“Đây là thiệt hại rất nặng nề đối với các nhà đầu tư” - bà Phan Cẩm Tú - đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) cảnh báo trong cuộc thảo luận do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức ngày 20/4 nhân Ngày sở hữu trí tuệ thế giới.
Quả thật, không có gì nhanh (và dường như còn thú vị) hơn việc vào một trang web chuyên cho xem phim chùa để xem một bộ phim đang hot nào đó mà không phải bỏ ra một xu nào (đổi lại, người xem phải chịu đựng các quảng cáo của trang web này).
Với người tiêu dùng Việt Nam, điều này đang trở nên bình thường. Họ “vô tư” sử dụng “chùa” mọi sản phẩm: phim, ảnh, nhạc, sách, công trình nghiên cứu… có trên mạng (thực chất, có những kẻ chủ động ăn cắp những sản phẩm này và tổ chức kiếm tiền mà không phải đầu tư sản xuất, sáng tạo).
Và không chỉ những người đơn lẻ, ở đây còn có cả những công ty, những tổ chức lớn. Họ không ý thức được sự nguy hiểm đến với những nghệ sỹ, nhà văn, nhà khoa học, nhà sản xuất chương trình, và cả sự ảnh hưởng lâu dài đến nền văn nghệ.
Những người trẻ khi chứng kiến những người đi trước say mê sáng tác nhưng vẫn nghèo, họ sẽ không còn muốn đi theo con đường đó. Niềm cảm hứng sáng tác sẽ bị thui chột.
“Bị ăn cắp bản quyền cũng giống như là đầu tư kinh doanh mà không có một đồng lãi nào”. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn than. Anh nhận định vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề nóng và nghiêm trọng tại Việt Nam.
Ông Roland Vongphasouk - đại diện tập đoàn âm nhạc toàn cầu Universal Music nói: thách thức lớn nhất là người tiêu dùng nghĩ việc tải nhạc không bản quyền trên mạng Internet không phải là một tội bởi chẳng có ai là nạn nhân.
Nhưng thực tế là các nhà sản xuất, ca sĩ và nhạc sĩ là nạn nhân. Và về lâu dài, tình trạng này sẽ kéo lùi tất cả: sáng tạo - bị ăn cắp - chán nản, mất sáng tạo. Đó là chưa kể đến những “nghệ sỹ” thay cho sáng tạo, sẽ chỉ chăm chăm “thuổng” thành quả của người khác, biến thành của mình.
Việt Nam đã có hệ thống luật pháp về bản quyền rất rõ ràng, nhưng vấn đề là thực thi các điều khoản pháp luật đó còn yếu. Điều khó lớn hơn là thay đổi tâm lý dùng không trả tiền của đa số công chúng. Giải pháp lớn phải xuất phát từ hệ thống giáo dục.
Nói đến đây, mới chợt nhận ra, chúng ta chưa hề có hệ thống giảng dạy về bản quyền từ cấp trung học đến đại học. Điều mà các nước phát triển đã tiến hành từ lâu.
Nhân bất học bất tri lý – điều này quả là đúng trong câu chuyện bản quyền. Và chậm còn hơn không, cần có sự thay đổi. Nếu không thì tình trạng ăn cắp bản quyền sẽ ngày càng “nhanh và nguy hiểm” hơn.