Nhiều biến tướng trong bán hàng đa cấp

TP - Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm có xuất xứ từ nước ngoài nhập vào trong nước nên doanh nghiệp thường lợi dụng các mặt hàng này có công dụng không rõ ràng và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để thổi phồng lợi ích.

Bộ Công Thương cho biết, theo báo cáo của Sở Công Thương An Giang, trong năm 2016 có thêm 7 doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp trong tỉnh, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên con số 27. 

Sở Công Thương An Giang đã nhận được báo cáo kết quả hoạt động của 16 doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp báo cáo chưa đầy đủ các nội dung theo yêu cầu như: Doanh thu bán hàng đa cấp; số lượng người tham gia; hoa hồng, tiền thưởng/lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp ...

Báo cáo cũng cho thấy, hàng hóa chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm có xuất xứ từ nước ngoài nhập vào trong nước nên doanh nghiệp thường lợi dụng các mặt hàng này có công dụng không rõ ràng và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để thổi phồng lợi ích nhằm bán hàng với giá cao so với giá trị thật của sản phẩm, để lôi kéo người dân tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. 

Có trường hợp doanh nghiệp không yêu cầu mua hàng hóa, nhưng hướng dẫn người muốn tham gia (mạng lưới bán hàng đa cấp) mua sản phẩm, liệu trình trị bệnh thì mới cấp thẻ thành viên, cộng tác viên… nên khó xử lý sai phạm đối với hoạt động này.

Theo báo cáo, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã: Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện 1 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp có vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính 114 triệu đồng, đồng thời tịch thu hàng hóa vi phạm; Đề nghị ngành chức năng thu hồi 1 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp không đúng quy định.

MỚI - NÓNG