Nhân phim 'Rừng Na-uy' ra mắt, đọc lại 'Rừng Na-uy'

Diễn viên Matsuyama ấn tượng với vai Wantanabe - phim Rừng Na-uy
Diễn viên Matsuyama ấn tượng với vai Wantanabe - phim Rừng Na-uy
TP - Này, anh đã đọc “Rừng Na-uy” chưa? - Chưa, làm sao? - Em thấy cái thằng trong ấy giống anh lắm! - …?

>> Rừng Na-uy: Đẹp, tinh tế

Diễn viên Matsuyama ấn tượng với vai Wantanabe - phim Rừng Na-uy
Diễn viên Matsuyama ấn tượng với vai Wantanabe - phim Rừng Na-uy.

Đấy là nội dung một câu chuyện thoảng qua trong văn phòng đã lâu lắm, hình như cô bé phụ trách nhân sự vừa hỏi vừa đóng dấu quyết định nghỉ việc của tôi. Mà cũng có thể là quyết định nhận việc mới. Sau bao nhiêu lần chuyển chỗ làm, tôi cũng chẳng nhớ rõ lắm nữa.

Trước đó tôi từng nhìn thấy quyển Rừng Na-uy nằm lăn lóc ở nhà, còn nguyên vỏ bọc nylon. Ai đó mua nó, rồi chẳng thèm mở ra lấy một lần. Cũng dễ hiểu thôi, một cuốn sách nổi tiếng đến thế, 1 trong 7 người Nhật từng đọc qua, thì nên mua. Nhưng mua rồi quên ngay, đâu có thời gian ngồi đọc từng trang, rồi chìm đắm vào một thế giới hoàn toàn cách biệt khỏi thực tại, chắc là cũng lắm thứ rối ren, của một tay người Nhật nào đó...

Vậy là tôi bóc vỏ nylon. Đọc và giật mình thon thót, vì cảm giác cái nhà ông Murakami này chắc hẳn đã đem tất cả những đứa bạn thân nhất của tôi ra nhào nặn xào xáo, rồi đúc ra một nhân vật Toru Wantanabe trong truyện. Dễ hiểu vì sao cuốn sách lại được hâm mộ đến thế. Con người trong xã hội hiện đại, ít nhiều sẽ thấy mình trong đó.

Tôi đã đọc cuốn sách rất nhanh, cảm thấy hết sức tâm đắc, rồi nhanh chóng quên gần hết. Nhưng không lấy đó làm phiền. Hình như phải thế mới đúng tinh thần của tác phẩm. Giờ đây khi nghe nhắc đến Rừng Na-uy, trong tâm trí tôi lại hiện ra một thế giới vừa xa xôi vừa gần gũi, mù mờ các nhân vật mà tôi không nhớ tên tuổi, đẹp, buồn và khó nắm bắt.

Murakami tạo ra nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Khi ngồi trông bố Miro ốm nặng và không chịu ăn, Wantanabe phớt lờ nội qui và cắt cho ông ăn một quả dưa chuột. Sau khi ông chết, Wantanabe chỉ nghĩ đến hình ảnh ông cụ nằm chờ chết, đã phát chán món cháo bệnh viện, say sưa nhai dưa chuột bằng lợi vì răng đã rụng hết, mặt ngời lên hạnh phúc.

Tôi đã phải bật cười vì sau khi bố chết, Miro cởi bỏ hết quần áo ngồi trước bàn thờ, để linh hồn bố nhìn thấy trọn vẹn đứa con gái bố đã sinh ra, và khiến cho người chị một phen kinh hoàng.

Những chi tiết đơn lẻ ấy, khi được kể riêng rẽ đều có một vẻ kỳ quặc, có những đoạn gần như bệnh hoạn. Nhưng nằm trong một chỉnh thể, chúng tạo thành một mạch truyện khá cuốn hút – nếu như người đọc chịu thả mình theo bàn tay dẫn dắt của tác giả, và đặc biệt là phải chịu đựng được một tiết tấu kể chuyện chậm rãi, đôi lúc chậm đến mức khó theo dõi.

Giống như rất nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện đại khác, theo tôi sẽ là vô nghĩa nếu tìm cách giải mã ý nghĩa của một cuốn sách như thế này, hay gán cho nó một giá trị đạo đức hay xã hội nào đó. Ngay cả việc tóm tắt cốt truyện đã là vô nghĩa, cũng vô nghĩa như việc dùng bút chì để phác thảo lại một bức tranh siêu thực vậy. Là một tác phẩm nghệ thuật, nó phải được cảm nhận như một chỉnh thể, không tách rời bất kỳ yếu tố nào.

Mỗi người sẽ cảm nhận một cuốn sách theo một cách riêng, những cảm nhận mà bản thân tác giả chắc cũng không tưởng tượng hết được. Đối với tôi, Rừng Na-uy là hình ảnh của sự cô đơn và thân phận vô định của con người. Sự cô đơn đến nghẹt thở, trong một thế giới mà không có gì đang xảy ra cả, không có chiến tranh để lo sống sót, không có thiếu thốn để lo làm giàu, không ai đe dọa, ức hiếp để phải đấu tranh.

Suốt cả câu chuyện, hiếm có một hành động bùng phát, một giây phút căng thẳng, hay thậm chí một lời to tiếng. Chỉ là một thực tại câm lặng và đè nặng lên kiếp người.

Tôi đã xem nhiều bộ phim Nhật rất gần với tư tưởng của Rừng Na-uy, những bộ phim gần như không có cốt truyện, với các nhân vật mất phương hướng trong cuộc đời, tiết tấu chậm đến nghẹt thở, những khung cảnh buồn và siêu thực... Và bao trùm là cảm giác cô đơn, hoàn toàn lang thang vô định. Murakami đã in một dấu ấn rất riêng lên câu chuyện, và chính tính cá nhân, độc đáo, không thể lặp lại của tác phẩm đã tạo nên sức hút của nó.

Bộ phim Rừng Na-uy mới ra mắt dường như đã phải chịu nhiều chê bai: Kịch bản yếu, mô tả tình dục một cách màu mè, và nhìn chung kém nguyên bản văn học.

Điều này có lẽ không tránh khỏi, bởi vì với những phương pháp thể hiện khác nhau, một bộ phim và một cuốn sách sẽ luôn luôn tạo ra những hiệu ứng và rung động khác nhau. Không may cho bộ phim Rừng Na-uy, nó sẽ luôn bị mang ra so sách với cuốn sách Rừng Na-uy mà có đến 1 trên 7 người Nhật đã đọc qua.

Điều duy nhất làm tôi thực sự ngạc nhiên là việc Haruki Murakami đồng ý cho cuốn sách của mình dựng phim. Nói cho cùng, một người kể chuyện bậc thầy như ông chắc phải hiểu rõ rằng khó mà kể lại một câu chuyện hay như chính người cha tinh thần của nó đã kể lần đầu.

Trịnh Lữ, người dịch Rừng Na-uy nói về tác phẩm:
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG