Nhạc tre đi... Tây

Chất hoang dã tự nhiên của các giai điệu Tây Nguyên đầy sức cuốn hút
Chất hoang dã tự nhiên của các giai điệu Tây Nguyên đầy sức cuốn hút
TP - Mỗi lần nghe dàn nhạc cụ truyền thống toàn các loại đàn sáo chiêng cồng làm bằng tre nứa tấu lên, âm thanh ấm áp tươi giòn chất mộc-thủy-hỏa-thổ vừa nồng nàn vừa tinh tế, cùng tiếng hát đại ngàn vút cao lồng lộng, ai cũng cảm nhận được tình yêu cuộc sống của người Tây Nguyên luôn rừng rực dâng trào, nồng cháy, say mê...

Nhạc cụ độc lạ: Ðàn mõ tre

Bình thản suốt mùa chống dịch COVID-19, những ngày này nghệ sĩ Nguyễn Trường loay hoay đục đẽo trong góc xưởng ngổn ngang tre nứa. Việc chỉnh âm cho những chiếc violin ghép bằng tre và chùm đàn mõ giòn tan lốc cốc giúp đoạn phố vắng trở nên tươi vui, rộn rã.

Nhạc tre đi... Tây ảnh 1 Chiếc mõ bò dân gian có cấu trúc hoàn hảo, tự thân vang
Từng là nhạc công Đoàn Ca múa Đắk Lắk, giảng viên chuyên ngành Violin, Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk liên tục hơn 37 năm, Nguyễn Trường thà chịu đói cơm chứ không sống ngày nào thiếu âm nhạc. Sau khi về hưu năm 2018, một chiều ông dạo bộ theo đường Y Moan, nơi vương đầy dấu tích hoài niệm của cố ca sĩ tài danh dẫn vào buôn Dhă Prong. Dừng chân bên sườn đồi vang vọng tiếng mõ tre, Nguyễn Trường bất ngờ, ngây ngất nhận ra K’kong Emo (tiếng Ê đê, là chiếc mõ tre treo ở cổ bò) chính là nguồn âm thanh nguyên sơ vô cùng hấp dẫn, có thể làm giàu thêm kho tàng nhạc cụ tre nứa.

Ông vào các buôn làng gần xa, kỳ công xin đổi quà lấy chiếc mõ tre. Sưu tầm hàng chục chiếc K’kong Emo đem về treo lên, nghiên cứu tỉ mỉ. Nguyễn Trường kinh ngạc, thán phục sự tài tình, độc đáo của những nghệ nhân dân gian trong việc biến đốt tre câm lặng thành chiếc mõ đẹp mắt, tự thân vang. Do tiếng K’Kong Emo chưa chuẩn theo thanh mẫu (diapason), Nguyễn Trường tìm nguyên liệu từ những bờ rào tre già, chọn cưa lấy các ống tre có độ dày, lớn, ngắn dài khác nhau. Ông đẽo gọt, lắp ráp rồi vi chỉnh từng tí để cột hơi của ống tre và 2 thanh lá đồng âm. Kết quả, ông đã tạo ra chuỗi đàn mõ giàu nhạc tính, âm thanh vang, to, sáng, rõ chất mộc không lẫn vào bất kỳ một nhạc cụ tre nứa nào trong các dàn nhạc truyền thống Tây Nguyên. Nguyễn Trường tiết lộ tới nay ông đã chế tác xong 80% chuỗi đàn mõ khoảng 15 chiếc, diễn tấu được những bản nhạc chơi tông Đô trưởng hoặc La thứ. Muốn sử dụng cho các tông khác thì thêm vài ống đàn phát ra các nốt thăng, giáng v.v...

Nhạc tre đi... Tây ảnh 2 Nghệ sĩ Nguyễn Trường biểu diễn Violin tre
Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân nguyên Trưởng đoàn Ca múa Đắk Lắk, người được giới chế tác nhạc cụ Tây Nguyên tôn là “sư phụ” đánh giá cao công trình sáng tạo ra cây đàn mõ của nhạc sỹ Nguyễn Trường. Ông phân tích: Đây đúng là loại nhạc cụ hoàn toàn mới, mà vẫn giữ nguyên được các phẩm chất độc đáo của chiếc mõ bò nguyên thủy. Chỉ cần mở rộng âm vực lên cỡ 2 bát độ, chuỗi đàn mõ độc lạ này rất phù hợp để diễn tấu các giai điệu Tây Nguyên một cách hoàn hảo.

Ngoài đàn mõ, Nguyễn Trường còn chế tạo thành công Violin bằng tre, đặt tên là VioKram (Kram là tre, tiếng Ê đê). Hình dáng khác hẳn, nhưng thanh âm so kè gần tương đương. Tiếng Viokram cũng mộc ấm, bổ sung được tiếng ngân rung dìu dặt của loại đàn dây cho những dàn nhạc Tây Nguyên đậm chất đại ngàn. Giới chuyên môn dự kiến 2 loại nhạc cụ độc lạ Đàn mõ bò và VioKram khi chính thức được trình làng sau mùa dịch COVID-19, chắc chắn công chúng sẽ vô cùng thích thú, muốn chơi.

Mang tre đi gõ xứ người

Mấy năm trở lại đây, Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk vài lần được mời đại diện khu vực miền Trung-Tây Nguyên trình diễn trong các liên hoan nghệ thuật đình đám, như Festival Huế lần thứ X đầu tháng 5/2018, Liên hoan âm nhạc ASEAN-2019 tại Hải Phòng tháng 5/2019...Tuy nhiên cơ hội để các nghệ sĩ rừng núi thi thố không nhiều.

Ngoài thời gian phục vụ các sự kiện chính trị, những diễn viên chật vật gánh nặng mưu sinh phải tự cứu mình bằng việc chạy sô đám cưới, hoặc tụ điểm “Hát cho nhau nghe”, mà cát sê tỉnh lẻ thì rẻ bèo đến... phát tủi. Trước thời chống dịch, Đoàn còn được tỉnh đặt hàng phục vụ hoạt động Du lịch mỗi tháng vài buổi, nay thì ai nấy treo niêu, bấm bụng chờ... ngày mai tươi sáng.

Ngồi buồn, nhiều người tiếc nhớ thời vàng son Đoàn được mang dàn nhạc cụ “tranh tre nứa lá” đi lưu diễn khắp trong ngoài nước. Năm 1983-1985, các nghệ sĩ Vũ Lân, Nguyễn Trường nảy ra sáng kiến lập tổ KPVAT- Tên viết tắt của cụm từ “Khai thác-Phát triển vốn Âm nhạc truyền thống”- do nhạc sĩ Niê Sơn làm tổ trưởng, chuyên nghiên cứu và chế tác nhạc cụ tre nứa. Niê Sơn khi đó đã là cha đẻ của đàn vỗ Đing Pah, còn Vũ Lân - Biên đạo múa đa tài cũng phù phép ngoạn mục những mảnh tre gõ thành dàn Đing Ching Kram (chiêng tre), loại nhạc cụ càng về sau càng phổ biến trong giới trẻ. Vũ Lân còn nghiên cứu ra cây sáo vỗ không lỗ nổi tiếng, đến đâu mang ra thổi cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Sáo vỗ chính là sáng tạo xuất sắc nhất gắn liền với tên tuổi Vũ Lân. Khi đó, Nguyễn Trường tha hồ ngồi chế tác nhạc cụ tre nứa cho Đoàn, còn nhạc công Trương Ân chuyên làm nhạc cụ để ... bán.

Mỗi lần Đoàn lên sân khấu đều khiêng theo bộ nhạc cụ tre nứa lủng củng các loại T’rưng, đàn Goong, Đing K’tut, K’ny, Cing Kram, Đinh Puôt, Đing Năm, ống Tiêu, Sáo Vỗ... Nguyên sơ nhất có lẽ là chiếc đàn Goong. Ống đàn làm bằng thân tre bịt kín 2 đầu, có rãnh thoát âm phía trên. 6 dây đàn chuốt bằng cật tre, âm thanh trầm đục. Còn Đing K'tut là ống tiêu làm bằng loại nứa thân nhỏ mọc trên vùng núi đá. Dàn Đing K'tut thường có 6 ống nứa mỏng và cứng, mỗi người thổi vào một miệng ống, tiếng ngân rung phát ra từ cột hơi rất mềm mại, mượt mà. Khi dùng trong lễ Bỏ mả hoặc đám tang, ống phát ra thanh Rê trong dàn Đing K’tuk sẽ được cất đi, chỉ còn 5 người thổi.

NSƯT Vũ Lân kể: Đoàn được đi nhiều, đi xa vào những năm 1995-2000. Sau lần chiến thắng vang dội trong Hội diễn nghệ thuật toàn quốc năm 1995, 9 tài năng nổi trội của Đoàn lần lượt được cử đi dự liên hoan Xylophone quốc tế tại Thái Lan, rồi sang Cộng hòa Madagascar biểu diễn nhạc tre bên bờ biển đông nam châu Phi. Tiếp tới đoàn dự Festival âm nhạc của khối cộng đồng Pháp ngữ tại Paris. Đi tới đâu, chất giông bão bùng nổ từ dàn nhạc tre nứa mộc mạc và cây sáo vỗ đơn sơ đều khiến khán thính giả Âu-Phi phát cuồng.

 “Trong chuyến lưu diễn kéo dài tới 1 tháng 11 ngày lúc đó, ấn tượng nhất đối với Đoàn là sự trân trọng nghệ thuật đến mức chúng tôi không tưởng tượng nổi ở Wallonie Brussel - nhà hát Bỉ đặt tại Paris” - NSƯT Vũ Lân kể. “Sau khi xem nhóm nghệ sĩ Việt Nam tập 3 ngày, họ đã thiết kế sân khấu tinh tế đến tuyệt vời. Trên phông nền nhung đen, âm thanh cực chuẩn và ánh sáng ven tuyệt đẹp, các nghệ sĩ tre nứa bỗng thấy đây đúng là thánh đường của âm nhạc đỉnh cao. Còn cá nhân mình, cả đời nghệ thuật đây là dịp lên sân khấu hạnh phúc nhất!”.

Nhạc tre đi... Tây ảnh 3 Phụ nữ Ê Đê thổi Đinh K’tuk theo nghi lễ Bỏ mả

Đầu xuân mới đây, đến Làng Cù Lần thơ mộng đẹp đẽ ở huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng, nghe những ca khúc yêu rừng quyến rũ của nhạc sĩ Văn Tuấn Anh được phát lồng lộng giữa ngàn thông xanh thắm, tôi bỗng ước giá như nền nhạc hòa âm cho chiếc đĩa VCD được đầu tư công phu này được thực hiện bởi dàn nhạc tre nứa lừng danh năm xưa của Đoàn Ca múa Đắk Lắk. Gợi ý đôi bên, chàng “nhạc sĩ Cù Lần” cũng tỏ ra vô cùng thú vị, còn NSƯT Vũ Lân hào hứng cho biết ông dù tuổi đã gần 75, vẫn mong sớm có cuộc hội tụ đầy say mê, “hoàn toàn khả thi” như thế.  

MỚI - NÓNG