Nhọc nhằn mưu sinh sau bão

Nhọc nhằn mưu sinh sau bão
TP - Những ngày này trên nhiều tuyến đường của Đà Nẵng xuất hiện một loạt điểm thu mua phế liệu. Hàng trăm ngàn ngôi nhà đổ sập và tốc mái hư hỏng nặng chỉ sau một đêm bão đã khiến nghề buôn phế liệu bỗng chốc trở nên phát đạt.
Nhọc nhằn mưu sinh sau bão ảnh 1
Những đứa con của chị Trần Thị Cảnh cũng theo mẹ mua phế liệu để mưu sinh

Các mẹ các chị đi mua đồ phế liệu rong ngày thường sục các ngõ xóm tìm mua phế liệu “đỏ con mắt” mà cũng chẳng ra, hai hôm nay thì chở mãi không hết…

“Đồng nát” lên ngôi

Chị Trần Thị Cảnh (tổ 17 Nại Thịnh, phường Nại Hiên Đông) – chủ một điểm thu mua phế liệu đứng phơi nắng cùng bầy con lít nhít trên đường Trần Hưng Đạo lối chạy về âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà - Đà Nẵng) lắc đầu : “Nhà tui trong xóm kia, bay hết sạch rồi. Giờ một mình nuôi 4 đứa con, phải cắn răng đứng đây làm kiếm ít tiền mua gạo”.

“Đồ nghề” của chị chỉ có chiếc xe ba gác và chiếc cân, cùng với đống tôn, kẽm, sắt thép nát vụn chất cao ngất phía sau. Cứ mươi phút lại có mấy chiếc xe gắn máy, xe đạp lếch thếch chở vài tấm tôn rách, dăm sợi sắt còng queo đập ra từ cốt bêtông chở tới. Đó có lẽ là “chiến lợi phẩm” họ vừa thu mót nhặt nhạnh ở đâu đó khắp thành phố nhiều nơi bị bão dập tan hoang này.

Khi tôi dừng chân thăm hỏi, giá tôn rách chị mua vào theo “bạn hàng” vừa báo về đã rớt từ 2.200 đ/kg xuống còn 1.800 đ/kg. Vì nhà máy tôn đã có điện, nên giá xuống liền. Còn sắt vụn vẫn giữ giá 3.100 đ/kg. “Nhà em thuộc diện hộ nghèo được cứu trợ của phường – Chị Cảnh âu sầu kể – Nhưng có ai cho vay tiền xóa đói giảm nghèo đâu, mà em vẫn chống chọi để nuôi 4 đứa con ăn học”.

Hỏi về cái nghề đồng nát sau bão, chị có vẻ vui hơn một chút: “Bình thường em mua vào chỉ vài trăm ngàn tiền hàng, lãi chừng 40-50 ngàn đồng mỗi ngày.

Nhưng sau cơn bão này, mấy chị em của em phải “cầm” 2 chiếc xe máy để có đủ 25 triệu mua hàng, chắc cũng kiếm được ít nhiều”. Rồi chị lại xịu mặt buồn bã chỉ vào chiếc xe ba gác trước mặt: “Được mấy đồng, nhưng nhà cửa còn đâu. Mấy đêm rồi 5 mẹ con dồn vô ngủ trên chiếc xe này, che tấm vải mưa lên trên, chặn tôn rách xung quanh. Cực quá!”.

Cách đó không xa là vựa phế liệu của chị Ngô Thị Sung. Vựa của chị có vẻ “đắt” mặt hàng nhựa la phông, toàn là thứ vỡ nát sau bão. Chị cho biết mỗi ký giá 3.000 đồng, và phải mua tận gốc, tức là không qua tay ai, mới lời ngót nghét 1.000 đồng mỗi ký. “Nhà tôi cũng tan hoang rồi, cố để kiếm miếng cơm thôi, hết đợt bão này coi như... chịu!”,- Chị Sung thở dài.  

Nhọc nhằn mưu sinh sau bão ảnh 2
Mặc cho nhà tốc mái, người dân Nam Ô (Liên Chiểu) vẫn bỏ mặc để ra biển vớt củi sau bão                     Ảnh: Trần Tuấn

Kiếm cá, vớt củi sống qua ngày

Chạy thêm một đỗi ngắn nữa tới âu thuyền Thọ Quang– nơi trú ẩn của hàng trăm chiếc tàu cá của ngư dân Đà Nẵng trong bão, thấy ngổn ngang xác tàu mắc cạn trên bờ.

Bên cạnh nhóm thợ đang lúi húi trục vớt, sửa chữa tàu thuyền là những đứa trẻ, có cả người lớn đang mải miết... buông câu.

“Cá đối, chú ạ, tụi này lỳ lắm, chẳng sợ bão” - Một thằng bé hồn nhiên kể. “Hết bão rồi, sao chưa đi học?” - Tôi hỏi. “Sách vở ướt hết rồi còn mô. Ráng vài bữa nữa tụi con sẽ đi học, mấy bữa ni đang có cá”. Tôi nhìn xuống đùm lưới, chỉ thấy mấy con cá ranh nhỉnh hơn ngón tay.

Dân biển quen sóng gió, nương theo thiên nhiên mà sống, có lẽ không có gì lớn hơn là việc phải kiếm bữa qua ngày. Như người dân sát mép biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), bão vừa tan, nhà cũng nát, nhưng ai nấy bỏ mặc đó để chạy ra biển... vớt củi.

Không chỉ có củi, mà ở đâu ngoài khơi dập vào cơ man những súc gỗ to đùng. Không phải ai cũng biết rằng đó sẽ là nguồn sống của những con người nghèo khổ nơi chân sóng này suốt mấy ngày.

Ở Đà Nẵng sau mấy ngày bão, công lao động có lẽ cao giá nhất từ trước đến nay. Anh Mười (tổ 6B Thuận An, phường An Khê) đang leo nóc nhờ lợp nhà thuê cho người ta, tự dưng nghe vợ gọi liền tụt xuống chạy biến một hơi.

Vì là nhà quen của người viết bài này, hỏi ra mới biết vợ anh vừa báo có “mối” lớn hơn, đó là đi cưa cây. Cưa cây đổ buổi kiếm mấy trăm ngàn, lại có bó củi mang về đun. Cơ man việc để làm mấy hôm nay, như đi mua và chở tôn thuê, đi bới gạch moi tài sản thuê, đi tháo gỡ sửa chữa bảng hiệu quảng cáo, đi sửa nhà, lợp mái, kéo và trục vớt tàu thuyền ... 

Trong khi đa phần những người lao động nhọc nhằn ấy, bản thân nhà cửa của họ cũng đang nằm một đống. “Của mình để đó, làm sau. Bình thường lấy mô ra việc để làm” - Anh Mười nói.

MỚI - NÓNG