“Ma ám” và “một đi không trở lại”

Người dân dựng lều bạt tại bãi bồi bên sông Kôn để ở tạm.
Người dân dựng lều bạt tại bãi bồi bên sông Kôn để ở tạm.
Cho rằng đang bị ma ám, 16 hộ dân người Cơ Tu, với 75 nhân khẩu ở tổ 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn (huyện Đông Giang, Quảng Nam) đã bỏ làng đi hẳn, chỉ 3 hộ nằm tách biệt với làng hơn 100m còn bình tĩnh ở lại. Mọi nỗ lực tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, huyện đều “thua” phong tục “một đi không trở lại” mà người dân ở đây tuân thủ bao đời.

Làng “ma ám”

Tôi bàng hoàng khi đặt chân đến tổ 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn. Quang cảnh nơi này hệt như vừa có cơn bão lớn quét qua. Nhiều ngôi nhà khang trang, trị giá cả trăm triệu đồng bị chính chủ nhà đập bỏ tan tành chỉ để lấy gỗ mang đi. Rảo một vòng, cảm giác càng “lạnh” vì ngôi làng nằm heo hút trên ngọn đồi giờ không có lấy một bóng người. Bên trong những căn nhà đổ nát còn vứt vãi nhiều phách gỗ lớn và các vật dụng sinh hoạt thường ngày. Điều này cho thấy việc bỏ làng tháo chạy của người dân diễn ra rất vội.

Ông Bnươch Quý - Phó chủ tịch UBND xã Sông Kôn - lắc đầu: “So với những làng khác, tổ 2, thôn Bút Tưa giàu nhất, nhờ nhận được tiền đền bù từ thủy điện Sông Kôn, họ cất những ngôi nhà hơn trăm triệu đồng. Thế mà mới đầu năm đã khổ vì một “con ma” theo trí tưởng tượng của họ. Những ngày qua, anh em cán bộ, dân phòng xã, huyện luôn túc trực làm công tác tư tưởng, vận động người dân nhưng vẫn không thay đổi được gì, người dân kiên quyết không quay về”.

“Ma ám” và “một đi không trở lại” ảnh 1

Những ngôi nhà trị giá cả trăm triệu đồng bị người dân tổ 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn đập bỏ trước khi ra đi vì cho rằng có “ma” đang ở .

Theo ông Quý, chính quyền xã biết người dân có ý định đập nhà chuyển đi từ trước mùng 7 Tết Giáp Ngọ nên đã kịp thời triển khai lực lượng vận động bà con bình tĩnh, xã sẽ bố trí dân quân tự vệ vào ở, ngủ cùng dân. “Lúc đó, bà con ai cũng “cam kết” sẽ không đi, nhưng sau đó chỉ một hai ngày họ bất ngờ đập phá nhà cửa, nhanh chóng rời làng khiến chúng tôi không kịp trở tay. Tiếp tục vận động thì họ bảo cho vàng cũng không về lại” - ông Quý nói.

Cũng theo ông Quý, những năm qua, không hiểu vì sao trong tổ 2, thôn Bút Tưa lại xuất hiện nhiều người tự tử bằng cách treo cổ. “Trong vòng 2 tháng vừa qua, đã có 2 thanh niên bị tâm thần rồi thắt cổ chết: Cuối tháng 12.2013 là A Lăng Tròn (SN 1972, con ông A Lăng Kiên), thì 3.2.2014 (tức mùng 4 Tết Giáp Ngọ) là A Lăng Nghĩa (SN 1981, con ông A Lăng Nghéo). Tính đến nay, tại tổ này đã có 5 người chết cùng một kiểu như thế. Thế là dân trong làng ai nấy đều lo sợ, họ cho rằng trong làng có “con ma” - ông Quý thở dài.

Trong lều bạt dựng trên bãi bồi bên sông Kôn, anh A Lăng Tiêu (SN 1977), con trai ông A Lăng Kiên vừa mang tivi ra lắp điện vừa thất thần nói: “Mình không về đâu, sợ lắm, ở trên đó là mất tất cả đó, rồi không biết ai là người tiếp theo sẽ chết nữa, ở đây đất trống trải, gần bà con, đỡ sợ hơn”. Ông A Lăng Nghéo - cha A Lăng Nghĩa vừa thắt cổ tự tử trong nhà - cũng bảo: “Trên đó có ma, không ở được đâu!”. Ông A Lăng Điều - Trưởng thôn Bút Tưa - cho hay, căn lều bạt tại bãi bồi bên sông Kôn hiện đang có 5 hộ dân ở tạm, các hộ còn lại ở nhờ nhà người bà con trong thôn.

Già làng thôn Bút Tưa - A Lăng Vân - cho biết: “Theo quan niệm của người dân ở đây thì những cái chết như treo cổ tự tử, thai nghén... là những cái “chết xấu”, nó ăn sâu vào máu thịt của họ rồi, không rứt ra được. Việc của bà con tổ 2, họp hội già khuyên nhủ nhiều lắm nhưng không được. Đã vậy, bà con còn hỏi ngược lại già, nếu bà con quay lại làng, có người chết nữa thì già có chịu trách nhiệm không, già nghe mà thả tay luôn”. Theo già làng Vân, khi trong làng có người chết rơi vào những trường hợp “chết xấu” như trên thì gia đình của họ thường giết chó lấy máu rải xuống đất quanh nhà, nếu còn chết nữa thì tiếp tục rải máu lợn, sau nữa là rải máu dê để đuổi ma, trừ tà. “Ngày xưa khi cúng người chết thì người nhà gia đình đó không được đi ra khỏi nhà 6 ngày 6 đêm, người ngoài cũng không được đến nhà họ trong thời gian ấy. Giờ xã hội phát triển rồi, dân làng giảm thời gian tục này lại còn 3 ngày 3 đêm” - già làng Vân nói.

“Hậu” đập nhà, bỏ làng ra đi

Trong cuộc di chuyển bỏ làng vì cho rằng bị “ma ám” của người dân tổ 2, thôn Bút Tưa, đặc biệt có 3 hộ nằm cách 16 hộ còn lại hơn 100m vẫn “dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Già A Lăng Teng, năm nay đã hơn 80 tuổi, là người gương mẫu ở lại để 2 hộ dân kề nhà có đủ tinh thần bám trụ, tiếp tục làm ăn sinh sống. Khi được cán bộ đến thăm hỏi, động viên, già Teng nói như đinh đóng cột: “Giặc đến đây bố cũng không đi chứ đừng nói ma. Nhà cao cửa rộng, vườn tược thênh thang vầy, mắc gì bố phải bỏ đi ở nhà tranh vách nứa. Đứa nào tin có ma quỷ thì cứ đi, còn một mình bố bố cũng ở!”.

“Ma ám” và “một đi không trở lại” ảnh 2

Già A Lăng Teng (giữa), người gương mẫu ở lại tổ 2: “Giặc vào đây bố cũng không đi chứ đừng nói ma”.

Ông Huỳnh Ngọc Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn - không giấu được vẻ mệt mỏi vì sự việc xảy ra quá nhanh, ngoài tầm kiểm soát của chính quyền xã. Ông cho biết những ngày qua, hơi ngại tiếp xúc báo chí vì không biết phải nói gì, diễn tả như thế nào cho phải lẽ: “Phát triển kinh tế, an sinh xã hội của địa phương thì dễ trả lời nhưng liên quan đến phong tục, tập quán thì rất khó nói. Người dân quá hoang mang tư tưởng vì trong làng liên tiếp xảy ra chết chóc đồng kiểu. Và theo suy nghĩ của họ thì đây là điều hết sức xấu. Ở đây mỗi làng mỗi phong tục khác nhau, bản thân tôi cũng không thể hiểu hết, ngay cả việc cúng bái của 16 hộ dân vừa chuyển đi rồi đây cũng phải họp các già làng lại để họ cho ý kiến cách cúng bái sau này...”.

Cũng theo ông Thanh, nguồn cơn dẫn đến việc người dân cùng lúc đập nhà bỏ đi vì một vài người trong tổ 2 đã đi xem bói toán và được thầy bà phán nếu còn ở lại làng thì sẽ có 3 người (2 đàn ông, một phụ nữ) tiếp theo sẽ chết. Nghe vậy, ai cũng lo sợ, rồi cùng nhau bỏ làng. Về việc này xã đang điều tra ra xem thầy bà nào đã phán như vậy. Và ông than thở: “Chuyện cũng đã xảy ra, chúng tôi thực sự không muốn, nhưng người dân nhất quyết không về thì đành chịu. Tôi chưa bàn đến phong tục, nhưng thực sự tiếc những ngôi nhà cả trăm triệu đồng bị đập bỏ.

Cái chính bây giờ là chúng tôi sẽ tập trung an dân, tiếp tục làm công tác tư tưởng, nhất là hỗ trợ người dân dựng lại nhà mới ở tổ 1 của thôn Bút Tưa, giúp họ sớm ổn định tinh thần quay trở lại làm ăn sinh sống; đồng thời sẽ bố trí lực lượng bảo vệ tài sản người dân chưa chuyển đi kịp”. Rồi ông chuyển sang một thông tin mới, như để tự trấn an: “Trong tương lai, địa phương sẽ phát triển khu du lịch Bhohoong dọc sông Kôn, đời sống người dân sẽ sớm khá lên thôi...”.

Theo Lao động
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.