ĐBSCL là một trong 5 châu thổ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ biến đổi khí hậu, nếu nước biển dâng 0,5m thì sẽ ngập 178 ngàn ha, tương đương 4,5% diện tích của vùng; nếu dâng 1m thì sẽ ngập 1,5 triệu ha, tương đương 38,9% diện tích toàn vùng. Mặt khác, việc phát triển thượng nguồn đã khiến lượng phù sa về ĐBSCL ngày càng ít đi.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), nước ở tầng nông đã bị cạn kiệt, ô nhiễm, các tầng nước sâu được khai thác chủ yếu nhưng khó được tái bổ cập bằng nguồn nước mặt dễ dẫn đến rủi ro cạn kiệt. “Cùng với việc các nước thượng nguồn xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng Mekong tạo ra mối lo ngại như suy giảm phù sa, sụt lún đồng bằng, sạt lở bờ sông, bờ biển; gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán nghiêm trọng hơn… Những tác động này kéo theo hệ lụy là rối loạn hệ thống sinh thái, phù sa không còn bồi đắp, suy thoái đất, sản xuất nông nghiệp giảm năng suất, ô nhiễm, tù đọng…”, ông Tuấn thông tin.
Chuyên gia độc lập về sinh thái Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, ĐBSCL đang đứng ở ngã 3 đường, mà đường cũ không thể đi tiếp, phải đi theo Nghị quyết 120 của Chính phủ mới bền vững được. Theo đó, cần tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức về nước. “Cần lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển”, ông Phương nhấn mạnh.