Theo sách trắng thường niên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản về vấn đề ODA của nước này, Tokyo sẽ tăng cường viện trợ cho nhiều quốc gia châu Á, cụ thể là các thành viên ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động yêu sách chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Theo sách trắng ODA được đệ trình lên Nội các Nhật Bản ngày 9/3, ASEAN “cực kỳ quan trọng xét cả về khía cạnh chính trị và kinh tế”. Nhằm phát triển “một trật tự dựa trên các giá trị phổ quát” ở Đông Á, bao gồm khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản sẽ hỗ trợ nỗ lực của các nước trong việc cải thiện an ninh biển và xây dựng cơ sở hạ tầng”, sách trắng viết.
Nhật Bản cũng có kế hoạch mở rộng viện trợ cho lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, tìm kiếm kết quả tốt cả về chất lượng và số lượng. Đến năm 2020, Nhật Bản cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ nâng tổng vốn đầu tư tại châu Á lên 110 tỷ USD.
Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 2003, Nhật Bản sửa đổi Hiến chương Hợp tác Phát triển, nhấn mạnh quan điểm của nước này là cung cấp ODA cho nước ngoài để bảo vệ lợi ích quốc gia của Nhật Bản trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang thay đổi. Theo Hiến chương, viện trợ của Nhật Bản có thể được sử dụng để hỗ trợ các lực lượng vũ trang nước ngoài trong các hoạt động không chiến đấu như cứu trợ thảm họa, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ bờ biển… Trước đó, ODA của Nhật Bản thường được sử dụng cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo ở những nước tiếp nhận. Chính phủ Nhật Bản cam kết 300 tỷ yen (khoảng 2,5 tỷ USD) ODA cho Việt Nam trong năm tài khóa 2015.
Philippines sẽ thuê máy bay Nhật để tuần tra biển Đông
“Chúng ta cũng sẽ thuê của Nhật Bản 5 chiếc máy bay huấn luyện TC-90 để hỗ trợ hải quân chúng ta tuần tra biển Đông”, Channel News Asia ngày 9/3 dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Trước đó, người phát ngôn quân đội Philippines, thiếu tướng Restituto Padilla, nói rằng, hợp đồng thuê máy bay Nhật Bản đang được hoàn tất.
Phát biểu tại một căn cứ không quân ở phía nam thủ đô Manila, Tổng thống Aquino nói chính phủ của ông đã làm nhiều hơn ba đời tổng thống trước đó trong việc phát triển không quân, tăng số lượng máy bay để vận chuyển binh sĩ, quân nhu và để bảo vệ biên giới trên biển. “Tất cả những trang thiết bị này sẽ nâng cao năng lực của lực lượng không quân trong việc bảo vệ lãnh thổ của chúng ta”, Tổng thống Aquino nói.
Mỹ và Hàn Quốc đã đề nghị giúp Philippines nâng cao năng lực của không quân. Tổng thống Aquino thông báo, năm nay, Philippines sẽ nhận từ Mỹ hai chiếc máy bay vận tải C130 được tân trang. Hàn Quốc đã cung cấp cho Philippines 2 máy bay chiến đấu hạng nhẹ và sẽ chuyển giao thêm 10 chiếc từ này đến năm 2017, ông cho biết. Philippines cũng sẽ tiếp nhận 2 máy bay tuần tra tầm xa, 6 máy bay hỗ trợ tầm ngắn, 3 hệ thống radar giám sát…
Quân đội Philippines đã lên kế hoạch bổ sung một phi đội máy bay chiến đấu đa nhiệm, các khẩu đội tên lửa không đối đất, các máy bay không người lái, máy bay cảnh báo sớm. Philippines hiện ưu tiên hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân vì Trung Quốc đang đẩy mạnh quân sự hóa trên biển Đông, bao gồm triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa tại một số bãi đá, đảo tranh chấp trên biển Đông, Reuters đưa tin ngày 9/3. Sau nhiều thập kỷ ưu tiên chống quân nổi dậy trong nước, quân đội Philippines đã chuyển trọng tâm sang bảo vệ lãnh thổ, dành 83 tỷ peso (gần 1,8 tỷ USD) để nâng cấp, hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân cho đến năm 2017.
Ngày 9/3, tàu ngầm tấn công USS Charlotte của Mỹ đã vào vịnh Subic của Philippines, Inquirer đưa tin. Tàu sẽ tham gia các nhiệm vụ tăng cường an ninh với một số đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực.