Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ tháng 9/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Quy định mới về cấp phó của các cơ quan, đơn vị; Dừng cung cấp mạng di động GSM (2G) từ 16/9; Hỗ trợ vay vốn tới 25 triệu đồng/công trình nước sạch...
Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024 ảnh 1

Ảnh minh họa.

Dừng cung cấp mạng di động GSM (2G) từ 16/9

Thông tư 04/2024/TT-BTTTT quy hoạch băng tần 880-915 MHz và 925-960 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện; tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam.

Thông tư quy định kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2024, không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M)3 hoặc cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK;

Được tiếp tục sử dụng kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2024 đến hết ngày 15 tháng 9 năm 2026, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.

Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024 ảnh 2

Ảnh minh họa.

Hỗ trợ vay vốn tới 25 triệu đồng/công trình nước sạch

Từ 2/9, Quyết định 10/2024/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chính thức có hiệu lực. Quyết định này quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Theo đó, đối tượng vay vốn là hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú (sau đây gọi là khách hàng). Điều kiện khách hàng cư trú tại địa phương thuộc vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.

Về phương thức vay, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/1 loại công trình/khách hàng.

Khách hàng được vay vốn để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 2 loại công trình nước và vệ sinh môi trường hộ gia đình nhưng tổng dư nợ mỗi loại công trình không vượt quá mức cho vay tối đa của mỗi loại công trình.

Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với khách hàng nhưng tối đa là 5 năm (60 tháng). Lãi suất cho vay 9,0%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Quy định mới về cấp phó của các cơ quan, đơn vị

Nghị định 83/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9. Một nội dung đáng chú ý của Nghị định này là sửa đổi quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị.

Về số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ, nghị định trên quy định chi cục có 1-3 phòng được bố trí một cấp phó; có từ bốn phòng trở lên được bố trí không quá hai cấp phó; Chi cục không có phòng được bố trí không quá hai cấp phó.

Với Vụ thuộc tổng cục có 15-20 biên chế công chức, cục (trừ cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới bốn tổ chức được bố trí không quá hai cấp phó.

Đối với Vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ bốn tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá ba người/đơn vị.

Với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Chính phủ, Ban và Văn phòng có 15-20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá hai cấp phó; có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức thì Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá ba người/đơn vị.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá ba người/đơn vị.

Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có từ 20 người làm việc là viên chức trở xuống được bố trí không quá hai cấp phó; có trên 20 người làm việc là viên chức được bố trí không quá ba cấp phó. Quy định này không bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.

Đáng chú ý, với bệnh viện hạng I trở lên, đơn vị sự nghiệp y tế làm nhiệm vụ kiểm soát và phòng chống bệnh tật tuyến tỉnh hạng I trở lên, trường phổ thông có nhiều cấp học có quy mô từ 40 lớp trở lên thì được bố trí không quá ba cấp phó.

Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024 ảnh 3

Ảnh minh họa.

Quy định chi tiết về tiền, tài sản liên quan đến khủng bố

Nghị định 93/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Nghị định này quy định điều kiện, thời hạn, thủ tục, hình thức, thẩm quyền quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố...

Trong đó, tại Điều 5 quy định tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố bao gồm: Tiền, tài sản thuộc sở hữu, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ của tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố;

Tiền, tài sản phát sinh từ tiền, tài sản thuộc sở hữu, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ của tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố;

Tiền, tài sản thuộc sở hữu, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ của tổ chức, cá nhân thay mặt cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, tổ chức, cá nhân chịu sự chi phối, sở hữu, kiểm soát, được ủy quyền hoặc chỉ đạo của tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố;

Tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân được sử dụng trái pháp luật nhằm cung cấp, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc tiền, tài sản có được từ hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.