Nhiều chính sách nhưng thiếu nguồn lực

Bộ trưởng Giàng Seo Phử trả lời chất vấn. Ảnh: H. Phúc.
Bộ trưởng Giàng Seo Phử trả lời chất vấn. Ảnh: H. Phúc.
TP - Tại phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử chiều 13/3 về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, ĐBQH nhấn mạnh: Chính sách của Chính phủ không thiếu, nhưng hiệu quả còn thấp, thiếu nguồn lực đầu tư.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) chỉ rõ, Chương trình 135 và một số chương trình hỗ trợ đồng bào thực hiện khá dài, phù hợp lòng dân, nhưng hiệu quả còn hạn chế. “Chương trình 135 sẽ kết thúc vào 2015, nhưng nhiều công trình đã xuống cấp, vậy thời gian tới có chương trình gì thay thế để tiếp tục hỗ trợ đồng bào?”, ĐB Hạnh hỏi. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ cho biết giải pháp đột phá hỗ trợ đồng bào hiệu quả hơn khi Chương trình 135 kết thúc là gì.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, Chính phủ rất trăn trở đối với việc chăm lo, hỗ trợ đời sống cho đồng bào dân tộc. Chương trình 135 được thực hiện từ 1999, qua 3 giai đoạn đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội cho bà con. Hiện nay, chương trình tập trung vào công tác giảm nghèo bền vững, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. 

Tuy nhiên, thời gian qua thực hiện các chương trình này còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, đang có xu hướng thu hẹp dần về nguồn lực. Vừa qua, Quốc hội biểu quyết thông qua phân bổ ngân sách năm 2015 cho các xã nghèo, kinh phí rút từ 1,5 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng/xã/năm (chỉ đạt 64% theo đề án được duyệt). “Phê duyệt ngân sách là việc của Quốc hội, mong Quốc hội quan tâm hơn, chứ chúng tôi cũng không biết với đầu tư như vậy thì giải pháp đột phá là gì !?”,  ông Phử phân trần.

Cũng theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, sự tri ân của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng rừng núi, chiến khu rất lớn, nhưng đến nay đời sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn. “Chương trình 135 sẽ kết thúc vào năm 2015 nhưng chương trình hỗ trợ hộ nghèo chắc chắn chưa thể kết thúc được. Đề nghị Quốc hội ủng hộ, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ riêng, tập trung nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc nghèo có điều kiện phát triển”, ông Phử kiến nghị.

Đồng bào nói phải “ăn bánh vẽ quá nhiều”

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) phân tích, chúng ta có quá nhiều chính sách tập trung cho đồng bào nhưng lại không hiệu quả. “Chúng tôi có đến một bản làng, người dân bảo chính sách của ta nhiều như lông bò, không thể nhớ hết. Bộ trưởng nói nên giao Chủ tịch UBND tỉnh điều phối, nhưng chính sách nhiều mà tản mạn, manh mún như vậy thì điều phối như thế nào cho hiệu quả?”, ĐB Nam chất vấn. 

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho hay, chính sách ban hành nhưng không có đủ nguồn lực để phát triển nên hiệu quả không cao. Câu trả lời của Chính phủ và Bộ trưởng luôn là đất nước còn nghèo. “Vậy Bộ trưởng có thuyết phục được đồng bào hay không: Chính sách đều là Thủ tướng ký, nhưng sau đó lại nói không có nguồn lực? Tôi xin lỗi, là đồng bào nói rằng “Chính phủ cho đồng bào ăn bánh vẽ quá nhiều”. Vì sao ban hành nhiều chính sách mà không có nguồn lực, trong khi Chính phủ lại đề nghị làm dự án sân bay với nguồn đầu tư rất lớn?”, ĐB Sinh nêu.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định, về cơ bản các chính sách đều được triển khai hiệu quả tại các địa phương. Chúng ta có hơn 200 chính sách. Tuy nhiên nguồn lực đầu tư vẫn còn rất hạn chế, manh mún.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử cũng thừa nhận rằng, việc ban hành quá nhiều chính sách thời gian qua nhưng hiệu quả còn thấp, có trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ trưởng.

MỚI - NÓNG