Nhìn về đất mẹ Điện Bàn…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, thị xã Điện Bàn nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh.

Vùng đất "tứ phụng"

Điện Bàn là vùng đất học hàng đầu của xứ Quảng. Trong số 293 vị đỗ Trung, Đại khoa (Cử nhân: Trung khoa; Phó bảng, Tiến sĩ: Đại khoa), thì Điện Bàn có 123 người, chiếm 42% số khoa bảng cả tỉnh.

Nhìn về đất mẹ Điện Bàn… ảnh 1

Điện Bàn đang hoàn thiện quy hoạch để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2027

Khi nói đến khoa cử Nho học, người Quảng Nam thường tự hào về "Ngũ phụng tề phi" (5 con chim phụng hoàng cùng bay). Đó là khoa thi Hội năm Mậu Tuất 1898, Quảng Nam có 5 người thi đỗ gồm 3 Tiến sĩ và 2 Phó bảng, và trong số 5 "chim phụng hoàng" ấy thì riêng vùng đất Điện Bàn đã chiếm hết 4. Đó là 2 vị Tiến sĩ Phạm Liệu (quê làng Trừng Giang nay thuộc xã Điện Trung), Phạm Tuấn (làng Xuân Đài, xã Điện Quang); và 2 Phó bảng là Ngô Chuân (làng Cẩm Sa, Điện Nam), Dương Hiển Tiến (làng Cẩm Lậu xã Điện Phong).

Theo các chuyên gia lịch sử, nhắc đến Quảng Nam, trong đó có Điện Bàn là gắn với hành trình Nam tiến của các vị vua chúa từ các thế kỷ trước, hòa hoãn có, xung đột có, chia cắt có để cho ra đời những vùng đất mới. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước, nhiều mất mát do chiến tranh để lại, cái tên Điện Bàn từ khi ra đời vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay, nhắc nhở cho các thế hệ sau về thời kỳ khai khẩn của cha ông, ghi đậm nét của các mốc lịch sử của dân tộc mới tạo nên một diện mạo của thị xã Điện Bàn ngày hôm nay.

Năm 2023, hơn 550 năm danh xưng Quảng Nam ra đời, Điện Bàn là vùng đất không tách rời quá trình hình thành và phát triển của Quảng Nam. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong sâu thẳm, mỗi người dân xứ Quảng luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất quê hương tươi đẹp.

Nhìn về đất mẹ Điện Bàn… ảnh 2

Một góc phía Đông TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Ngày 11/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 889, chính thức công nhận huyện Điện Bàn trở thành thị xã. Đây là sự kiện quan trọng của nhân dân và Đảng bộ thị xã, là cột mốc mở đầu cho giai đoạn mới để Điện Bàn tập trung xây dựng một đô thị trẻ năng động và phát triển.

Linh thiêng lòng đất mẹ

Nếu như Quảng Nam là tỉnh chịu nhiều đau thương, mất mát nhiều nhất của cả nước trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thì Điện Bàn là địa phương có số liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng (Mẹ VNAH) nhiều nhất và tiêu biểu nhất cả nước.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, địa phương hiện có 18.920 liệt sĩ, 3.133 Mẹ VNAH, trong đó 60 Mẹ còn sống; 7.660 thương, bệnh binh. Ngay sau ngày giải phóng, với tấm lòng tri ân sâu sắc đối với công lao của người đã khuất, cùng với việc dựng xây quê hương, Điện Bàn tập trung xây dựng nhiều nghĩa trang liệt sĩ để đón những người con ưu tú đã hy sinh trở về... Trong đó, Nghĩa trang liệt sĩ của thị xã đặt tại Điện Thắng, là quê hương của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi...

Hiện Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn được công nhận là Nghĩa trang cấp Quốc gia, có diện tích hơn 3ha, đã quy tập gần trên 5.000 mộ liệt sĩ hy sinh trên khắp mọi miền đất nước. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các Mẹ VNAH, các vị tiền bối cách mạng có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ cũng đã về với 12 người con, cháu liệt sĩ của mình, nhưng những câu chuyện về các con, các cháu của mẹ, về tấm lòng của người Mẹ Việt Nam anh dũng, kiên trung, đôn hậu vẫn luôn là tấm gương để các thế hệ cháu con tự soi mình và suy ngẫm. Nơi đây còn có rất nhiều mộ liệt sĩ quê Điện Bàn đã từng làm rạng danh quê hương, đất nước như chị Trần Thị Lý (Người con gái Việt Nam trong thơ của nhà thơ Tố Hữu); cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng Cao Sơn Pháo, mà cuộc đời hoạt động cách mạng của ông như là khúc tráng ca bất tận.…

Hằng năm, nhất là vào mùa tri ân tháng 7, ngày giải phóng quê hương 2/9, mỗi ngày có hàng nghìn người về các nghĩa trang để đi dọc những hàng bia, mộ tìm lại những ký ức về người đồng đội xưa, thắp nén hương tưởng niệm người thân đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc. Tại đây, những giọt nước mắt cả của người quen lẫn người chưa quen rơi thấm ướt hàng bia mộ của các liệt sĩ, hữu danh và vô danh...

Một du khách đến từ TP HCM, chia sẻ trong hành trình cùng gia đình đến vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng đã ghé tới vùng đất thiêng liêng Điện Bàn để cảm nhận vết thương chiến tranh qua những thước phim, câu chuyện ông cha kể lại… và ngậm ngùi trước những nấm mộ vô danh của các anh chị ưu tú đã ngã xuống đất mẹ, nay vẫn chưa xác định được người thân.

Sau gần 50 năm ngày giải phóng, Điện Bàn đạt nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Và theo đồ án quy hoạch chung đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam xác định thị xã Điện Bàn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị kết nối phát triển cùng TP. Đà Nẵng và Hội An.

Điện Bàn hiện có 51 di tích Lịch sử - văn hóa, trong đó có 5 Di tích cấp Quốc gia (Lăng mộ Hoàng Diệu, tháp Bằng An, lăng mộ Trần Quý Cáp, giếng Nhà Nhì - nơi chiến đấu của Bảy dũng sĩ Điện Ngọc, lăng mộ Trương Công Hy) và 46 di tích cấp tỉnh; gần 19.000 liệt sĩ, gần 8.000 thương bệnh binh, hơn 3.000 Mẹ VNAH và 24 tập thể, trên 60 cá nhân được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đó sẽ là một đô thị kiểu vệ tinh của Đà Nẵng và từ đó cũng tiếp tục hưởng lợi bởi hệ thống hạ tầng kỹ thuật sát nách (như cảng biển, sân bay quốc tế, hệ thống hạ tầng viễn thông, ngân hàng…) để phát triển công nghiệp, du lịch, thị trường tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao. Đây cũng sẽ là một vùng đệm làm giảm áp lực về môi trường, dân số và các mặt khác cho Đà Nẵng lẫn Hội An.

Điện Bàn là vùng nông thôn cổ xưa chưa bị tác động lớn của quá trình đô thị hóa. Nhiều cánh đồng, dòng sông, cảnh quan và hàng trăm di tích văn hóa lịch sử mang bản sắc Quảng Nam còn được gìn giữ, mặc nhiên lại tạo ra “cơ may” mà Đà Nẵng cần đến: Áp lực của nhịp điệu công nghiệp của cư dân đô thị sẽ được giải tỏa trong những kỳ nghỉ mà không cần đi quá xa; không gian tham quan, nghỉ dưỡng đa dạng tạo ra sức hút hấp dẫn hơn cho du khách đến Đà Nẵng…

Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn, từ nay đến năm 2025 việc đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển dân cư sẽ diễn ra rất nhộn nhịp. Đây cũng là thời kỳ bắt buộc thị xã phải tăng tốc để hoàn thành các tiêu chí đáp ứng đô thị loại 3 theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Sau đó, Điện Bàn tiếp tục hoàn thành các điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Quảng Nam.

MỚI - NÓNG