Đề nghị truy tố Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức vụ nhân bản xét nghiệm

Đề nghị truy tố Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức vụ nhân bản xét nghiệm
TP - Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra tại BV Đa khoa Hoài Đức, đồng thời đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố Giám đốc BV này cùng 9 cán bộ, nhân viên dưới quyền về hai tội danh: “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

> Tham nhũng vặt, hối lộ phổ biến trong khu vực công
> Bảy trọng tâm chống tham nhũng năm 2014

Theo đó, ông Nguyễn Trí Liêm (SN 1962), Giám đốc và bà Nguyễn Thị Nhiên (SN 1959), Phó giám đốc phụ trách khoa Xét nghiệm BV Đa khoa Hoài Đức bị đề nghị truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vương Thị Kim Thành (SN 1959), Trưởng khoa Xét nghiệm cùng 7 nhân viên, kỹ thuật viên bị đề nghị truy tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Nhân bản kết quả để tăng thu và chia chác

Trong quá trình chỉ đạo và điều hành trong các cuộc họp giao ban, Nguyễn Trí Liêm - Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo các khoa nghiệp vụ tăng cường các xét nghiệm đối với bệnh nhân cận lâm sàng để tăng thu nhập cho bệnh viện (Bệnh viện hưởng 30% số tiền BHYT).

Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Vương Thị Kim Thành - Trưởng khoa xét nghiệm đã chỉ đạo các nhân viên trong khoa in trước các kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ sau đó gắn vào phiếu xét nghiệm huyết học để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác trong bệnh viện đến xin kết quả để đưa vào hồ sơ thanh toán BHYT.

Căn cứ tài liệu điều tra, sổ theo dõi kết quả xét nghiệm huyết học mà CQĐT thu giữ được cho thấy: Từ ngày 1/8/2012 - 31/5/2013, bị can Vương Thị Kim Thành cùng 7 nhân viên khoa xét nghiệm - BV Đa khoa Hoài Đức đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học và có 1.544 kết quả trùng nhau (kết quả được nhân bản nhiều nhất thành 4 bản, ít thành 2 bản).

Trong đó, bà trưởng khoa xét nghiệm trực tiếp in trước 35 kết quả xét nghiệm huyết học từ các mẫu máu cũ để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác đến xin kết quả để đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế. Tương tự, bị can Phan Thị Oanh (SN 1972, kỹ thuật viên trưởng) trực tiếp nhân bản 36 kết quả xét nghiệm; Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1990, kỹ thuật viên) đã nhân bản 317 kết quả; Nguyễn Thị Thu Trang - Kỹ thuật viên trực tiếp in 365 kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ…

Kết quả điều tra xác định, trong số 1.544 kết quả xét nghiệm trùng thể hiện trong 18 quyển sổ có 789 kết quả được đưa vào thống kê thanh toán Bảo hiểm Y tế và thu trực tiếp của bệnh nhân với số tiền 16,5 triệu đồng. Số tiền thu lợi bất chính được đưa vào khoản tiền hỗ trợ tăng thêm cho tất cả cán bộ, nhân viên trong Bệnh viện theo từng quý.

Tại CQĐT, các bị can là nhân viên khoa xét nghiệm thừa nhận có ý thức được việc in trước các kết quả xét nghiệm từ các bệnh phẩm cũ và ký vào các phiếu xét nghiệm huyết học rồi trả kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân, cho nhân viên các khoa khác là sai nhưng thực hiện theo sự chỉ đạo của Vương Thị Kim Thành. Trong khi đó, bà Thành khai thực hiện “ý chỉ” của ban Giám đốc bệnh viện.

Giám đốc BV xúi nhân viên khai gian dối

Khi làm việc với CQĐT, bị can Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức chỉ thừa nhận thiếu sót trong công tác quản lý, và chối bỏ việc đã chỉ đạo nhân bản kết quả xét nghiệm từ các mẫu máu cũ để trả cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, bị can Nguyễn Thị Nhiên, Phó giám đốc, phụ trách khoa xét nghiệm lại cho khai: Trong một số cuộc giao ban, bà Nhiên đã báo cáo sự việc các kỹ thuật viên tự ký vào các phiếu xét nghiệm huyết học khi trả cho bệnh nhân, nhân viên các khoa khác mà không qua kỹ thuật viên trưởng và trưởng khoa kiểm duyệt… Ông Giám đốc liền phổ biến cho các khoa rằng “ chữ ký của các kỹ thuật viên tại các kết quả xét nghiệm là có giá trị vì bên bảo hiểm vẫn cho thanh toán”.

Đáng chú ý, 5 bị can là nhân viên, kỹ thuật viên thuộc khoa xét nghiệm BV Hoài Đức khai: Ngày 1/8/2013 (trước ngày 5 bị can này bị khởi tố), họ được Vương Thị Kim Thành, Nguyễn Trí Liêm hướng dẫn nội dung khai báo với CQĐT “không có việc in trước kết quả xét nghiệm từ các bệnh phẩm cũ trả cho bệnh nhân ngoại trú mà chỉ cho người thân, quen kết quả xét nghiệm đã in sẵn để đưa vào hồ sơ học lái xe, xin việc làm…”.

Theo kết luận điều tra, mặc dù bị can Nguyễn Trí Liêm không thừa nhận hành vi, song căn cứ tài liệu, lời khai của các bị can khác, CQĐT cáo buộc ông Liêm chính là người chỉ đạo việc tăng cường các xét nghiệm và là người trực tiếp ký duyệt các chứng từ, quyết toán BHYT. Sự thiếu trách nhiệm của ông Liêm dẫn đến sai phạm của các cán bộ dưới quyền, gây hậu quả và dư luận xấu trong xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân. Hành vi của ông Liêm đủ yếu tố cấu thành tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.

Khi CQĐT yêu cầu xác minh các kết quả xét nghiệm huyết học từ ngày 1/6/2012 trở về trước, BV Đa khoa huyện Hoài Đức không cung cấp được sổ sách theo dõi với lý do bị mất. Bị can Phan Thị Oanh - người được giao quản lý sổ sách khai “do phòng làm việc chật chội, khi dọn phòng đã cho chị Doãn Thị Liễu - hộ lý ở bệnh viện bán giấy vụn”. Nhưng chị Liễu cho biết: Được Oanh cho giấy vụn duy nhất một lần vào đầu năm 2012 và đã bán được 150.000 đồng; nhưng trong số giấy vụn không có sổ theo dõi kết quả xét nghiệm.

Kết thúc điều tra, CQĐT kiến nghị BHXH huyện Hoài Đức có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với ông Trần Quang Ánh, Phó giám đốc và 2 cán bộ thường trực giám sát tại BV Đa khoa Hoài Đức đã không làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao, không làm đúng, làm đủ quy trình, hồ sơ thanh toán BHYT nên không phát hiện được hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT không hợp lệ.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.