Nhà thơ Hoàng Cát - người viết thơ 'buồn đến phát khóc'

TPO - Nhà thơ Hoàng Cát là một trong những người bạn thân thiết, sau này trở thành anh em kết nghĩa với nhà thơ Xuân Diệu. Với đồng nghiệp, bạn thơ ông luôn là người vui vẻ, hào sảng và không bao giờ từ bỏ đam mê làm thơ. Tuy nhiên, trái ngược với vẻ ngoài, tính cách đó, thơ của ông luôn đượm buồn, thậm chí "buồn phát khóc".

Tay làm nem chạo, tay viết thơ

Nhà thơ Hoàng Cát là một trong những người bạn thân thiết, sau này trở thành anh em kết nghĩa với nhà thơ Xuân Diệu. Ông sinh năm 1942 tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Sau khi học xong Trung cấp Cơ điện Hà Nội, Hoàng Cát về làm công nhân tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Tại đây, ông bắt đầu viết văn, làm thơ.

Năm 1960, truyện ngắn Cây táo ông Lành của ông bị đưa vào danh sách nghi án văn chương do những suy diễn mang tính quy chụp. Các sáng tác của ông sau đó đều không được đăng tải.

Nhà thơ Hoàng Cát - người viết thơ 'buồn đến phát khóc' ảnh 1

Nhà thơ Hoàng Cát (trái) - một trong những người bạn thân thiết, sau này trở thành anh em kết nghĩa với nhà thơ Xuân Diệu.

Thời điểm đó, để trang trải cuộc sống, hai vợ chồng ông trải qua gần 20 nghề khác nhau. Hai vợ chồng ông không nề hà từ việc dán hộp đựng thuốc cho ngành dược, cuốn thuốc lá điếu rồi đi bỏ cho các quán nước, lúc lại rang đậu phộng, bán nước chè, phong thuốc lào đến làm bóng bì, làm nem chạo, bán kem mút, nuôi lợn...

Nhà thơ Vương Trọng - bạn cùng học lớp bồi dưỡng sáng tác của Hội nhà văn Việt Nam với nhà thơ Hoàng Cát - cho biết sau khoảng thời gian làm đủ nghề để kiếm sống, cuối cùng ông dừng chân với nghề làm nem chạo.

Nhà thơ Hoàng Cát - người viết thơ 'buồn đến phát khóc' ảnh 2
Truyện ngắn Cây táo ông Lànhkhiến nhà thơ Hoàng Cát bị treo bút trong thời gian khá dài.

"Nghề này đã nuôi sống gia đình ông trong nhiều năm. Những năm ấy, tôi nhiều lần đến thăm nhà, hình ảnh ông trên khoảnh sân nhỏ cùng cái nhíp nhổ lông lợn còn sót lại trên một mảnh bì nhỏ bên cạnh chiếc chân giả nằm chơ chỏng mãi đọng trong ký ức tôi", nhà thơ Vương Trọng nhớ lại.

Khó khăn là thế, nhưng Hoàng Cát chưa bao giờ từ bỏ đam mê làm thơ.

"Có lần Hoàng Cát nói đùa: Họ treo bút mình thì mình làm thơ không cần bút. Những bài thơ viết thời treo bút ấy của ông được tập hợp lại thành tập thơ Tháng giêng dai dẳng được ra mắt bạn đọc nhờ sự tài trợ của nem chạo và bóng bì", nhà thơ Vương Trọng kể.

Tập thơ mỏng, in xấu nhưng đọc xong ai cũng thấy ngậm ngùi, cảm thương cho một số phận.

Nghèo khó nhưng hạnh phúc

Năm 1965, Hoàng Cát tham gia chiến trường Thừa Thiên - Huế, sau đó bị thương phải mang chân giả. Sau năm 1971, ông xuất ngũ về Hà Nội, tiếp tục sáng tác. Nghi án văn chương của ông khi này mới được xóa bỏ. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994, xuất bản cả chục đầu sách.

Ông là tác giả của những tập thơ như Tháng giêng dai dẳng, Ngôi sao biếc, Mùa thu - tình yêu cuộc đời, Thì hãy sống, Cảm ơn vỉa hè, Thanh thản... và tập truyện ngắn Chuyện tình của Xin.

Nhà thơ Hoàng Cát - người viết thơ 'buồn đến phát khóc' ảnh 3
Tập thơ Cảm tạ trời xanh của nhà thơ Hoàng Cát do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Với những người quen biết, nhà thơ Hoàng Cát dễ xúc động, mau nước mắt. Ông được đồng nghiệp, bạn bè nhớ mãi với tiếng cười sảng khoái. Nhớ về nhà thơ Hoàng Cát, nhà thơ Vương Cường luôn thắc mắc không hiểu sao một nhà thơ hễ viết là ra những câu thơ buồn, "buồn phát khóc" lại vui vẻ yêu đời đến thế.

"Hoàng Cát xem đời là cõi tạm, chấp nhận tự mình vượt lên, không hề ác cảm, thù oán một ai. Tôi nghĩ cuộc đời ấy, thù oán cũng đúng chứ có sai đâu, nhưng bản chất Hoàng Cát là thi sĩ thật sự nên lòng anh bao la lắm", nhà thơ Vương Cường chia sẻ.

Nhà thơ Hoàng Cát - người viết thơ 'buồn đến phát khóc' ảnh 4

Nhà thơ Hoàng Cát được đồng nghiệp, bạn bè nhớ mãi vì luôn vui vẻ yêu đời.

Hoàng Cát cũng là người có công lớn nhất trong việc gắn kết bộ năm "đồ Nghệ" - Nguyễn Bùi Vợi, Võ Văn Trực, Quang Huy, Vương Trọng, Hoàng Cát. Khi một ai đó ốm đau, Hoàng Cát thường là người đưa tin rồi tổ chức đi thăm nom.

"Không biết bao lần từ khu tập thể Trương Định, ông phóng xe xuống đón Võ Văn Trực ở bên kia cầu Trung Hòa để vào bệnh viện Hữu Nghị thăm Quang Huy hay Nguyễn Bùi Vợi", nhà thơ Vương Trọng cho biết.

Đồng nghiệp, bạn thơ cũng tiết lộ về một tật xấu của nhà thơ Hoàng Cát. Với nhà thơ Vương Trọng, Hoàng Cát là người sống hết mình, không coi trọng tiền bạc, thậm chí có lúc còn coi thường cả tính mạng của mình.

Nhà thơ Hoàng Cát - người viết thơ 'buồn đến phát khóc' ảnh 5
Nhà thơ Phan Chí Thắng (thứ 2 từ phải sang) đã viết bài thơ Bàn chân khuất dành tặng cố nhà thơ Hoàng Cát (phải).

"Một khi đã lên xe máy là Hoàng Cát sẽ phóng như bay khiến thanh niên phải nể. Chuyện ông ngã xe, bất tỉnh dọc đường không phải là hiếm. Những ngày mặt mày sây sát, ông ân hận, làm thơ thương vợ, tự nguyện để cho con giấu chìa khoá xe máy, hứa sẽ không bao giờ dùng đến. Thế nhưng vừa lành vết thương, đâu lại vào đấy", nhà thơ Vương Trọng than.

Nhà thơ Phan Chí Thắng quý trọng nhà thơ Hoàng Cát không chỉ vì ông là một nhà thơ đáng kính, mà còn bởi ông đã cống hiến, hy sinh một phần cơ thể để bảo vệ đất nước. Cũng vì lý do này, nhà thơ Phan Chí Thắng đã viết bài thơ Bàn chân khuất dành tặng Hoàng Cát.

Lễ tang của nhà thơ Hoàng Cát được tổ chức lúc 10h30 ngày 4/7 tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn (42 Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức lúc 12h cùng ngày. Ông được an táng tại nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính, Hà Nội).

Tin liên quan