Nhà báo Hoàng Thiên Nga:

“Nhiệt” bên trong thắng lửa bên ngoài

Trò chuyện với nông dân phá rừng trồng khoai
Trò chuyện với nông dân phá rừng trồng khoai
TP - Người ta đốt xe của chị bằng một ngọn lửa thật. Chiếc xe cháy bùng ngay trước cửa nhà để tạo nên một vụ khủng bố tinh thần. Nhưng ngọn lửa bên ngoài ấy không mạnh bằng lửa bên trong – lửa nghề cháy suốt 20 năm qua.  

2 giờ 50 phút sáng 21/4/2003, nhà báo Hoàng Thiên Nga thức giấc vì ngửi thấy mùi khét trong nhà mình. Chị đánh thức mọi người dậy và chạy ra. Ngoài sân, chiếc xe Nissan của vợ chồng chị đang cháy ngùn ngụt. Hai thiếu niên đang vội vã trèo cổng bỏ trốn, bị người nhà bắt lại.

Vụ “đốt xe nhà báo” ấy đã gây chấn động báo giới. Chủ tịch nước Trần Đức Lương trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk điều tra. Công an tỉnh khẳng định, vụ đốt xe này chính là một hành vi “khủng bố”.

Đến hôm nay, nhà báo Hoàng Thiên Nga vẫn nhớ như in ngày đó. Chị nhớ tên loạt bài điều tra đã khiến mình bị khủng bố. Đó là chùm phóng sự “Lật lại hồ sơ phạm pháp của một đại gia”. Loạt bài đang đăng giữa chừng thì thân nhân vị “đại gia” này gọi điện đe dọa về “điều xấu” nếu không ngừng loạt bài. Chị điềm tĩnh trả lời rằng, chị chỉ nhận chỉ thị từ tòa soạn, chứ không phải bất kỳ một ai, dù có quyền lực đến đâu. 

Sau đó, ban biên tập báo Tiền Phong - nơi nhà báo Thiên Nga đang công tác, đã báo cáo với Bộ công an. Ngày 16/4, thiếu tướng Lữ Ngọc Cư, giám đốc công an tỉnh  Đắk Lắk, gọi điện trực tiếp cho chị Nga, dặn rằng cứ yên tâm công tác, anh em đã có phương án bảo vệ. Và đến ngày 21/4, vụ khủng bố diễn ra.

Chị nhớ mình đã “mở 3 lần khóa cửa” để chạy ra ngoài, nhớ từng nhân vật xuất hiện ở hiện trường, nhớ mọi diễn tiến, và vụ việc cuối cùng không đi đến đâu. Hai cậu thiếu niên bị giữ tại hiện trường được thả ra sau 3 tháng vì không đủ chứng cứ buộc tội.

Hai tháng trước, chị Nga gặp lại nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương trong một chuyến công tác. 12 năm đã trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ. “Cô là nhà báo có cái xe bị đốt đấy à? Vụ đó kết thúc có tốt không?”. “Vụ đó kết thúc cũng tốt ạ, vì không ai bị sao cả, tất cả đã chìm xuồng” - chị Nga gượng trả lời.

Làm nhà báo điều tra, số vụ bị đe dọa, cản trở của nhà báo Hoàng Thiên Nga “quá nhiều, không thể nhớ hết”. Nhưng chị không bỏ nghề. Dù có lúc, chị thú nhận rằng, mình phải đi làm đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống, từ dạy khiêu vũ đến buôn bán. Với những đề tài gai góc, chị không bao giờ có ý định từ bỏ. “Không đăng được báo này thì gửi báo khác, hoặc thậm chí là in sách đứng tên mình, tự chịu trách nhiệm cá nhân trước những gì mình viết ra”.

Chị có lúc ước rằng mình có đủ động lực bỏ nghề để chăm lo cho gia đình nhỏ. Bởi vì không phải những hành vi đe dọa, khủng bố làm chị cảm thấy khó chịu, mà chính là sự trơ lì của thực tế. Cảm giác tiêu cực nhất của chị về nghề nghiệp, không phải là xe ô tô cháy trước cửa nhà, những tin nhắn đe dọa năm này qua năm khác, những tay đại gia cậy quyền thế hay những người dân thiếu thông cảm, mà là “gõ cửa khắp nơi chẳng có cơ quan quyền lực nào hồi âm, tình hình chẳng có gì chuyển biến”.

Ở Đắk Lắk, nơi nhà báo Hoàng Thiên Nga thường trú, tình trạng phá rừng và tàn sát động vật quý hiếm là chủ đề nóng (thậm chí lúc chiếc xe bị đốt, người ta đã liên hệ nó với loạt bài của chị về vụ săn bò tót ở rừng quốc gia Eo Sô nổi tiếng một thời). Nhưng hai mươi năm qua, tình hình không có gì thay đổi, chị cũng cảm thấy buồn. Nhưng có lẽ chính điều đó khiến chị khó dừng lại hơn.

Mới đây, cái tên Hoàng Thiên Nga lại được nhắc đến. Chị là tác giả của loạt bài vạch ra những sai sót trong tố tụng ở vụ “học sinh lớp 12 bị bắt tại trường học”, đưa em Đỗ Quang Thiện từ nhà tù trở lại nhà trường. Nhưng ít người biết rằng, ngay trong vụ đó, chị Nga cũng bị đe dọa. Lần này, không phải từ một vị đại gia quyền thế, mà từ những người dân nghèo.

 Gia đình của ông già bị đột quỵ trên đường dẫn tới việc em Thiện vào tù đã nặng lời mạt sát chị, vì họ nghèo mà chị không bảo vệ, vì chị minh oan cho Thiện, khiến họ mất đi số tiền bồi thường mà tòa yêu cầu gia đình Thiện phải trả. Chị ái ngại, thương và giận, vì họ thiếu hiểu biết. Đã không dưới một lần, chị nhận áp lực không phải từ “cường quyền”, mà từ cả những người yếu thế không hiểu biết, không thông cảm. Chị phải nhận lời mạt sát từ chính những đối tượng mà mình cố sức bảo vệ. Đó là những lúc hiếm hoi mà nhà báo Hoàng Thiên Nga phải tự đặt câu hỏi: “Liệu nghề này có bạc quá không?”.

Những cảm giác như thế trôi qua nhanh. Bây giờ chị Nga chỉ sợ đến lúc bỏ được nghề, không còn sức khỏe để theo đuổi những đam mê khác. Đó là một người mà nếu gặp, có lẽ người ngoài sẽ không thể tưởng ra công việc chị đang làm. Chị điệu đà, thích ôm đàn guitar và hát,  thích tạo dáng chụp ảnh bên hoa, như bao người phụ nữ khác.

Nhưng đó là một trong những nhà báo điều tra bị đe dọa nhiều nhất miền Tây Nguyên. Để rồi vẫn cứ theo đuổi một công việc mà chị nhận rằng “không phải là một cái nghề để kiếm sống”, chẳng biết vì động lực lớn lao nào...

MỚI - NÓNG