Nhật vẫn cứng rắn với Triều Tiên về vấn đề bắt cóc

Hai vợ chồng người Nhật Bản, Shigeru và Sakie Yokota, nhiều năm qua tìm kiếm con gái Megumi được cho rằng bị Triều Tiên bắt cóc. Ảnh: Getty Images
Hai vợ chồng người Nhật Bản, Shigeru và Sakie Yokota, nhiều năm qua tìm kiếm con gái Megumi được cho rằng bị Triều Tiên bắt cóc. Ảnh: Getty Images
TP - Nhật Bản hôm qua tuyên bố, CHDCND Triều Tiên phải đưa tất cả người Nhật Bản bị nước này bắt cóc về nước trước khi Thủ tướng Shinzo Abe có thể thăm Bình Nhưỡng.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo cấp cao Nhật Bản và Triều Tiên sẽ diễn ra ở giai đoạn cuối cùng và điều kiện tiên quyết để Thủ tướng Shinzo Abe thăm Triều Tiên là tất cả những người Nhật Bản bị bắt cóc phải được hồi hương, ông Keiji Furuya, Bộ trưởng Nhật Bản phụ trách vấn đề bắt cóc, tuyên bố tại Tokyo.

  

Ở Nhật Bản, vấn đề bắt cóc lại nóng trở lại, sau khi Bình Nhưỡng đồng ý với Tokyo hồi cuối tháng trước rằng, Triều Tiên sẽ điều tra số phận của tất cả những người Nhật Bản bị bắt cóc, hãng tin Nhật Bản Kyodo đưa tin ngày 17/6. Đổi lại, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đơn phương. “Chúng ta không chỉ làm việc với các lực lượng trong nước mà còn với các quốc gia đồng minh để giải quyết vấn đề này. Trong thương lượng với Triều Tiên, chúng ta sẽ cứng rắn và buộc họ phải đưa các nạn nhân về nước”, ông Furuya phát biểu trước phiên họp quốc hội Nhật Bản.

Ông Furuya nói rằng, có tới 860 người Nhật Bản được tin rằng đã bị Bình Nhưỡng bắt cóc. Nhiều thập kỷ trước, Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản, chủ yếu để đào tạo gián điệp.

Trong đợt thương lượng tháng trước ở Thụy Điển, Nhật Bản và Triều Tiên nhất trí mở lại đàm phán về vấn đề bắt cóc. Phía Nhật Bản bóng gió rằng, nếu vấn đề này có tiến triển tốt, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm Triều Tiên. Bình Nhưỡng cam kết thành lập một ủy ban đặc biệt về vấn đề bắt cóc trong tuần này. 

Bộ trưởng Furuya nói rằng, Nhật Bản đang thông báo cho Hàn Quốc và Mỹ về tiến trình đàm phán hiện nay và sẽ tiếp tục làm việc với hai nước này. Ông Furuya phát biểu như vậy để xua tan mối lo ngại rằng, sự tiếp xúc trực tiếp giữa Nhật Bản và Triều Tiên có thể tác động tiêu cực tới mối quan hệ ba bên Seoul-Washington-Tokyo trong việc xử lý chương trình hạt nhân của Triều Tiên, hãng tin Hàn Quốc Yonhap đưa tin ngày 17/6.

Triều Tiên sở hữu tên lửa hành trình gây lo ngại

Các chuyên gia Mỹ cho rằng, Triều Tiên có vẻ đã có trong tay phiên bản tên lửa hành trình của Nga; đây là nỗ lực mới nhất của Bình Nhưỡng nhằm nâng cao năng lực tấn công trên biển. AP dẫn lời chuyên gia nghiên cứu vũ khí Jeffrey Lewis công tác ở Viện Đại học Johns Hopkins Mỹ - Hàn nói rằng, tên lửa này đánh dấu “phương tiện mới và tiềm năng gây bất ổn” trong kho vũ khí của Triều Tiên. Theo ông Lewis, vũ khí này là bản sao của tên lửa hành trình chống hạm KH-35 do Nga sản xuất trong những năm 1980 và 1990. 

Dù tầm xa và tải trọng của KH-35 thua xa ngưỡng mà Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa đặt ra, nhưng bất kỳ hoạt động xuất khẩu tên lửa hành trình nào sang Triều Tiên vẫn bị coi là vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc. Chuyên gia Lewis cho rằng, có thể Triều Tiên không mua trực tiếp tên lửa này từ Nga mà mua qua một nước thứ ba như Myanmar. 

Hàn Quốc: Không thể lập đội ASIAD liên Triều

Tối 17/6, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố, không thể thành lập các đội thể thao chung với Triều Tiên để tham dự Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2014, Yonhap đưa tin. 

Chỉ vài giờ trước đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng, Seoul sẵn sàng xem xét việc lập các đội thể thao chung ở một số bộ môn để cùng Bình Nhưỡng thi đấu tại ASIAD 2014, diễn ra tại thành phố Incheon ở phía tây thủ đô Seoul, từ ngày 19/9 đến 4/10. Lý do “không thể” được Hàn Quốc đưa ra là sức ép thời gian và hiện trạng quan hệ liên Triều. Chỉ còn 3 tháng nữa là ASIAD 2014 khai mạc, các vận động viên sẽ tranh tài ở 36 bộ môn. 

Hồi tháng 4, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo rằng, “trong tình hình hiện nay (quan hệ căng thẳng giữa hai miền), chưa thích hợp để thành lập các đội thể thao liên Triều, tổ chức diễu hành chung hoặc lập đội cổ vũ chung”. Tháng trước, Triều Tiên thông báo kế hoạch tham dự ASIAD 2014. Nếu Triều Tiên góp mặt thì đây sẽ là lần thứ 2 Triều Tiên tranh tài tại Đại hội Thể thao châu Á mà Hàn Quốc đăng cai. Lần trước diễn ra cách đây 12 năm, tại thành phố Busan.


MỚI - NÓNG