Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương 'cầu cứu' hậu dịch COVID-19

Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương 'cầu cứu' hậu dịch COVID-19
TPO - Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp ở Bình Dương đóng cửa, "cầu cứu" cơ quan chức năng.

Thống kê cho thấy, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương hiện phải đóng cửa, trong khi số khác đang ở tình trạng hoạt động cầm chừng. Lý do khiến doanh nghiệp gặp khó vì thiếu nguồn nguyên liệu và hàng xuất, nhập bị kìm hãm bởi dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ khó khăn với Tiền Phong ngày 7/5, ông Nguyễn Thanh Nghĩa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Đại Thiên Lộc cho biết, hiện doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm thời cho công nhân nghỉ việc.

Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương 'cầu cứu' hậu dịch COVID-19 ảnh 1 Doanh nghiệp nỗ lực khôi phục lại sau dịch bệnh

Giám đốc một công ty khác tại Bình Dương cho rằng, chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các chính sách hạn chế nhập cảnh, hạn chế di chuyển trong cũng như ngoài nước kèm theo bị động về nguồn nguyên vật liệu,…thời gian qua đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp.

Để có sự chuẩn bị tốt nhất, cùng nhau vượt qua thách thức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp đã đưa ra những kiến nghị bằng văn bản đối với cơ quan chức năng. Cụ thể, doanh nghiệp mong muốn Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 đang được Chính phủ nghiên cứu triển khai như: miễn, giảm thuế giá trị gia tăng; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu; triển khai gói hỗ trợ gói tín dụng 250,000 tỷ đồng; giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế; giãn thời gian nộp BHXH cho người lao động,…

Đại diện Tổng công ty Becamex IDC, doanh nghiệp lớn tại Bình Dương, kiến nghị ban, ngành quan tâm, động viên đến các doanh nghiệp thông qua công tác cải cách hành chính. 

Trong khi đó, ông Đinh Hải Ninh – Giám đốc Công ty Hưng Phước cho biết: Từ khi dịch bùng phát đến nay, hầu hết các dự án bất động sản trên địa bàn Bình Dương “đóng băng”.

"Trong khi sản phẩm đứng yên thì tiền vay ngân hàng phải trả đều, nhân sự phải giữ khiến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rơi vào cảnh nợ chồng nợ. Điều chúng tôi cần là được hỗ trợ lãi suất và thủ tục hành chính nhanh gọn”, ông Đinh Hải Ninh cho biết.

Giải cứu doanh nghiệp và người lao động

Báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Dương cho thấy, vốn đăng ký kinh doanh trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài giảm, chỉ bằng 54% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể tăng 63%.

Trước tình hình trên, Bình Dương đã khẩn trương lên phương án hỗ trợ doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể. 

Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên không có doanh thu khác thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng bắt đầu từ tháng 4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020. 

"Bình Dương tập trung mọi nguồn lực để cùng gánh vác, tháo gỡ những khó khăn, do dịch bệnh gây ra. Qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ hết mức có thể để phục hồi kinh tế, lấy lại những gì đã mất hậu dịch COVID-19”, ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng nhưng không quá 3 tháng. Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia Bảo hiểm xã hội trở lên thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.