Nhật Bản sẽ bảo vệ đảo tranh chấp bằng tên lửa siêu vượt âm cực mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Đạn lướt siêu tốc (HVGP)
Đạn lướt siêu tốc (HVGP)
TPO - Nhật Bản đã không ngừng tìm cách nâng cấp các hệ thống phòng thủ của mình khi nước này đối mặt với các mối đe dọa về khả năng tấn công quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông, thực thể địa lý Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và tuyên bố là lãnh thổ của họ.

Nhật Bản đang phát triển một tên lửa chống hạm có đầu đạn “có khả năng xuyên thủng boong tàu sân bay Trung Quốc”. Đó là một "đạn lướt siêu tốc" (hypervelocity gliding projectile hay HVGP) với khả năng chống hạm, có thể được triển khai ở các căn cứ trên đảo xa xôi vào năm tài chính 2026, Mainichi, một tờ nhật báo Nhật đưa tin.

Theo The National Interest, “tên gọi của vũ khí Nhật Bản là một cái gì đó gây nhầm lẫn”. Theo cách nói của Mỹ, một tên lửa dẫn đường di chuyển nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh là một vũ khí siêu vượt âm. Người Mỹ bảo lưu tên gọi "hypervelocity" cho các loại đạn pháo vận tốc siêu cao, không có điều khiển.

Mặc dù vậy, Tokyo đặt mục tiêu rằng HVGP của họ có khả năng đánh bại lực lượng quân sự Trung Quốc. Mainichi đưa tin: “Vũ khí năm 2026 là để dành cho một kẻ thù tiềm năng có thể xâm lược hòn đảo xa xôi của Nhật Bản”.

Bản tin cho biết thêm: “Trong giai đoạn thứ hai, một loại vũ khí nâng cấp sẽ được phát triển để có thể triển khai vào năm tài chính 2028 trở đi, tốc độ được nâng cao, tầm bắn và quỹ đạo phức tạp hơn”.

Một tiến bộ khác trong công nghệ tên lửa HVGP có nghĩa là tên lửa mang đầu đạn nặng hơn, có thể xuyên thủng boong tàu sân bay Trung Quốc.

HVGP được phóng từ bệ phóng mặt đất di động. Khi nó đạt đến độ cao nhất định, tàu lượn tách khỏi tên lửa đẩy và sau đó lướt ở độ cao lớn với tốc độ siêu vượt âm trong khi được dẫn đường bởi cả vệ tinh và hệ thống dẫn đường quán tính (INS). Sau đó nó bay đến điểm mục tiêu. Mục tiêu bị tấn công từ phía trên ở góc 90 độ.

Khi HVGP được tách ra khỏi tên lửa đẩy, tiết diện phản xạ radar của đầu đạn trở nên cực kỳ nhỏ, khiến radar rất khó phát hiện.

MỚI - NÓNG