57 ngày chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng
Tính đến 9h00 ngày 29/10/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 44.739.917 người mắc; 1.178.527 người tử vong, 32.706.005 người khỏi bệnh.
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 1.173 ca mắc COVID-19
Trong đó:
- Số ca điều trị khỏi: 1062 ca.
- Số ca tử vong: 35 ca
Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 57 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.
Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 72ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 89 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 14.216, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 172
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.812
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.232.
Trong thời gian qua, số ca mắc mới tại Việt Nam đều là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam. Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế). Trước tình hình này, ngành y tế yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt, giám sát chặt các chuyên gia, công nhân tay nghề cao đang cách ly tại khu ký túc xá. Hàng ngày phải cử cán bộ y tế theo dõi sức khoẻ, nếu có vấn đề gì lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đưa đi cách ly ngay. Các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng. Đặc biệt duy trì, dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.062 bệnh nhân/1.173 bệnh nhân COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 6 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 8 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Bộ Y tế hướng dẫn áp dụng mức giá xét nghiệm COVID-19 cho người xuất cảnh
Bộ Y tế có công văn số 5834/BYT-KH-TC về hướng dẫn tạm thời việc thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh, cụ thể như sau: trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR: tối đa 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm; trường hợp thực hiện test nhanh tối đa 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm phòng chống dịch COVID-19, để tạo điều kiện cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-CoV-2 nhằm mục đích xuất cảnh đi lao động, học tập và công tác ở nước ngoài; Bộ Y tế đã có công văn 4974/BYT-DP ngày 17/9/2020 về việc xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh.
Trong khi chờ Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất ban hành quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tính đủ chi phí; Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương áp dụng mức giá của dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo mức giá của dịch vụ đã được quy định tại Phụ lục đính kèm Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.
Cụ thể:
- Dịch vụ số 1735: xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR đối với trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR: tối đa 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.
- Dịch vụ số 1736: xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng test nhanh đối với trường hợp thực hiện test nhanh tối đa 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.
Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật giá, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế của Nhà nước thuộc địa phương quản lý.
Bộ Y tế quy định giá với các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế và Bộ/Ngành thuộc TW. Do vậy, đề nghị các đơn vị, địa phương căn cứ mức giá của các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm nêu trên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện thu và thanh toán với người sử dụng dịch vụ theo quy định.
Bộ Y tế thông báo để các đơn vị, địa phương biết, thực hiện. Quá trình triển khai nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch Tài chính) để xem xét, hướng dẫn thực hiện.
Ca mắc COVID-19 trên thế giới tăng vọt, nhiều nước Châu Âu tái phong toả
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 446.991 trường hợp mắc COVID-19 và 6.137 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 44,6 triệu người. Các nước cũng ghi nhận 32.633.102 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 81.033 ca và 10.873.630 ca đang điều trị tích cực.
Đến 9h sáng ngày 29/10, toàn thế giới có hơn 44,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó gần 1,2 triệu người đã tử vong, dịch bệnh đã xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện có hơn 32,6 triệu người khỏi bệnh.
Trong ngày 29/10, toàn thế giới ghi nhận thêm 516.898 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, và 7.723 ca tử vong. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 232.147 ca tử vong trong tổng số 9.042.969 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 120.103 ca tử vong trong số 7.999.755 ca nhiễm. Brazil đứng thứ 3 với 157.981 ca tử vong trong số 5.440.903 ca nhiễm.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng có quá nhiều quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân các ca mắc COVID-19 và điều này khiến các bệnh viện và hệ thống chăm sóc đặt biệt đang phải hoạt động gần bằng hoặc quá công suất. Người đứng đầu WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động ngay lập tức để ngăn chặn những cái chết không đáng có tiếp theo.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Tại châu Âu, nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới theo ngày tăng vọt. Trước làn sóng dịch mới, hàng loạt quốc gia tại châu Âu đã quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa.
Ngày 28/10, Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ 30/10 đến 1/12.
Ngày 28/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế sự gia tăng ở mức đáng lo ngại của dịch bệnh nguy hiểm này.
Tại khu vực châu Á, Hàn Quốc, do lo ngại dịch COVID-19 có thể lây lan mạnh trở lại trong dịp lễ Halloween sắp tới, chính quyền thành phố Seoul bắt đầu tiến hành rà soát đặc biệt 153 cơ sở giải trí, như vũ trường, trên địa bàn thành phố từ ngày 28/10-3/11.