Nhiều doanh nghiệp khai thác đá cầu cứu

Hàng loạt doanh nghiệp làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng.
Hàng loạt doanh nghiệp làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng.
TP - Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp khai thác đá trắng có đơn cầu cứu tới ngành chức năng, đề nghị tháo gỡ khó khăn trước Thông tư 44 của Bộ Tài chính.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 12/5/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký ban hành Thông tư số 44/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm ban hành, Thông tư đã vấp phải nhiều phản ứng từ các doanh nghiệp (DN) khai thác đá trắng, do khung giá quy định quá cao.

Được biết, cả nước hiện có 70 mỏ đá hoa trắng được cấp phép, trong đó 40% trong số này đã và đang vào khai thác, 60% tạm dừng do kết quả khai thác khoáng sản kém chất lượng. Các doanh nghiệp khai thác sản phẩm đá trắng phải nộp các khoản thuế chiếm tới 40% giá bán. Nhiều DN cho biết, họ đã buộc phải định giá thấp nhất có thể trước sự cạnh tranh gay gắt từ phía Trung Quốc và Malaysia (2 quốc gia có sản phẩm tương tự làm từ đá trắng). Chính vì thế, kể từ khi Thông tư 44 có hiệu lực đã làm hàng loạt DN khai thác đá trắng điêu đứng trước nguy cơ phá sản vì khung giá quá cao, vượt ngưỡng chịu đựng.

Ngoài ra, theo Nghị định 203/2013/NĐ-CP, Nhà nước sẽ thu từ 1 - 5% phần trữ lượng khoáng sản có trong mỏ được cấp phép. Vì vậy, việc áp giá trị tính theo giá tính thuế tài nguyên có độ vênh rất lớn so với giá trị khai thác được theo khối địa chất đã duyệt. Ví dụ, với 1.000m3 địa chất đá hoa ốp lát khai thác được thu về khoảng 90 – 245 triệu đồng, nếu áp theo thang giá 700.000 đồng/m3 thì doanh thu sẽ là 700 triệu đồng, rất phi thực tế.

Tại Công văn số 01 ngày 11/08/2017, Hội đá trắng Lục Yên, Yên Bái đã đề nghị tháo gỡ khó khăn trong quy định tính thuế tài nguyên và phí cấp quyền khai thác mỏ. Theo Hội đá trắng Lục Yên, khung giá theo Thông tư 44 không phù hợp, việc tính thuế tài nguyên không sát với thực tế chất lượng có tại các mỏ của tỉnh Yên Bái. Theo đó, các chủ mỏ chỉ còn lựa chọn duy nhất là nổ mìn để tận thu đá hộc với giá bán khoảng 200.000 đồng/m3, điều này sẽ làm lãng phí tài nguyên, giảm thu ngân sách Nhà nước.

Theo thống kê, tổng mức đầu tư lĩnh vực đá hoa tại Nghệ An, Yên Bái và ngành công nghiệp sản xuất đá hoa trên cả nước, công nghiệp phụ trợ gồm khai thác, vận tải, chế biến lên tới 10.800 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động. Tuy nhiên, vốn vay tổng mức đầu tư trên chiếm 70% (khoảng 7.560 tỷ đồng); nếu áp theo khung giá quy định tại Thông tư 44, ước tính 95% DN có nguy cơ phá sản, nợ xấu ngân hàng khó giải quyết, khoảng 28.957 lao động mất việc làm…

MỚI - NÓNG