Theo ông Katsuro Nagai, vào tháng 11 năm ngoái, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính, Chủ tịch liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật – Việt sang thăm Nhật Bản, đã có lời đề nghị chính thức với mong muốn Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam đạo tạo cán bộ nguồn cho chính quyền TƯ và địa phương, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong cải cách hành chính.
Vào giữa năm nay, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Nhật Bản, tại cuộc hội đàm cấp cao giữa hai 2 nước, Thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ quan điểm phía Nhật Bản sẽ phái cử chuyên gia cũng như mở rộng đối tượng tập huấn cho cán bộ Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Nhật Bản sẽ tạo cơ hội đào tạo trên 800 cán bộ hành chính của Việt Nam, thông qua các khóa học để cấp bằng thạc sỹ, tiến sỹ cũng như thực hiện các khóa đào tạo ngắn và trung hạn khác. Ngoài ra, Nhật Bản phái cử các chuyên gia có nhiều kiến thức về chính quyền địa phương, hành chính, cổ phần hóa DNNN sang hỗ trợ Việt Nam.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của nền hành chính địa phương, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho chính quyền địa phương trong từng giai đoạn phát triển.
Gần đây nhất là luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng bảo đảm cho hệ thống hành chính địa phương hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bộ máy hành chính nhà nước thông suốt từ TƯ đến cơ sở. Qua đó phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.
Theo Thứ trưởng Nội vụ, thời gian qua cải cách hành chính ở Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó Việt Nam đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai, đẩy mạnh phân cấp giữa TƯ và địa phương nhằm phát huy tính sáng tạo của chính quyền địa phương mà vẫn đảm bảo sự quản lý tập trung thống nhất của TƯ.
Hệ thống hành chính địa phương ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế vướng mắc như mô hình tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn theo quy định của Luật chưa thực sự có tính đột phá.
Chính vì vậy, Việt Nam đang nghiên cứu làm sao chuẩn hóa được chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, hải đảo. Đồng thời làm rõ vị trí vai trò của tổ chức thôn, bản, làng, tổ dân phố với tư cách như là các tổ chức cộng đồng dân cư cũng là vấn đề đặt ra để làm sao giảm tải gánh nặng ngân sách chi trả cho đội ngũ hoạt động không chuyên trách trách ở đây.