Kỳ vọng xuất khẩu vượt mốc 300 tỷ USD
Theo ông Nguyễn Năng Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng - Sài Gòn, ngay sau Lễ phát lệnh làm hàng đầu xuân Canh Tý 2020, tại cửa khẩu cảng biển lớn nhất nước này đã có 55 chuyến tàu cập cảng Tân Cảng – Cát Lái với sản lượng 36.379 conrtainer (tương đương 54.569 Teu).
Container hàng đầu tiên là lô hàng xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp Saigon Food được chở trên tàu WANHAI 231 chuyến S313 với chiều dài 191m, trọng tải 21.052 tấn, từ cảng Tân Cảng - Cát Lái đến cập cảng PORT KELANG (Malaysia).
Ngoài ra trên tàu hàng hoá của hơn 139 doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) của TP. HCM chủ yếu là các mặt hàng về nông sản và may mặc đến các cảng như Hong Kong, Nhật Bản và Đài Loan.
“Ngay trong những ngày đầu xuân mới, mọi người làm việc rất khẩn trương, phấn khởi. Nhiều container hàng hóa XNK đầu tiên được thông quan, báo hiệu một năm mới với những chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam tiếp tục có bước phát triển khả quan trong năm 2020, hướng tới đạt được mục tiêu kim ngạch XNK hàng hoá trên 520 tỷ USD, XK 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp xuất siêu như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu”, ông Nguyễn Năng Toàn cho hay.
Cũng theo vị lãnh đạo này, trong dịp Tết Nguyên đán, để phục vụ cho hoạt động sản xuất, có hơn 4.000 người lao động Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn trực tiếp làm việc tại hiện trường, bảo đảm hàng hóa thông suốt, phục vụ cho hoạt động XNK của cả nước và TPHCM.
Năm 2019, số thu thuế XNK qua cảng Cát Lái đạt trên 72.500 tỷ đồng, tương đương 18,6% tổng thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh năm 2019.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tú, Chi cục phó Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai cho biết, đến hết chiều qua 26/1 (tức Mồng 2 Tết), tại đây đã làm thủ tục cho 11 bộ tờ khai hải quan và XK hơn 1.300 tấn nông sản sang Trung Quốc.
Tổng giá trị hàng hóa XNK trên 20 tỷ đồng (tương đương 1 triệu USD). Các mặt hàng nông sản XK chủ yếu là thanh long, mít, dưa hấu, xoài, chôm chôm từ các tỉnh miền trung và miền nam đưa ra.
Hải quan cửa khẩu Lào Cai cũng làm thủ tục cho doanh nghiệp NK 24 tấn nho từ Trung Quốc về Việt Nam. Toàn bộ số hàng nông sản XNK đầu tiên trong năm mới qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai của 5 doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD
Trước đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính hết 15/1, tổng kim ngạch XK cả nước đạt 10,8 tỷ USD; trong khi đó, kim ngạch NK đạt 11,3 tỷ USD. Như vậy, khởi đầu năm mới 2020, nước ta nhập siêu gần 410 triệu USD.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2019, cả XK và NK đều có mức tăng khá. Trong đó, XK tăng 18,3% (cùng kỳ đạt 9,2 tỷ USD); NK tăng gần 10,7% (cùng kỳ đạt 10,2 tỷ USD).
Theo nhận định của lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), giai đoạn đầu năm, nhất là tháng 1 có Tết Nguyên đán hoặc cận Tết Nguyên đán của Việt Nam và một số quốc gia châu Á, trong đó có đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, vì vậy, nhu cầu NK hàng hóa của Việt Nam tăng cao hơn, trong khi các doanh nghiệp lại bước vào kỳ nghỉ dài ngày nên hoạt động XK có phần trầm lắng.
Theo thông lệ hàng năm, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất đi vào quỹ đạo, các doanh nghiệp đẩy mạnh XK, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ trở lại trạng thái xuất siêu.
Một thông tin đáng chú ý khác là chỉ trong 15 ngày đầu tháng đã có 5 nhóm hàng XNK đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Ở lĩnh vực XK có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 1,543 tỷ USD; dệt may đạt 1,466 tỷ USD; điện thoại và linh kiện với kim ngạch 1,376 tỷ USD.
Ở lĩnh vực NK, 15 ngày đầu tháng 1/2020, cả nước có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,181 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,875 tỷ USD.
Ngoài 5 nhóm hàng chủ lực kể trên, 15 ngày đầu tháng, nước ta còn có nhiều nhóm hàng XNK có kim ngạch đạt từ 100 triệu USD trở lên.
Năm 2020, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chỉ tiêu XK phải chạm mốc 300 tỷ USD, đi liền với số đó là xuất siêu đạt 15-17 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, năm 2020 sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức. Tình hình thế giới về chính trị và thương mại còn diễn biến phức tạp. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là cần tiếp tục tạo điều kiện ổn định về vĩ mô và tạo môi trường hòa bình thuận lợi để phục vụ cho hợp tác của Việt Nam với các đối tác, tiếp tục tăng cường phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như tham gia thương mại quốc tế...