ADN. Nhiều hôm 18 mẫu mà chỉ 2 mẫu lên ADN, anh em chúng tôi ngồi thừ ra, buồn lắm”.

Những tư liệu mà anh Hoàng Hà và anh em chia sẻ đã giúp tôi viết bài báo “Tìm lại tên cho người đã mất”, đăng trên số báo đặc biệt 2/9/2020 của báo Tiền Phong. Tác phẩm giành giải Nhất Giải báo chí viết về khoa học và công nghệ năm 2020, thể loại báo in, vượt qua hàng trăm tác phẩm cùng thể loại tham dự.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.