Đường dây nóng ở Bệnh viện:

Nhiều nhân viên bị phản ánh có hành vi tiêu cực

Điện thoại đường dây nóng được dán trước cửa làm thủ tục vào Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Điện thoại đường dây nóng được dán trước cửa làm thủ tục vào Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
TP - Hơn 3.000 cuộc gọi tới đường dây nóng của ngành y tế trong 2 tháng qua cho thấy rõ hơn thực tế đang diễn ra ở các bệnh viện. Nhiều nhân viên y tế bị phản ánh có hành vi tiêu cực, thái độ ứng xử chưa tốt với bệnh nhân... Hàng chục nhân viên y tế bị xử lý kỷ luật, khiển trách...

Ngày 20/1, tại hội nghị trực tuyến toàn ngành y tế sơ kết 2 tháng triển khai đường dây nóng, TS Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, 39,8% cuộc gọi của người dân phản ánh về thái độ, trách nhiệm, chuyên môn của y bác sĩ.

Ông Trường dẫn chứng trường hợp một gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội) đã phản ánh lên đường dây nóng việc bác sĩ tại bệnh viện này chẩn đoán sai và không chuyển viện khiến bệnh của trẻ nặng lên nhiều.

Khi thấy sức khỏe bệnh nhi nguy kịch bác sĩ mới chuyển lên Bệnh viện Saint Paul. Nhận được thông tin từ đường dây nóng nên bệnh nhi đã được chuyển kịp thời từ Bệnh viện Saint Paul đến Bệnh viện Tim Hà Nội mổ cấp cứu nên hiện sức khỏe đã ổn định.

Tại một số cơ sở y tế tuyến dưới như Trạm Y tế phường Khai Quang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), người dân cũng rất bức xúc về thái độ của nhân viên y tế hách dịch, lời nói không đúng với người nhà bệnh nhân.

“Nếu y bác sĩ nào ở khoa khám bệnh biểu hiện cáu gắt, hay quát mắng bệnh nhân thì phải luân chuyển ngay”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Ngoài ra, nội dung được phản ánh qua đường dây nóng còn kể những gian lận, hối lộ, viện phí khi khám chữa bệnh (chiếm khoảng 16,2% số cuộc gọi phản ánh); 23,7% phản ánh về việc y bác sĩ làm sai quy định của cơ sở y tế; 20,2% phản ánh về cơ sở vật chất, nội quy của các bệnh viện. Bác sỹ khoa sản của nhiều bệnh viện bị phản ánh là vòi vĩnh tiền của bệnh nhân nhiều nhất so với các khoa khác.

Bệnh viện K là nơi bị phản ánh nhiều nhất về tình trạng “cò” môi giới bệnh nhân. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, nhờ thông tin từ đường dây nóng nên bệnh viện nắm được tình hình tốt hơn. Tuy nhiên, theo ông Diệu để giải quyết dứt điểm tình trạng này không dễ khi mà vẫn có tình trạng bác sĩ tiếp tay cho “cò”.

Thời gian qua, lãnh đạo Bệnh viện K đã thông báo tới toàn thể nhân viên về việc xử phạt nặng nếu vi phạm quy định. Ông Diệu cũng khẳng định: “Nếu tình trạng này tái diễn kéo dài thì trách nhiệm thuộc về lãnh đạo bệnh viện”.

Không dung túng nhân viên y tế sai phạm

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại một số cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn tình trạng lãnh đạo bệnh viện chậm giải quyết thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng.

“Tới đây chúng tôi sẽ có nhiều hoạt động để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của cán bộ ngành y, nhằm xây dựng lại hình ảnh của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu” đối với nhân dân”, bà Tiến nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến quán triệt: “Nếu y bác sĩ nào ở khoa khám bệnh biểu hiện cáu gắt, hay quát mắng bệnh nhân thì phải luân chuyển ngay, đưa xuống làm việc tại các khoa ít phải tiếp xúc với bệnh nhân như khoa Chống nhiễm khuẩn, khoa Dinh dưỡng …”. Bà Tiến cho rằng phải xử phạt thật kiên quyết chứ không thể dung túng những y bác sĩ có thái độ đối xử không đúng với bệnh nhân. 

 
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".