Nhiều giải pháp tiếp tục phát triển du lịch Thanh Hoá trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2023, với sự định hướng hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành du lịch , đã đóng góp tích cực trong việc đẩy nhanh tốc độ phục hồi và bước đầu vượt qua khó khăn sau dịch bệnh của ngành du lịch Thanh Hóa.

Cụ thể, công tác quy hoạch đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện quy hoạch các khu, điểm du lịch cơ bản đảm bảo tiến độ. Năm 2023, có 1 quy hoạch được phê duyệt và 10 quy hoạch đang được triển khai nghiên cứu. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thanh Hoá có 56 quy hoạch trong đó có 46 quy hoạch đã được phê duyệt và 10 quy hoạch đang triển khai nghiên cứu.

Về công tác đầu tư đã kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án du lịch được đẩy mạnh. Năm 2023, toàn tỉnh đã có 2 dự án đầu tư được chấp thuận và 1 dự án chấm dứt hoạt động; nâng tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh là 82 dự án (với 4 dự án hoàn thành và 78 dự án đang triển khai), tổng vốn đăng ký khoảng 146.000 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp tiếp tục phát triển du lịch Thanh Hoá trong năm 2024 ảnh 1

Về đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trong năm, có 17 dự án được cấp vốn triển khai, với tổng vốn là 930 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 347 tỷ đồng). Hiện toàn tỉnh Thanh Hoá có 59 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó có 44 dự án hoàn thành và 15 dự án đang triển khai thực hiện.

Đối với sản phẩm du lịch biển, UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo các địa phương trong toàn tỉnh tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ du lịch, giữ vững hình ảnh du lịch Thanh Hóa hấp dẫn, thân thiện. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, góp phần nâng cao giá trị di tích và tạo điểm đến hấp dẫn về văn hóa, lịch sử.

Nhiều giải pháp tiếp tục phát triển du lịch Thanh Hoá trong năm 2024 ảnh 2

Trong năm 2023, có thêm 156 sản phẩm đạt sao OCOP, nâng tổng số sản phẩm đạt sao OCOP toàn tỉnh hiện có lên 448 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, với 391 sản phẩm hạng 3 sao, 56 sản phẩm hạng 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao. Với kết quả trên, tỉnh Thanh Hóa đã vươn lên xếp thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm OCOP đã được trưng bày, bán tại các khu, điểm du lịch và các trung tâm mua sắm, điểm dừng chân góp phần đa dạng hóa dịch vụ, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

Nhiều hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa với các địa phương, đơn vị trong nước đã được triển khai hiệu quả. Cùng nhiều các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển du lịch Thanh Hóa đã được tổ chức tại Đức, Italia và Cộng hòa Séc…

Nhiều giải pháp tiếp tục phát triển du lịch Thanh Hoá trong năm 2024 ảnh 3

Năm 2023, tổng số khách du lịch đến Thanh Hóa đạt 12.485.000 lượt khách, tăng 13,1% so với năm 2022, đạt 104 % kế hoạch năm 2023 (trong đó khách du lịch quốc tế đạt: 616.200 lượt khách, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch 2023); tổng thu du lịch đạt 24.505 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2022, đạt 101,3% kế hoạch năm 2023. Trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 260.000.000 USD, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2022, đạt 110,3% kế hoạch năm 2023.

Trong năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hoá xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh như: Rà soát, điều chỉnh những bất cập, chưa thống nhất giữa các loại quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, điều chỉnh các loại quy hoạch để phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh...

Nhiều giải pháp tiếp tục phát triển du lịch Thanh Hoá trong năm 2024 ảnh 4

Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thu hút, quản lý đầu tư của chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để tăng sức hấp dẫn đầu tư vào du lịch. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án du lịch quy mô lớn đã khởi công nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng sản phẩm du lịch. Rà soát, đề xuất thu hồi chủ trương đầu tư các dự án đầu tư, kinh doanh du lịch vi phạm theo quy định...

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công hoàn thiện các dự án hạ tầng du lịch trọng điểm, các tuyến đường giao thông quan trọng có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối các khu du lịch trọng điểm…

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí...Ưu tiên nguồn lực phát triển sản phẩm du lịch mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch có mức chi trả cao. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, như đẩy mạnh quảng bá, khai thác thu hút khách thông qua các trang mạng xã hội phù hợp tại từng thị trường quốc tế, đồng thời tăng cường đẩy mạnh thông tin quảng bá du lịch Thanh Hóa trên các trang điện tử và kênh truyền hình quốc tế.

Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh quảng bá thông qua các kênh truyền thông của thành phố (đài truyền hình, báo, website, các trang mạng xã hội...). Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong chuyển đổi số việc quản lý và phát triển du lịch. Chú trọng phát triển nhân lực du lịch; các ngành, địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực du lịch chất lượng cao, nhân lực du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh xúc tiến khôi phục lại các đường bay tới Đà Nẵng, Cam Ranh, Lâm đồng, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quyết tâm xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hấp dẫn.

MỚI - NÓNG