Nhận chân tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
TP - 20 là số lần hai cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhận “lót tay” với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng, từ một dự án đầu tư xây dựng bệnh viện. Đó là vài con số do chính hai bị cáo này khai nhận tại phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” ở dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang diễn ra tại Hà Nội.

Lời khai của hai cựu lãnh đạo khiến mọi người không khỏi choáng, bởi mới chỉ một dự án và cũng mới chỉ với hai vị quan chức mà số tiền hối lộ đã ở mức khủng. Nếu tính đúng tính đủ, “phí bôi trơn” trong suốt quá trình thực hiện dự án kể trên chắc hẳn còn kinh khủng hơn nhiều. Con số đó cũng đồng nghĩa với việc công trình bị rút ruột, ngân sách bị thất thoát và rất nhiều hệ quả kéo theo sau đó.

Việc đưa và nhận hối lộ kể trên diễn ra trong nhiều năm, ở nhiều địa điểm, trong đó không ít lần ở ngay tại phòng làm việc của cả hai vị quan chức đầu tỉnh. Điều đó cho thấy, việc nhận hối lộ của các cựu quan chức đầu tỉnh này diễn ra thường xuyên, có hệ thống và không có giới hạn hay điều cấm kị.

Không chỉ tại Đồng Nai, thời gian qua, hàng loạt các vụ việc đưa và nhận hối lộ có liên quan người đứng đầu một tỉnh, cơ quan diễn ra ở rất nhiều địa phương, bộ ngành trong cả nước đã bị phơi lộ. Có những vụ việc vừa mới diễn ra, cũng có những vụ việc diễn ra từ nhiều năm trước, đến giờ mới được phát hiện xử lý, nhưng đều giống nhau ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ở hành vi, số tiền sai phạm mà còn bởi hậu quả của nó để lại.

Khi những người đứng đầu một bộ máy địa phương đã chủ động “bày trận” để tham nhũng thì bằng cách nào đó họ cũng tạo ra một ê kíp tham nhũng ngay trong chính bộ máy do mình lãnh đạo. Các thuộc cấp sẽ nhìn vào lãnh đạo của mình để “noi gương” hoặc nương theo. Từ đó, nếu không có điều kiện tham nhũng lớn thì họ sẽ tìm cách tham nhũng vặt bằng việc giăng bẫy và dựng lên những trở ngại để trục lợi từ người dân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người dân muốn tham gia vào hoạt động kinh tế, xã hội nào thì chắc chắn cũng phải buộc lòng lo lót cho cả “trận” đã được bày ra. Do đó, hành vi tiếp tay tham nhũng luôn có bao che cho nhau. Những công bộc liêm chính, không chịu “bán mình cho quỷ”, thường sẽ chịu những “tai bay vạ gió” khó lường.

Tham nhũng đã gây ra rất nhiều hệ lụy, không chỉ khiến các nguồn lực bị cạn kiệt vì thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích, mà còn trì hoãn, kéo lùi sự phát triển của đất nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị và bộ máy công quyền. Tham nhũng cũng gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng và vụ Kit test Việt Á là ví dụ điển hình. Hàng loạt bệnh viện đang điêu đứng vì thiếu thuốc men, sinh phẩm, vật tư y tế khám chữa bệnh nhưng không thể mua bởi cơ chế đấu thầu bị “siết” sau vụ Việt Á được phanh phui.

Suốt 10 năm qua, dưới ngọn cờ đấu tranh chống tham nhũng do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, rất nhiều vụ tham nhũng cũng như quan tham được phát hiện và xử lý. Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn đang tiếp diễn và ngày càng quyết liệt. Nhân dân hằng tin và mãi tin vào những quyết sách của Đảng.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.