Nhận lương qua tài khoản: Còn nhiều bỡ ngỡ

Nhận lương qua tài khoản: Còn nhiều bỡ ngỡ
Trong hai tuần đầu của tháng 1-2008, các ngân hàng (NH) bị "giội bom" bởi các cơ quan nhà nước đổ xô đi ký hợp đồng trả lương qua tài khoản. Trong khi đó người nhận lương vẫn còn... bỡ ngỡ.
Nhận lương qua tài khoản: Còn nhiều bỡ ngỡ ảnh 1
Hai công nhân của Công ty Pung Kook Saigon rút tiền từ máy ATM tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM chiều 14/1 - Ảnh: T.T.D.

Với nhiều NH, nhận được nhiều hợp đồng thanh toán lương qua thẻ từ các cơ quan nhà nước mà như "mếu" vì biết cầm chắc lỗ. "Chúng tôi phân họ thành hai hệ khách hàng, một hệ có chút... thịt, một hệ toàn... xương" - đại diện một NH chia sẻ.

Người thích, kẻ không

Chị Nguyễn Minh Thùy - giáo viên Trường mầm non 24B (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - cho biết nhà trường đã có thông báo sẽ chuyển lương qua tài khoản thẻ của NH Đông Á (DongA Bank).

Theo chị Thùy, nhận lương qua thẻ sẽ tốt hơn vì lương được chuyển vào tài khoản, khi có nhu cầu sử dụng mới rút để tiêu xài. Mặt khác, lâu nay lương được trả trực tiếp bằng tiền mặt nên chị và các đồng nghiệp ít khi đến NH.

"Đây là dịp để những người còn bỡ ngỡ làm quen với dịch vụ NH" - chị Thùy nói.

Tuy nhiên, theo chị Thanh Tâm - hiện công tác tại một doanh nghiệp nhà nước, lâu nay lương được chi trả bằng tiền mặt nên hằng tháng cứ đến ngày nhận lương (thông thường được công ty trả trong tuần đầu hằng tháng) là xem như tiền ở trong... túi.

Thế nhưng, khi lương được chuyển vào tài khoản thì phải mất khoảng 1-3 ngày sau mới có tiền mặt trong tay. Thành ra, với chị Tâm, khi có nhu cầu chi tiêu ngay sau ngày công ty phát lương quả thật rất bất tiện cho những người nhận lương qua thẻ.

Theo một lãnh đạo của Kho bạc Nhà nước TP.HCM, về mặt nguyên tắc, tài khoản trả lương cho cán bộ công chức tại các NH do các đơn vị chi trả lương mở là một tài khoản không có số dư.

ATM… hết tiền

Các NH đẩy mạnh việc lắp đặt máy ATM nhưng bộ phận "hậu cần" chưa thể phát triển theo kịp.

Rất nhiều chủ thẻ phải thường xuyên chạy lòng vòng tìm máy nào còn tiền để rút chỉ vì các NH không kịp "tiếp tế". 

Trong ngày 14-1, nhiều chủ thẻ tại TP.HCM bức xúc khi hàng loạt máy ATM của NH Công thương VN (Incombank) đồng loạt bị tê liệt khiến họ chẳng thể rút được tiền từ sáng sớm cho đến 11g.

Như máy đặt gần ngã năm Bình Hòa (đường Nơ Trang Long), máy đặt trước Bưu điện Bình Thạnh (đường Phan Đăng Lưu), máy đặt trước Bệnh viện Bình Thạnh (đường Đinh Tiên Hoàng), máy đặt gần Đài truyền hình TP.HCM (đường Nguyễn Thị Minh Khai)... đều phát tín hiệu "không có tiền".

Khách hàng Nguyễn Tiến Dũng, trú tại quận Bình Thạnh, cho biết: "Máy của Incombank thường xuyên xảy ra tình trạng này. Thường nếu không rút được tiền tại máy đặt gần ngã năm Bình Hòa hay trước Bưu điện Bình Thạnh, tôi đến trước Bệnh viện Bình Thạnh thì có, nhưng sáng 14-1 đi cả ba nơi rồi mà vẫn... trắng tay".

Chiều 14-1, ông Võ Minh Tuấn - phó giám đốc Sở giao dịch 2 Incombank - thừa nhận có một số máy ATM bị hết tiền vào buổi sáng.

"Thường chúng tôi theo dõi trên hệ thống sẽ biết máy nào sắp cạn tiền để đi tiếp quĩ. Nhưng vì đội tiếp quĩ này phải đi nhiều điểm đặt máy trên cùng một tuyến đường nên đôi khi khiến khách hàng phải chờ đợi" - ông Tuấn nói.

Điều này có nghĩa ngay trong ngày nhận được gói tiền lương từ kho bạc chuyển về, các đơn vị lập tức phải ký lệnh chi trả để các NH phân về tài khoản riêng của từng cán bộ công chức theo đúng kế hoạch chi trả lương trước đây của các đơn vị.

NH cũng… rối

Sau khi NH Nhà nước công khai danh sách 10 NH có năng lực cung ứng dịch vụ chi trả lương qua tài khoản cao nhất dựa trên số máy ATM được lắp đặt trên toàn quốc, đây được xem là một lời khuyến cáo nên sử dụng dịch vụ của các NH này từ cơ quan quản lý cao nhất của ngành.

Tuy nhiên, các NH nằm trong danh sách "vàng" này lại đang than khổ vì bỗng dưng có quá nhiều khách hàng.

"Với việc kinh doanh thẻ, chúng tôi xem số dư trong tài khoản thẻ là tiền gửi không kỳ hạn và chủ yếu nhờ vào đó để nuôi dịch vụ này.

Nhưng có những đơn vị nhà nước ấn định lương cơ bản rất thấp, nếu chỉ có khoản tiền này được chi trả qua thẻ, sau đó lại bị các chủ thẻ rút hết thì xem như chúng tôi đi phục vụ không công vì đã miễn gần hết các loại phí cho họ” - lãnh đạo một NH phân tích.

Chính vì vậy, những đơn vị nhà nước được xem là có thu nhập cao hơn so với các đơn vị khác như hải quan, thuế... trở thành đối tượng của cuộc "giành giật" giữa các NH.

Trong khi đó, một số đơn vị hành chính được xem là khá "xương xẩu", các NH biết trước số tiền thanh toán qua thẻ sẽ chẳng bao nhiêu nên trước đó họ không buồn gửi thư chào mời mở thẻ.

Chưa quen mua sắm bằng thẻ    

Cùng với việc phát triển hệ thống ATM, các NH cũng chạy đua lắp đặt máy cà thẻ ở các điểm mua sắm, nhà hàng, khách sạn... Tuy nhiên, mặc dù số điểm chấp nhận thẻ (POS) đã tăng rất nhanh trong thời gian qua, doanh số thanh toán qua hệ thống này vẫn rất ì ạch.

Số liệu của Vietcombank TP.HCM cho thấy trong năm qua doanh số rút tiền từ máy ATM lên đến 1.000 tỉ đồng/tháng, trong khi doanh số thanh toán qua các điểm chấp nhận thẻ chỉ khoảng 5 tỉ đồng/tháng.

Một trong những lý do khiến đa số người tiêu dùng không mặn mà với việc dùng thẻ trong thanh toán hằng ngày là các điểm lắp đặt máy POS không đồng đều, nơi có nơi không.

Điều này dẫn đến tâm lý của nhiều người cho rằng yên tâm nhất khi đi ra ngoài đường vẫn là có ví tiền (mặt) trong túi.

Theo N.Hằng - V. Nguyễn
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG