Nhận diện 'át chủ bài' của Không quân Nga

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160.
Cho đến nay, máy bay ném bom chiến lược Tu-160 vẫn giữ ngôi vị là dòng oanh tạc cơ siêu thanh lớn nhất với tầm bay xa nhất. Tu-160 tuy mang theo tới 30 tấn bom, 130 tấn nhiên liệu nhưng vẫn có thể bay đạt vận tốc tối đa là 2.200km/giờ.

Lực lượng Không quân Liên bang Nga vừa long trọng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Binh chủng máy bay chiến đấu tầm xa (23/12/1914 - 23/12/2014), tôn vinh những chiến công hiển hách trong 2 cuộc Thế chiến. Đồng thời đề cao vai trò của đội ngũ máy bay ném bom chiến lược giữa bối cảnh đang tồn tại nhiều nguy cơ tiềm ẩn, thách thức đến lợi ích và chủ quyền của đất nước.

Kiểu phi cơ ném bom đường dài, thuộc biên chế lực lượng không quân chiến lược phổ biến hiện nay là Tu-160, do Tổng công trình sư nổi tiếng người Nga Andrei Nikolayevich Tupolev (1888-1972) trực tiếp thiết kế và tham gia chế tạo. Mỗi chiếc Tu-160 có chiều cao là 13,1m, chiều dài 54,1m cùng sải cánh rộng 55,7m, trang bị 4 động cơ tuabin phản lực 2 lớp NK-321 cực mạnh, được mệnh danh là "White Swan" (Thiên nga trắng).

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Tu-160 được tiến hành vào ngày 19/12/1981, trùng với dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev. Hai tuần lễ sau, những chiếc Thiên nga trắng hoàn hảo đã được bàn giao cho Không quân Xôviết.

Nhận diện 'át chủ bài' của Không quân Nga ảnh 1 Tổng thống Nga Vladimir Putin trên buồng lái Tu-160.
Tu-160 có điểm khác biệt nữa là thay vì các tay lái dạng vô lăng như thường thấy trong kỹ nghệ hàng không, lại là những chiếc cần gạt điều khiển ngắn và tiện lợi y như với các thiết bị gia dụng, giúp phi công cảm thấy thoải mái không bị gò bó dù ở bất cứ tư thế nào trên độ cao 15.000m.

Ngoài gian bếp với thức ăn luôn được hâm nóng, phi hành đoàn của Thiên nga trắng gồm 4 người là phi công chính, phi công phụ, pháo thủ và kỹ sư điều hành hệ thống phòng thủ, còn có thể sử dụng nhà tắm rộng rãi bất kỳ lúc nào. Đây là thứ tiện nghi duy nhất mà không một chiếc máy bay dân dụng hay quân sự nào có được, đáp ứng nhu cầu cá nhân cần thiết của những người chuyên thực hiện các chuyến bay đường dài vòng quanh thế giới.

Nhận diện 'át chủ bài' của Không quân Nga ảnh 2 Tên lửa KH-55MS chuẩn bị gắn lên cánh Thiên nga trắng.
Cho đến nay, Tu-160 vẫn giữ ngôi vị là dòng phi cơ chiến đấu siêu thanh lớn nhất với tầm bay xa nhất. Thiên nga trắng tuy mang theo tới 30 tấn bom, 130 tấn nhiên liệu nhưng vẫn có thể bay đạt vận tốc tối đa là 2.200km/giờ, trong khi tốc độ âm thanh là 1.235km/giờ. Đồng thời Tu-160 có thể bay liên tục trong suốt 14 tiếng đồng hồ liền, tương đương quãng đường dài kỷ lục là 30.800km mà không cần tiếp thêm nhiên liệu.

Trong 2 năm 1989 - 1990, Thiên nga trắng đã lần lượt lập được 44 kỷ lục thế giới khác nhau về tốc độ, độ cao, tải trọng, tầm bay xa... vượt trội hơn hẳn so với các kiểu máy bay ném bom đường dài cùng loại.

Nhận diện 'át chủ bài' của Không quân Nga ảnh 3 Kiểu phi cơ chiến lược Tu-160 luôn là tâm điểm của du khách trong các cuộc triển lãm hàng không.
Ngoài biệt danh phổ biến “Thiên nga trắng”, Tu-160 thường được giới phi công chiến lược Xôviết trước đây và Nga hiện nay gọi là "Giraffe" (Hươu cao cổ). Còn giới chuyên gia quân sự của Tổ chức Hiệp ước Phòng thủ Bắc Đại Tây dương (NATO) lại đặt biệt hiệu là "Blackjack" (Roi gân bò) thể hiện tính năng lợi hại của loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa này.

Không quân Nga hiện đang sử dụng 16 chiếc Tu-160. Bộ Quốc phòng Nga đã lên kế hoạch sản xuất, bổ sung thêm 10 chiếc Tu-160M đời mới với hệ thống điện tử cải tiến, đồng thời tăng gấp đôi hiệu quả chiến đấu cho binh chủng máy bay chiến lược trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhằm củng cố sức mạnh quân sự của nước Nga.

Theo Trần Quang Long

Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.