Trận đấu lớn nhất trong 50 trận chiến của cả cuộc đời Napoleon cũng là trận chiến đẫm máu nhất trong thế kỷ XIX cướp đi sinh mạng gần 80.000 binh sĩ cả hai bên Nga - Pháp.
Nhà sử học Andrey Sakharov lý giải: “Cuộc chiến tranh năm 1812 được gọi là Chiến tranh Vệ quốc Nga lần thứ I bởi vì toàn dân Nga đã nhất tề đứng lên đoàn kết để đương đầu với đại quân của Napoleon”. Và vị danh tướng Nga đã dựng lên đoạn kết cho Napoleon chính là nguyên soái “độc nhãn” Mikhail Kutuzov.
Mikhail Illarionovich Kutuzov sinh ngày 16/9/1745 tại Saint Petersburg trong một gia đình quý tộc thuộc dòng dõi Aleksandr Yaroslavich Nevsky, một anh hùng trong lịch sử Nga.. Dòng họ Kutuzov có thể nói là một trong những dòng họ đại quý tộc có thế lực trong xã hội Nga thời đó.
Cha của Mikhail là thiếu tướng Illarion Matveevich Kutuzov, một sĩ quan công binh nổi tiếng phục vụ trong quân đội Nga suốt 30 năm, từng tham gia các cuộc chiến tranh chống đế quốc Osman và từng phục vụ cho Piotr Đại đế. Illarion Matveevich đã từng đảm trách việc xây dựng nhiều thành trì và kênh đào quan trọng, được Nữ hoàng Ekaterina II tặng một hộp đựng thuốc lá bằng vàng nạm kim cương để tưởng thưởng cho công lao xây dựng kênh đào Ekaterina (nay là kênh Griboiedpov ở Saint Petersburg). Mẹ của Mikhail cũng là người xuất thân từ dòng họ quyền quý Beklemishevyi.
Mikhail được cha cho mời các gia sư đến tư dinh kèm cặp dạy bảo cho đến năm lên bảy tuổi. Năm 1758, cha của Mikhail Kutuzov được điều đi công cán tại Riga và ông đã cho Mikhail cùng đi theo. Ở đây, Mikhail tích lũy thêm nhiều kiến thức toán học, cậu nói tiếng Đức thông thạo hơn vì hầu như mọi người dân ở Riga đều dùng tiếng Đức.
Khi quay về quê nhà , năm 1759, Mikhail được cha gửi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự Hoàng gia do Piotr Đại đế sáng lập, là nơi đào tạo những sĩ quan ưu tú cho quân đội Nga hoàng. Do có thành tích học tập xuất sắc nên khi tốt nghiệp năm 1762, ông đã được thăng quân hàm đại úy.
Năm 1768, Mikhail Kutuzov gia nhập đại đoàn do tướng Rumyantsev và Alexander Suvorov chỉ huy chiến đấu đánh lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Chính tướng Alexander Suvorov, một trong những vị chỉ huy tài ba nhất nước Nga thời đó là người đào tạo và bồi dưỡng tài năng cầm quân cho Mikail Kutuzov nên đến tháng 12/1771, ông đã trở thành một vị chỉ huy mang quân hàm trung tá.
Trong trận chiến với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Crimea diễn ra vào ngày 24/7/1774, Kutuzov bị một viên đạn bắn sượt qua thái dương, gần mắt phải, phá thùy trán của ông. Vết thương những tưởng đã cướp đi tính mạng của vị chỉ huy trẻ, nhưng Kutuzov vẫn sống sót, tuy vậy ông mãi mãi không còn có thể nhìn được bằng mắt phải nữa.
Vết thương đã làm ông mất rất nhiều thời gian để điều trị, nhưng đến năm 1784 ông đã quay lại quân ngũ và chẳng bao lâu sau, Mikail Kutuzov tiếp tục được thăng hàm thiếu tướng. Ông lần lượt dành được các chiến thắng to lớn trong cuộc chiến Nga - Thổ Nhĩ Kỳ 1787–1792, với việc lấy lại được các vùng Ochakov, Akkerman, Kaushany và Ismail.
Tranh minh họa trận chiến Borodino.
Nhưng có điều đáng nói rằng, sau lần điều trị vết thương, ông bắt đầu có những cách cư xử và hành vi bất thường. Năm 1788, Kutuzov lại bị bắn vào đầu lần nữa nhưng ông vẫn thoát chết và bình phục, dù luôn bị chứng đau đầu hành hạ.
Mikail Kutuzov được phong chức toàn quyền St. Petersburg trong những năm 1801-1802, nhưng cũng sau đó ông bị thất sủng khi tân Sa Hoàng Alexander I lên ngôi, và cũng ngay sau đó ông bị sa thải. Tuy nhiên, quãng thời gian gián đoạn trong cuộc đời binh nghiệp của Kutuzov không kéo dài: Đến năm 1804, khi nước Nga tham gia cuộc chiến liên minh thứ ba chống lại Pháp, và đến năm 1805 Nga cử hai đạo quân đến Áo, Mikail Kutuzov được bổ nhiệm làm chỉ huy của một trong hai đạo quân đó.
Ông đã tham gia chiến đấu trong chiến dịch Ulm và trong trận chiến Austerlitz. Thật đáng tiếc, nước Nga đều thất bại trong cả hai trận đánh này. Sa hoàng Alexander I đã quy cho Kutuzov phải chịu trách nhiệm về thất bại này và điều chuyển ông sang làm toàn quyền Kiev, sau đó là ở Lithuania.
Ngày 12/6/1812, Hoàng đế Napoleon Bonaparte huy động 30 vạn quân Pháp cùng 34 vạn quân chư hầu tiến đánh nước Nga. Do sự hỗn loạn trong Bộ Tham mưu Nga và sai lầm của Nga hoàng Alexanrde I, quân Nga bị quân Pháp áp đảo. Quân Nga tổ chức rút lui toàn diện, tránh né chủ lực quân Pháp nhưng việc rút lui từ ngày này qua ngày khác trái với nguyện vọng chiến đấu của binh sĩ Nga và gây ra nhiều bất đồng nghiêm trọng trong quân đội Nga.
Lúc này nước Nga đang cần một vị tổng chỉ huy tài năng và uy tín. Giới quân sự Nga nhớ ngay đến Mikhail Kutuzov - lúc này đang chỉ huy các lực lượng dân quân ở Saint Peterrsburg và Moskva. Ngày 29/8/1812, Kutuzov đã được nhận cây gậy chỉ huy từ tay Michael Barclay de Tolly. Sự chuyển giao binh quyền này đã tạo nên sự kiện quyết định trong cuộc chiến của Nga chống lại Napoleon.
Mikhail Kutuzov đã quyết định mở một trận đánh quan trọng tại Borodino, mặt trận này cách Moskva 120km về phía tây. Trận đánh mở màn vào ngày 7/9 (26/8 theo lịch Nga cũ). Hai bên đã tung cả đạo quân vào trận, và nó được mô tả là một trận đánh khốc liệt và dữ dội nhất trong lịch sử loài người tính đến thời điểm đó, tổng số binh sĩ tham chiến trong trận này lên đến một phần tư triệu người.
Quân Pháp dưới sự chỉ huy của Napoleon đã không giành được chiến thắng quyết định trước quân Nga. 80.000 lính Pháp và Nga đã bỏ mạng, chỉ riêng tại Brodino mỗi bên mất 2.500 quân. 49 tướng lĩnh Pháp thương vong, trong khi con số đó ở phía Nga là 23.
Theo lời vị thống lĩnh Mikhail Kutuzov, ngày tháng này là “tượng đài vĩnh cửu của lòng can đảm và dũng cảm của những người lính Nga”. Trên cánh đồng Borodino với diện tích 50km2, hàng nghìn khẩu súng và đại bác liên tục nhả đạn. Hơn 250.000 binh lính chiến đấu từ bình minh cho đến khi có thể thấy mặt của đối phương vào lúc hoàng hôn.
Và mỗi tiếng đồng hồ, trên cánh đồng này có 2.500 người chết. Các binh sĩ Nga đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Vì thế, Napoleon đã vô cùng kinh ngạc khi chỉ thấy trên chiến trường đã tạm tan khói súng thây người chất lên nhau nhưng tuyệt nhiên không bắt được một tù binh người Nga nào. Trong lịch sử chưa có những trận chiến tương tự.
Tiến sĩ Sử học Andrey Sakharov, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Nga, nói: “Trận chiến Borodino có một số khía cạnh. Điều quan trọng nhất là ý nghĩa tinh thần dân tộc rất lớn đối với quân đội Nga, nhân dân Nga và lịch sử Nga nói chung. Có thể nói, trong trận đấu này không có bên chiến thắng. Pháp không giành được chiến thắng nhưng Nga cũng không thua.
Một người từng tham dự Chiến tranh Vệ quốc lần thứ I, sau này là nhà triết học nổi tiếng Clausewitz đã viết: “Cách duy nhất để đánh bại Nga là lợi dụng những bất đồng nội bộ giữa người dân và giới cầm quyền. Nhưng nếu không có những bất đồng như vậy thì không có cách nào đánh bại nước Nga. Trận chiến Borodino đã chứng minh rõ, trong xã hội Nga không có bất đồng nào”.
Bảo tàng Bức tranh tròn Borodino và tượng Nguyên soái Kutuzov.
Tiến sĩ Sử học Vadim Roginsky nói: “Napoleon vẫn không thể giải quyết nhiệm vụ chính - đánh bại quân đội Nga. Và điều này phần nhiều định đoạt cục diện toàn bộ chiến dịch theo chiều hướng bất lợi cho quân đội Pháp”.
Sau một cuộc hội đàm tại làng Fili, Kutuzov đã quyết định rời khỏi Moskva nhằm bảo toàn quân đội. Quyết định của ông bị nhiều người phản đối; tuy nhiên về sau, đó lại là một quyết định sáng suốt để dẫn tới chiến thắng cho quân đội Nga. Phải rời khỏi và bỏ Moskva vào tay Napoleon, nhưng Kutuzov đã bảo toàn được quân đội của mình.
Cũng trong trận Borodino này, ngày 11/9, Kutuzov đã được thăng hàm thống soái. Trên đường rút khỏi Moskva, quân đội của Kutuzov đã đánh một vài trận đối đầu với quân Pháp và giành được chiến thắng, ông đã buộc quân đội của Napoleon phải chạy tháo thân khỏi trận đánh ở Maloyaroslavets.
Sau trận Borondino, Napoleon xua quân tiến vào Moskva, hy vọng Nga hoàng sẽ đầu hàng. Nhưng khi vào tới Moskva, Napoleon kinh ngạc nhận ra đường phố Moskva không một bóng người. Thống soái Mikhail Kutuzov trước đó đã hạ lệnh đốt thành phố và di tản dân chúng. Không có lương thực, nước uống và nơi ở để chống chọi lại mùa đông nước Nga vô cùng khắc nghiệt, Napoleon hạ lệnh rút quân.
Kết hợp thông tin có được từ các nguồn dữ liệu ở Pháp và Nga, một nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Mark Preul đứng đầu, cùng với tiến sĩ Sergiy Kushchayev, Evgenii Belykh và các đồng nghiệp ở Viện nghiên cứu thần kinh Barrow, Mỹ, kết luận rằng, quyết định phóng hỏa thành phố của Mikhail Kutuzov chịu ảnh hưởng của cuộc phẫu thuật não từ lần bị bắn vào thái dương lần thứ nhất.
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Giải phẫu thần kinh học, nếu bác sĩ người Pháp Jean Massot ngày ấy không áp dụng "kỹ thuật hiện đại một cách khó tin" để phẫu thuật cho Mikhail Kutuzov, nước Nga có thể đã thua trận. "Những nguyên soái khác nghĩ Kutuzov bị điên, và có thể ông điên thật. Ca phẫu thuật não cứu sống Kutuzov nhưng khiến não và một mắt của ông tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, trớ trêu thay, ông lại đưa ra được quyết định sáng suốt nhất. Nếu não không bị tổn thương, có thể ông ta đã đối đầu với Napoleon và bị đánh bại," Preul nói.
"Đây là câu chuyện về ảnh hưởng của y học đối với xã hội” - Preul nhận xét. Vết thương chí mạng của Mikhail Kutuzov và cuộc phẫu thuật của Mussot vẫn còn nhiều bí ẩn do không được khám nghiệm tử thi lúc ông qua đời năm 1813.
Vào năm 1912, nhân kỷ niệm 100 năm trận đánh lịch sử ở làng Borodino, Nga hoàng Nikolai II đã ra lệnh xây dựng một bảo tàng tại khu Chytye Prudy ở Moskva, nơi trưng bày kiệt tác của họa sĩ theo phong cách hội họa chiến tranh F. Rubo - bức tranh tròn "Trận chiến Borodino".
Từ những ngày đầu mở cửa bảo tàng đã có nhiệm vụ gìn giữ, nghiên cứu và giới thiệu các di sản lịch sử và văn hóa tưởng niệm cuộc chiến tranh Vệ quốc 1812. Trong 5 năm đầu hoạt động, bảo tàng đã đón 150.000 lượt khách tham quan. Nhưng vào năm 1918, nhà bảo tàng đã bị đóng cửa, các hiện vật và thiết bị ánh sáng bị tháo dỡ, các bức tranh bị cuộn lại và cất trong kho.
Năm 1962, bức tranh đã được phục chế và trưng bày ở một tòa nhà trên đại lộ Kutuzov ở Moskva, trở thành một bộ phận không thể tách rời của khu tưởng niệm những sự kiện trong Chiến tranh Vệ quốc lần thứ I - 1812.
Bảo tàng có 3 khu trưng bày. Khu tòa nhà chính mô tả những sự kiện của cuộc chiến tranh Pháp-Nga 1812 và trận đại chiến ở làng Borodino. Linh hồn của bảo tàng - bức tranh tròn "Trận chiến Borodino" là tác phẩm tiêu biểu cho hội họa lịch sử-chiến tranh đầu thế kỷ XX, với sự kế thừa những nét tinh hoa nhất của hội họa chiến tranh thế kỷ XIX.
Với chiều dài 115m, chiều cao 15m, bức tranh được vẽ trong vòng 11 tháng, mô phỏng hơn 4.000 nhân vật. Bức tranh được treo ôm theo vòng tròn của tường nhằm tạo cảm giác thực trong không gian 360 độ. Phía dưới được đặt các mẫu vật nối tiếp vào phần chân bức tranh, khiến những hiện vật vẽ trong tranh trông hệt như thật.