Nhạc sĩ Trần Tiến: Tôi suốt đời vẫn học tiếng Việt

Nhạc sĩ Trần Tiến: Tôi suốt đời vẫn học tiếng Việt
Trần Tiến cho đến nay vẫn là một tác giả có ca từ đa dạng nhất. "Suốt đời tôi chỉ sáng tác bằng tiếng Việt thôi, chứ tiếng Anh thì... tôi không thích", anh nói.

Cũng chính vì “ôm đồm” quá nhiều đề tài “phi tình yêu” mà anh đã trở thành một trong những nhạc sĩ được yêu thích nhất, nhưng cũng gặp nhiều phen lao đao nhất.

Anh nói gì về vai trò của ca từ trong ca khúc?

Ca từ là 50% của ca khúc, nhưng đôi khi nó là 60 - 70% của ca khúc, nhất là với âm nhạc của thế giới hiện nay thì nó chiếm rất cao bởi lượng thông tin. Và tính giai điệu ngày nay phải nhường chỗ cho hòa âm, nhịp điệu, tiết tấu và lời ca. Vì vậy ca từ hiện đại cực kỳ quan trọng.

Những khó khăn mà anh thường gặp phải khi làm ca từ tiếng Việt?

Tôi chưa bao giờ gặp phải khó khăn gì về ca từ cả. Vì ngày xưa, tôi học Văn rất giỏi, đã viết thơ và viết truyện. Lẽ ra tôi làm nhà văn nhà thơ đấy, nhưng tôi thấy mình không thể vượt khỏi những nhà văn nhà thơ hiện đại. Nhưng lời văn lời thơ mà hát lên thì họ thua mình, thế tôi mới đi sang âm nhạc, nhạc có lời.

Hình như nhạc sĩ cũng phải trải qua một quá trình thích nghi với ngôn ngữ VN để làm lời?

Suốt đời đấy! Phải suốt đời đi học tiếng Việt. Đi sang London ấy, đài BBC hỏi tôi có biết nói tiếng Anh không. Thì tôi bảo thế ông mời tôi đến đây làm gì, mời tôi phỏng vấn hay là mời tôi nói tiếng Anh. Tôi đang học tiếng Việt ông ạ. Họ tái mặt, và tay Trưởng ban Việt ngữ đài BBC bị kỷ luật, mất chức luôn(!)

Trong số các nhạc sĩ  viết ca từ bằng tiếng Việt từ xưa đến nay, anh có đặc biệt thích ai hoặc cảm thấy ca từ của ai là một cái gì đó mẫu mực? Vì sao?

Đấy, mẫu mực là Trịnh Công Sơn (TCS), Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý… Đơn giản vì những ca từ đó nghe là muốn hát ngay, hát lên thì không có bài thơ nào bằng những bài thơ đó.

Anh thỉnh thoảng cũng rất hiện thực trong ca từ, anh đã từng xông vào những đề tài chưa ai viết ở VN...

Đấy cũng là một cách của tôi. Ngày xưa, tôi viết bài hát thì anh TCS đã là một ngọn núi rất cao, chắn đường vào Nam của tôi. Mỗi lần tôi sáng tác, tôi để bài của anh TCS một bên, một tờ giấy trắng của tôi một bên, và tôi viết ngược lại TCS. Sơn càng mù mờ thì tôi càng hiện thực. Sơn càng cô đơn, càng thân phận, thì tôi càng đám đông...

Với cái cách đặt lời “thời sự” như của anh, anh từng gặp những phiền toái ngoài nghệ thuật?

Toàn gặp phiền toái. Suốt mười năm liền. Cứ lên hát một cái là người ta rút micro ra, không xuất bản, không phát thanh truyền hình. Cả một thời mà. Thời Trần Tiến gọi là “thủ lĩnh ngoài vòng pháp luật” mà.

Năm 79 - 82 là thời kỳ của Điệp khúc tình yêu, Mùa xuân gọi, Giai điệu Tổ quốc này, Vết chân tròn trên cát, Thành phố trẻ… - những bài mà sau này nổi tiếng là viết từ hồi đó.

Mọi người cứ hát thôi chứ còn cứ lên hội diễn một cái là bị đuổi đi. Nhưng tôi nhờ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cứu thoát đấy chứ. Ông Nguyễn Văn Linh bảo là cái lời hay quá, bài Đồng hồ ấy.

Ông Nguyễn Văn Linh bảo là phải vào ngay Sài Gòn giải thoát Trần Tiến, vì Trần Tiến không kích động bạo loạn mà kích động lòng yêu nước. Lúc ấy, bác ấy viết NVL ở một góc tờ báo, Trần Tiến bắt đầu “nói và làm” luôn, nói và hát luôn.

Trần Tiến bắt đầu phát động phong trào xuống đường, rock vì dân chủ. Lúc đó, Trần Văn Thủy làm một phim rồi, sau đó mới làm Chuyện tử tế, Lưu Quang Vũ thì viết Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Thanh Thảo thì làm thơ…

Anh chính là một con người của thời cuộc đấy nhỉ?

Không, tôi vốn không phải là người của thời cuộc. Người dân nghĩ gì thì tôi cố nói giùm họ. Tôi cố gắng làm điều gì mà mọi người nghĩ cùng với tôi. Tôi viết về những điều họ trải qua, nhưng tôi mong muốn họ bay lên khỏi cái vui buồn của thực tế để làm cái gì hay hơn, nhân văn hơn…

Sao anh không làm một album toàn nhạc “thời sự” để nhiều người được biết hơn?

Tôi sáng tác không phải để cho mọi người biết. Tôi sáng tác không phải để có tiền, để nổi tiếng. Tôi sáng tác vì tôi cần phải viết, trừ có những lúc đói quá phải đi viết thuê thì vẫn viết những bài hát rất là… lấy được tiền, dù cái anh giả tiền họ cũng tiếc.

Viết thì không đúng ý họ nhưng phải giả tiền vì hay quá. Viết một bài hát mà mọi người phải nghĩ đến một cái gì cụ thể, bài hát đó là bài hát tồi. Viết một bài hát để cho người ta khóc, bài hát đó là bài hát tồi. Viết một bài hát người ta cười sằng sặc bài hát cũng tồi luôn. Viết bài hát để cho người ta bay, bài hát đó mới là bài hát.

Trong khi các nước xung quanh bắt đầu dùng ca từ bằng tiếng Anh, anh có cho rằng nhạc Việt mình đến một lúc nào đó cần phải phát triển hội nhập thì sẽ phải đặt lời tiếng Anh?

Về mặt thương trường ấy, thì nên đặt tiếng Anh, còn tôi thì suốt đời chỉ tiếng Việt thôi. Vì tôi không thích thương trường. Vì tôi cũng không bán cho ai cả. Thì cần gì phải đặt tiếng Anh. Đơn giản.

MỚI - NÓNG