Nhiều hệ lụy đáng buồn ở ở làng “ma ám”

 Những ngôi nhà vắng chủ do người dân đã bỏ đi. Đồ đạc cũng bị bỏ lại, không được mang theo.
Những ngôi nhà vắng chủ do người dân đã bỏ đi. Đồ đạc cũng bị bỏ lại, không được mang theo.
Đã hơn 1 tuần kể từ ngày 16 hộ dân tổ 2 thôn Bút Tưa (Sông Kôn, Đông Giang, Quảng Nam) đập phá nhà cửa, bỏ làng ra đi vì tin làng đã bị “ma ám”, đến nay mọi nỗ lực vận động người dân quay về làng cũ vẫn không thành. 

16 hộ dân hiện đang “ăn nhờ ở đậu” hay sống tạm bợ trong những căn lều giữa bãi đất trống. Đằng sau sự việc này là những hệ lụy đáng buồn.

Ngôi nhà là tài sản lớn nhất mà người dân nơi đây phải bao năm tích cóp, vay mượn mới xây dựng được, giờ đây đã bị đập bỏ không thương tiếc. Nhiều gia đình trắng tay chỉ vì tin rằng làng mình đang bị “ma ám”. Việc thoát nghèo đã khó, nay nhiều hộ sẽ lại tái nghèo.

Trong số các hộ đã bỏ làng ra đi có hơn 10 trẻ em đang độ tuổi đến trường. Việc học của các em bị ảnh hưởng, xáo trộn. Các em gặp rất nhiều khó khăn về nơi ăn chốn ở và việc học hành.

Làng hẹp, nhà chật mà người lại đông, việc sinh hoạt đời sống hiện tại ở tổ 1 (nơi người dân ở tổ 2 tập trung đến xin ở nhờ) gặp rất nhiều phiền toái. Vấn đề vệ sinh môi trường và dịch bệnh cũng là một nỗi lo lớn.

Hiện nay lại có tin đồn, nếu trong làng có người “chết xấu” sẽ có thêm vài người bị “ma ám” mà chết theo (theo lời thầy bói phán) khiến nhiều người, nhất là phụ nữ và trẻ em, khiếp sợ bất an. Họ không dám lên nương rẫy hay đi lấy củi một mình, không dám ra đường vào ban đêm…

Già làng Alăng Vân ở tổ 1, thôn Bút Tưa, lắc đầu ngao ngán : “Khổ lắm, nhà cửa làm tốn mấy chục triệu, có nhà mấy trăm triệu cũng đập bỏ hết rồi. Chừ ở nhờ nhà dân ở đây. Có gia đình hiện tại đến 4, 5 hộ ở nhờ. Tài sản của họ không để nhờ được vì nhà chật nên phải dựng lều để ngoài đó. Sàn thì chật, không đủ giường thì phải nằm dưới nền nhà. Sống như ri mà nhiều ngày là không ai chịu nổi rồi”.

Việc vận động người dân tổ 1 cho tổ 2 ở nhờ chỉ là giải pháp tạm thời. Cuộc sống gặp rất nhiều trở ngại. Các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa, giúp dân sớm giải quyết nơi ăn chốn ở, quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, dịch bệnh để người dân sớm trở lại với cuộc sống ổn định.

Theo Đông Phước Hồ

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG