Nhiều trang thiết bị y tế bị đắp chiếu

BV Đa khoa TP Đồng Hới (Quảng Bình) không sử dụng được máy điện tim do không có giấy in.
BV Đa khoa TP Đồng Hới (Quảng Bình) không sử dụng được máy điện tim do không có giấy in.
TP - Kết thúc quá trình thanh tra công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế tại Bộ Y tế, giai đoạn 2011 - 2014, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện nhiều trang thiết bị y tế được đầu tư tại các bệnh viện bị đắp chiếu.

TTCP cũng kiến nghị kiểm điểm, có hình thức kỷ luật đối với các đơn vị, cũng như cá nhân liên quan tới sai phạm, đồng thời xử lý sai phạm về tài chính với số tiền hơn 54 tỷ đồng.

Theo ông Ngô Văn Cao, Vụ trưởng Vụ 3 - TTCP, trong giai đoạn 2011 - 2014, Bộ Y tế và các đơn vị được thanh tra đã tổ chức nhiều nội dung trong công tác quản lý trang thiết bị và công trình y tế, kết quả của công tác quản lý đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần cho người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế có chất lượng cao, góp phần giảm tải bệnh nhân tuyến trung ương. Tuy nhiên quá trình quản lý còn có những sai phạm, từ khâu xây dựng thể chế, hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý đến khâu tổ chức thực hiện ….

Đầu tư lớn nhưng không hiệu quả

Cụ thể, TTCP xác định Bộ Y tế chưa ban hành các quy chuẩn Việt Nam về trang thiết bị y tế; chưa kịp thời ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định về danh mục trang thiết bị y tế (TTBYT) thiết yếu các tuyến và quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh của các đơn vị.

Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát của Bộ này cũng còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện các khuyết điểm, sai phạm trong quản lý trang thiết bị và công trình y tế để tham mưu cho cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.

Thanh tra cho rằng Vụ trang thiết bị và công trình y tế (TTB-CTYT) có trách nhiệm khi chưa kịp thời tham mưu cho Bộ trưởng ban hành danh mục tiêu chuẩn về trang thiết bị y tế thiết yếu cho bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế.

Việc thẩm định danh mục, cấu hình tính năng kỹ thuật và dự toán TTBYT của các dự án đầu tư có mua sắm TTBYT nhất là các dự án thuộc nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, vốn tài trợ ở các địa phương còn tình trạng TTBYT cấp về không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả do không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, không phù hợp với năng lực cán bộ, cũng như cơ sở vật chất…gây lãng phí.

Điển hình, năm 2012, Sở Y tế Quảng Bình cấp cho BV Đa khoa Đồng Hới 1 máy điện tim nhưng BV này không sử dụng do không có loại giấy in cho thiết bị. Tại trung tâm Y tế dự phòng tỉnh này có 1 tủ sinh học do Dự án ADB cấp năm 2013 nhưng cũng không sử dụng vì không có phòng để lắp đặt; 2 máy PCR và máy X quang xách tay do Dự án phòng chống H5N1 cấp từ năm 2009 đến nay vẫn “đắp chiếu” do không có hóa chất và phòng rửa phim.

Cũng theo TTCP, hầu hết các BV được kiểm tra đều không thực hiện kiểm định, hiệu chỉnh đầy đủ các loại TTBYT theo quy định. Cá biệt, có BV trong suốt 3 -4 năm không thực hiện kiểm chuẩn định kỳ. Một số bệnh viện đa khoa tỉnh được đầu tư lớn song hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh. Ví dụ, BV Đa khoa tỉnh Bình Định có quy mô điều trị 300 giường, mới đưa vào sử dụng từ tháng 2/2014 nhưng hiện hư hỏng hệ thống làm lạnh tại phòng mổ - Khoa hồi sức, cùng máy bơm nước, hệ thống thang máy chuyển bệnh nhân trước và sau phẫu thuật...

Vi phạm về quản lý tài chính

Còn tại Viện Trang thiết bị – Công trình y tế (TTB - CTYT), Đoàn thanh tra phát hiện tình trạng giao khoán cho các đơn vị tự tìm việc, tự thu - chi, trích nộp tiền điện, nước, quản lý chung cho Viện theo tỷ lệ trên doanh số thu được và theo từng loại dịch vụ như: tư vấn 4%; kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu 33%; kiểm định 20%; kiểm tra theo yêu cầu 10%; sửa chữa bảo dưỡng 3,5%; kinh doanh 3% doanh số. Cá biệt có đơn vị không có nguồn thu thực tế, thu không đủ chi cũng phải “tự bơi”. Chính vì điều này, dẫn đến tình trạng có đơn vị không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, thậm chí có việc trái quy định của nhà nước.

Ngoài ra, Viện TTB - CTYT còn chưa thực hiện đúng các quy định về quản lý tài chính, sổ sách chứng từ kế toán. TTCP cho biết, đơn vị này đã thu sai, thu vượt quy định hơn 5,2 tỷ đồng từ việc kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu giai đoạn 2011 - 2014.

Mặt khác, TTCP còn phát hiện Viện TTB - CTYT đã cấp 1.398 giấy thông báo lô hàng được miễn kiểm tra chất lượng dẫn tới số lượng lớn thiết bị y tế không được kiểm tra chất lượng nhưng vẫn lưu thông trên thị trường, việc làm này trái với quy định của pháp luật. Không những vậy, Viện này còn lược bỏ tiêu chí “mã số hàng hóa” theo quy định, làm ảnh hưởng tới công tác kiểm tra, giám sát.

Sau quá trình thanh tra, TTCP cũng chỉ ra nhiều sai phạm, tồn tại trong công tác đầu tư xây dựng công trình y tế, từ khâu lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng, tiếp nhận vật tư trang thiết bị, sử dụng trang thiết bị, thanh lý… Theo đó, TTCP yêu cầu xử lý sai phạm kinh tế trong đầu tư xây dựng với tổng số tiền hơn 54,3 tỷ đồng; thực hiện giảm trừ khi thanh toán, quyết toán, giảm trừ giá trị hợp đồng, phạt hợp đồng số tiền gần 54 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan tới sai phạm.

Được biết, TTCP đã thực hiện thanh tra tại Bộ Y tế và một số đơn vị trực thuộc như: Vụ, Viện Trang thiết bị và công trình y tế; Cty TNHH MTV Tổng Cty thiết bị y tế Việt Nam, 10 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, 5 Sở, 24 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu trang thiết bị y tế; Ban QLDA hỗ trợ y tế vùng Duyên hải Nam Trung bộ.  

MỚI - NÓNG