Nhiều diễn viên, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm 'nhập nhèm' nguồn gốc

Nhiều diễn viên, người mẫu nổi tiếng từng làm đại sứ thương hiệu cho công ty TS Group do bà Nguyễn Thu Trang - làm Chủ tịch HĐQT (bìa trái), từng bị Quản lý thị trường thu giữ lô mỹ phẩm và thực phẩm chức năng trị giá 11 tỷ đồng
Nhiều diễn viên, người mẫu nổi tiếng từng làm đại sứ thương hiệu cho công ty TS Group do bà Nguyễn Thu Trang - làm Chủ tịch HĐQT (bìa trái), từng bị Quản lý thị trường thu giữ lô mỹ phẩm và thực phẩm chức năng trị giá 11 tỷ đồng
TPO - Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, thời gian qua, nhiều người mẫu, diễn viên, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) tham gia quảng bá hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng. Trong đó, một trường hợp người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai sự thật đã bị Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý.  

Chia sẻ tại Diễn đàn thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam ngày 26/11, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hũ trí tuệ thông qua mạng internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp, trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa được hoàn thiện.

Không những thế, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trên internet, theo vị này rất khó khăn, đặc biệt là việc thu thập thông tin, manh mối cũng như chứng cứ đảm bảo căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính.

Thậm chí có trường hợp bán hàng tại Việt Nam nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở nơi khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra.

“Nhu cầu tiêu dùng của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao. Tuy nhiên, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng trong khi đó, bản thân người mua hàng rất khó phát hiện”, ông Dương chia sẻ.

Nhiều diễn viên, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm 'nhập nhèm' nguồn gốc ảnh 1  Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Cũng theo vị Tổng cục phó, nhận thức, thị hiếu của người tiêu dùng về các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng vẫn còn cao (nhất là đối với các sản phẩm về mỹ phẩm, giày dép, quần áo, đồng hồ...). Ai cũng muốn sở hữu hàng hoá với giá rẻ, song khả năng nhận biết và thông tin để nhận biết hàng thật-hàng giả còn nhiều hạn chế.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, tình trạng người nổi tiếng (diễn viên, người mẫu, nghệ sĩ), người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) tham gia quảng bá cho các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Trong đó, không ít sản phẩm còn nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ, chất lượng.

“Trên thực tế những sản phẩm và hình ảnh được quảng bá trên mạng chúng ta không thể khẳng định ngay đấy là hàng thật hay giả. Chúng tôi cũng không có chức năng kiểm tra, thẩm định việc đó thật hay giả. Hơn nữa, không ít đối tượng là trung gian, lấy sản phẩm đăng lên website, trang facebook cá nhân của mình, khi có đơn hàng lại đem đi đặt chỗ khác. Do đó khi kiểm tra gặp không ít khó khăn, phải có căn cứ rõ ràng mới có thể xử lý”, ông Tuấn dẫn chứng.

Vậy, trong năm 2019 Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện, xử lý bao nhiêu trường hợp diễn viên, người mẫu nổi tiếng, các KOLs quảng bá hàng hóa sai sự thật? Ông Tuấn cho hay: “Chỉ khi nào chúng tôi thấy có dấu hiệu mới chuyển sang cơ quan chức năng như lực lượng quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra, xác minh. Quan trọng nhất là phải tìm ra được nguồn gốc sản phẩm, kho hàng. Chúng tôi chỉ tập hợp các danh sách có dấu hiệu vi phạm chuyển quản lý thị trường kiểm tra, xử lý”.

Đáng chú ý, theo ông Tuấn, đã có trường hợp người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai sự thật đã bị Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý.  

Với năm 2018, ông Tuấn cho biết đã cung cấp cho quản lý thị trường 300 trường hợp các website vi phạm liên quan đến thương mại điện tử.  tổng mức xử phạt liên quan đến thương mại điện tử  khoảng 6 tỷ đồng.

Tại diễn đàn, khi được Tiền Phong hỏi kết quả điều tra, xử lý các vụ nghi nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ nổi cộm thời gian vừa qua như Asanzo, Seven.Am, Tổng cục phó Quản lý thị trường Hoàng Ánh Dương xin khất trả lời vào một dịp khác.

Trong năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 10 tháng năm 2019 kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.