Nhiều ca mắc COVID-19 tử vong, Bình Dương đề nghị hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
Bình Dương xét nghiệm COVID-19 cho người dân Ảnh: H.C
Bình Dương xét nghiệm COVID-19 cho người dân Ảnh: H.C
TP - Có nhiều ca mắc COVID-19 diễn biến nặng và tử vong, Bình Dương đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, thành lập bệnh viện hồi sức cấp cứu. Tỉnh đang tranh thủ thời gian vàng lọc quét F0 nhiều lần với quyết tâm đến tháng 9 trở về trạng thái bình thường mới.

Trong đợt dịch thứ tư này, Bình Dương ghi nhận 27.639 người mắc COVID-19, trong đó có 176 ca tử vong. Trong số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị ở Bình Dương, có 77 phụ nữ mang thai, 236 người trên 65 tuổi, 402 người có bệnh lý nền, 514 người có diễn biến nặng.

Ðề nghị thành lập bệnh viện hồi sức

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 9/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa phương đang phức tạp và số ca mắc dự kiến những ngày tới còn tăng thêm. Theo ông Minh, hầu hết số bệnh nhân COVID-19 tử vong những ngày qua có bệnh nền nặng và cao tuổi. Ông đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thành lập Bệnh viện Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 với quy mô 500 giường.

“Trước đó, Bình Dương được Bộ Y tế hỗ trợ thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU). GS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được giao làm giám đốc trung tâm này. Đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, làm việc rất tích cực, đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ sinh mệnh bệnh nhân COVID-19 nặng. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa phương ghi nhận nhiều ca mắc với diễn biến nặng, cần được xây dựng thêm bệnh viện hồi sức tích cực”, ông Minh nói.

Để đáp ứng yêu cầu thành lập Bệnh viện Hồi sức tích cực, Bình Dương đề nghị Bộ Y tế cử lãnh đạo phụ trách chuyên môn cho bệnh viện; bố trí đội ngũ y bác sĩ gồm 304 bác sĩ và 760 điều dưỡng, đồng thời hỗ trợ một số trang thiết bị y tế.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Hiếu, cùng đi với ông vào hỗ trợ Bình Dương còn có 10 bác sĩ, chuyên gia, 5 điều dưỡng đã tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng để làm nhiệm vụ hồi sức cấp cứu.

“Việc tuân thủ điều trị bệnh theo tháp đồ 3 tầng và sự ra đời của Trung tâm và Bệnh viện Hồi sức tích cực sẽ hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19”, ông Hiếu nhận định.

Lọc quét F0 nhiều lần

Bình Dương phân loại các địa phương vùng xanh, vàng, đỏ trên bản đồ COVID-19. Theo đó, các địa phương vùng đỏ tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, xử lý sớm, thu hẹp phạm vi có dịch, dập dịch nhanh.

Các địa phương vùng vàng quyết liệt xét nghiệm sàng lọc tìm F0, giảm thiểu số F1, F2 để nhanh chóng chuyển sang vùng xanh. Các vùng xanh tập trung các biện pháp bảo vệ bằng được để sớm ổn định tình hình, đồng thời làm cứ địa, vùng đệm vững chắc cho các địa phương phía Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tranh thủ thời gian vàng, triển khai nhanh công tác sàng lọc quét F0 nhiều lần để đưa ra khỏi cộng đồng, doanh nghiệp.

“Bình Dương quyết liệt bảo vệ các vùng xanh, khoanh chặt các vùng đỏ, vùng vàng để tiếp tục xét nghiệm sàng lọc tìm F0 với quyết tâm đến 30/8, địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh”, ông Lợi nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, để giảm tải cho các khu điều trị, địa phương đang thí điểm cách ly tại nhà F1 ít nguy cơ và F0 phát hiện trong cộng đồng mà đủ điều kiện. Họ được theo dõi thường xuyên có biện pháp ứng cứu kịp thời, không để trường hợp tử vong xảy ra tại nhà. Trong tổng số ca mắc COVID-19 ở Bình Dương, Tổ công tác đặc biệt Bộ Y tế đánh giá có khoảng 80% nhẹ, không triệu chứng.

Hiện nay, cách làm của Bình Dương với những F0 nhẹ, không triệu chứng mới phát hiện là đưa vào khu cách ly tạm thời có theo dõi y tế để phân tầng điều trị mức độ, tình trạng của các ca F0 (F0 nhẹ, không triệu chứng, không bệnh nền, tải lượng virus thấp vào các bệnh viện dã chiến, tầng 2 là tầng điều trị F0 có triệu chứng trung bình, tải lượng virus lớn và tầng 3 là tầng bệnh nhân nặng cần cấp cứu hồi sức).

“Tỉnh đang đối mặt với tình trạng quá tải tại các cơ sở điều trị. Bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng tăng. Do đó, việc thành lập Bệnh viện Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 Bình Dương với quy mô 500 giường là yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong”.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bình Dương vừa có công văn đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm 1 triệu liều vắc-xin để tiêm phòng cho người dân, công nhân lao động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.

Trước đó, Bộ Y tế phân bổ 570.000 liều vắc-xin, nhưng Bình Dương đã tiêm hết sau 3 ngày huy động lực lượng. “Dân số Bình Dương trên 2,5 triệu người, trong khi đó, lượng vắc-xin được cấp về 570.000 liều. Lượng vắc-xin được phân bổ chủ yếu tập trung tiêm cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao để tăng cường kết quả phòng, chống COVID-19.

Địa phương đề xuất với Trung ương cho phép chi ngân sách mua lượng vắc-xin đủ để tiêm cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương nói.

MỚI - NÓNG