Nhiều giải pháp giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
Góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, địa phương thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đã mang lại hiệu quả tích cực, trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm qua từng năm.

M’Đrắk là huyện có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao trên địa bàn tỉnh. Sau một năm thực hiện mô hình điểm ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Để triển khai các hoạt động của mô hình điểm, năm 2020 Ban Dân tộc tỉnh thành lập 5 Tổ tư vấn hoạt động thực hiện Đề án “Giảm thiểu trình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn 5 xã của huyện M’Đrắk với các hoạt động cụ thể như: Xác định nội dung, phương thức truyền thông, mô hình can thiệp phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Đề án; khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá thực trạng, xác định về nhận thức, hiểu biết và nhu cầu thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các quy định của pháp luật có liên quan về hôn nhân và gia đình.

Nhiều giải pháp giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Cán bộ dân số các xã vùng sâu phối hợp cộng tác viên dân số thôn, buôn có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp

Theo ông Nguyễn Hữu Quỳ, Trưởng phòng Dân tộc huyện M’Đrắk, sau một năm thực hiện mô hình điểm đã có những chuyển biến tích cực, các cặp tảo hôn giảm, nhưng để hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn và không có tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số phải là một quá trình thực hiện bền bỉ, lâu dài.

Huyện Ea H’leo có 29 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 42,35%. Trước đây, tình trạng tảo hôn diễn ra ở hầu khắp các xã trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu ở các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, mỗi năm có hàng chục cặp tảo hôn. Tảo hôn ở nữ giới là chủ yếu và cao hơn so với tảo hôn ở nam giới, diễn ra trong độ tuổi từ 14 đến 17 tuổi. Khi triển khai đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 -2020, trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm qua từng năm, đặc biệt là hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể năm 2015, số cặp tảo hôn 63 cặp đến năm 2020 chỉ còn 21 cặp. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra rất thấp, năm 2019 chỉ xảy ra 1 cặp, hiện đẩy lùi được tình trạng này.

Nhiều giải pháp giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2

Trước đây tình trạng tảo hôn và đông con xảy ra phổ biến ở vùng sâu, xa của tỉnh Đắk Lắk

Phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số đã tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay. Bên cạnh đó, họ còn quan niệm con đàn cháu đống, kết hôn sớm để có thêm lao động cho gia đình, có người làm nương rẫy. Bằng các hoạt động tuyên truyền sâu rộng như tổ chức hội nghị, vận động, tuyên truyền lưu động… người dân đã dần hiểu rõ tác hại, hệ lụy của hủ tục này, từ đó giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục nhân rộng triển khai Mô hình tai các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Năng, Ea H’leo…

Qua công tác chỉ đạo, tuyên truyền và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và người dân nên công tác tuyên truyền tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống mang lại hiệu quả tích cực; nhận thức của nhân dân được nâng lên. Trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm qua từng năm, đặc biệt là hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

MỚI - NÓNG