Nhạc sỹ Vũ Hoàng dành phần lớn cuộc đời sáng tác của mình cho người trẻ, cho phong trào thanh niên. Ông tiết lộ: “Nếu nói về các ca khúc dành cho phong trào thanh niên mà tôi đã từng sáng tác, có lẽ phải bắt đầu từ bài hát đầu tay “Gửi lại em” năm 1978 - viết về thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự phục vụ cho chiến trường biên giới Tây Nam. Sau đó một năm là bài “Hương tràm”- viết về các bạn thanh niên xung phong, rồi đến “Mùa hè xanh”, “Khát vọng tuổi trẻ”, “Dấu chân tình nguyện”, “Hành khúc sinh viên Việt Nam”, “Mùa hè tình nguyện”, “Ký ức mùa hè xanh”, “Giai điệu Trường Sơn”, “Dấu ấn thanh niên tình nguyện”…
Những sáng tác về phong trào thanh niên của Vũ Hoàng thành công bởi chúng không khô khan, không hô khẩu hiệu suông mà thấm đẫm cảm xúc của tác giả. Ông không viết bằng tưởng tượng mà bằng thực tế. Năm 1997, Hội Âm Nhạc TPHCM giới thiệu Vũ Hoàng về tham gia sinh hoạt tại Thành Đoàn TPHCM. Dạo ấy, Thành Đoàn thường xuyên có nhiều hoạt động và phong trào sôi nổi: “Chính nhờ những lần cùng các bạn sinh viên tham gia chiến dịch tình nguyện, đã giúp tôi có nhiều chất liệu, cảm xúc để viết nên các ca khúc trải dài theo từng giai đoạn phát triển của các chiến dịch nói riêng và của Thành Đoàn nói chung. Sáng tác về Đoàn, Hội nếu gọi là áp lực thì không đúng, mà nếu không có cũng không phải, chỉ là khó sáng tác nếu như không cùng đi thực tế với các bạn, không cùng ăn, cùng ở, cùng lao động. Không có được những ký ức đó thì khó mà chuyển tải được tình cảm vào bài hát”, nhạc sỹ Vũ Hoàng nói.
Với Vũ Hoàng, không có một sáng tác nào mà không cần thời gian thai nghén. Nhưng có lẽ nhạc phẩm nổi tiếng “Mùa hè xanh” khiến ông lao tâm khổ tứ hơn cả. Trải nghiệm chiến dịch đầu tiên bắt đầu phong trào Mùa hè xanh năm 1997, để lại cho ông ấn tượng khó phai: “Cái gì lần đầu tiên cũng tạo cho chúng ta những cảm xúc rất đặc biệt. Tôi cũng thế. Đó là khoảng thời gian tôi và các bạn sinh viên cùng nhau cả tháng rong ruổi, lúc ở Củ Chi, khi về Bình Chánh rồi lại Cần Giờ… Cả tháng ròng, tận mắt mình nhìn thấy rất nhiều hình ảnh lao động rất đẹp, rất trẻ của các bạn, đã hình thành trong tôi thôi thúc phải sáng tác bài hát mang tên chính phong trào này”, Vũ Hoàng kể. Song để trình làng ca khúc “Mùa hè xanh”, nhạc sỹ mất không ít thời gian, tâm sức: “Cũng phải trải qua đến cả năm, biết bao nhiêu bản thảo tôi viết xong lại không hài lòng vò vứt đi. Đến tầm tháng 6/1998, tôi mới hài lòng với “Mùa hè xanh” và hát thử cho các anh bên Thành Đoàn nghe. Lúc ấy, các anh còn hỏi tôi, sao trong bài hát chỉ đề cập mỗi chuyện dạy học, trong khi chiến dịch còn làm tuyên truyền dân số kế hoạch hóa gia đình, làm nhà và nhiều thứ khác. Nhưng khó có thể “bê” tất cả thực tế vào trong một bài hát. Họ gợi ý tôi cứ để sinh viên hát thử, nếu có gì muốn góp ý, các bạn sẽ gửi về cho tôi chỉnh sửa, nhưng tôi hầu như không nhận được góp ý gì và bài hát vẫn giữ nguyên bản gốc ban đầu: “Tựa đàn chim tung bay trên những nhịp cầu tre/Mùa hè xanh xôn xao bước chân ta về/Đường làng quê tiếng ve như gọi mời say mê/Ngoài bờ đê có con trâu già ngủ mê…”.
Trở lại với ca khúc “Khát vọng tuổi trẻ”, khi thiên tai, dịch bệnh hoành hành như thời gian qua, lời ca trong “Khát vọng tuổi trẻ” vang lên tha thiết hơn bao giờ. Trên trang cá nhân, ca sỹ Thủy Tiên đã trích lời ca của Vũ Hoàng để kêu gọi người trẻ cùng chung tay bảo vệ đất nước trước đại dịch COVID: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Vũ Hoàng bật mí chuyện bếp núc trong sáng tác: “Để viết được “Khát vọng tuổi trẻ” tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm chất liệu. Và trong số tư liệu ấy, tôi đã đọc được bài “Trích lời phát biểu của Bác tại buổi khai mạc Trường Đại học Nhân Dân Việt Nam” (19/1/1955). Nguyên văn lời Bác như sau: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào”. Tôi đã cố gắng rút gọn nhưng vẫn giữ nguyên được ý tứ trong câu của Bác để viết nên ca khúc”.
Sở hữu gia tài ca khúc phong phú, song Vũ Hoàng không phân biệt đối xử, ca khúc nào ông cũng “cưng” như nhau. Sự đón nhận của khán giả với những “đứa con tinh thần” luôn làm ông xúc động: “Đối với tôi, dù cho có nhiều ca khúc hay chỉ một ca khúc của tôi được mọi người yêu thích là điều tôi hạnh phúc và tri ân nhất”, Vũ Hoàng trải lòng.
Nhạc sỹ Vũ Hoàng sinh năm 1956, tại Biên Hòa, Đồng Nai. Ông là một nhà giáo, một nhà báo, đã nghỉ hưu nhiều năm. Các con của Vũ Hoàng đều có công việc ổn định nhưng chưa có duyên với nghiệp cầm ca, sáng tác, song nhạc sỹ hi vọng, mối duyên với âm nhạc “có thể sẽ di truyền cho đời cháu của tôi không chừng”.