Sinh hoạt, ăn ở của nhân viên tại nhà thi đấu Phú Thọ. |
Trong khi hàng ngàn VĐV chưa có nơi để tập luyện thì những nhà thi đấu dạng này chỉ được xây dựng để sử dụng một lần cho các đại hội và đang tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng. Tuổi Trẻ đã khảo sát nhiều nhà thi đấu phục vụ các đại hội thể thao trong nước, quốc tế tổ chức ở VN trong mười năm trở lại đây để thấy được thực trạng lãng phí.
Nhà thi đấu biến thành... nhà trẻ
Nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội) là một trong những công trình được xây dựng để phục vụ SEA Games 2003 thi đấu môn karatedo. Số vốn dự toán để xây nhà thi đấu này là 27 tỉ đồng, tuy nhiên quyết toán cuối cùng là 47 tỉ đồng. Năm 2009 khi AIG diễn ra, nhà thi đấu Gia Lâm được bố trí là nơi tổ chức thi đấu môn kurash. Để tổ chức được, Nhà nước tiếp tục phải rót vào đây 15 tỉ đồng cải tạo, nâng cấp. Có mặt tại nhà thi đấu Gia Lâm, chúng tôi chứng kiến khu nhà ở VĐV được ban quản lý nhà thi đấu cho thuê làm nhà giữ trẻ. Mỗi năm nhà thi đấu Gia Lâm chỉ tổ chức một giải quốc gia. Năm 2012 không có kế hoạch tổ chức giải nào ngoài phục vụ công tác của huyện, ông Hoàng Giang - phó giám đốc nhà thi đấu - cho biết.
Nhà thi đấu Hoàng Mai (Hà Nội) được xây dựng phục vụ môn cầu mây tại SEA Games 22. Trải qua một lần nâng cấp lớn vào năm 2009, đến nay nhà thi đấu Hoàng Mai (trước là sân vận động Hai Bà Trưng) mỗi năm tổ chức một giải quốc gia, còn lại phục vụ các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của quận. Với lợi thế rộng, sân vận động nhận trông ôtô ngày và đêm nên “số chi và số thu cũng tạm ổn” - ông Bình, giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao Hoàng Mai, cho biết.
Cùng cảnh ngộ, nhà thi đấu tỉnh Phú Thọ đang cho thuê mặt bằng làm khu vui chơi trẻ em, cửa hàng chăm sóc ôtô... Mỗi năm nhà thi đấu Phú Thọ cũng chỉ tổ chức một giải duy nhất là Giải bóng chuyền Cúp Hùng Vương.
Mỹ Đình biến thành sân golf. |
Nếu so với các nhà thi đấu hiện nay, nhà thi đấu Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) được xếp vào loại khá khang trang, sạch sẽ dù được xây dựng từ năm 2003 để thi đấu môn cầu mây tại SEA Games với kinh phí xây dựng 50 tỉ đồng. Ông Lê Xuân Thủy, giám đốc nhà thi đấu, cho biết mỗi năm nhà thi đấu Vĩnh Yên tổ chức trung bình vài giải quốc gia và quốc tế, chủ yếu là võ và bóng chuyền. Vì tỉnh Vĩnh Phúc chưa có nhà hát nên thời gian qua nơi đây kiêm luôn địa điểm tổ chức các sự kiện âm nhạc, văn hóa của tỉnh.
Khi chúng tôi có mặt ở nhà thi đấu Vĩnh Yên ngày 11/4, tại đây đang chuẩn bị đêm diễn của ca sĩ Quang Lê. Ông Thủy cho biết tiền cho thuê địa điểm của show diễn này chỉ khoảng 10 triệu đồng/đêm, show nào lãi thì họ trả đủ, show nào lỗ nhà thi đấu phải giảm giá. Một phần diện tích nhà thi đấu cũng được cho thuê để doanh nghiệp trưng bày cây cảnh, giờ chuyển sang kinh doanh nhà hàng.
Bể bơi vắng người
Tại khu liên hợp thể thao tỉnh Phú Thọ, cơ sở vật chất của nhà thi đấu và bể bơi đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhà thi đấu Phú Thọ được xây năm 2003 để phục vụ SEA Games 22, tổ chức môn bóng ném với kinh phí 67 tỉ đồng. Trong khi đó bể bơi được đầu tư đến 120 tỉ đồng để thi đấu môn bơi tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2008. Tuy nhiên, nếu nhà thi đấu mỗi năm tổ chức được một giải bóng chuyền quốc gia thì từ năm 2008 đến nay, bể bơi Phú Thọ chưa từng diễn ra giải đấu nào.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL Phú Thọ, với chất lượng xây dựng thấp, thi công gấp gáp để kịp đại hội nên hiện nay cả hai công trình đều xuống cấp nghiêm trọng, tường nứt, bong tróc, mái thủng... Thậm chí ông Vũ Văn Lợi, phó giám đốc Trung tâm quản lý và khai thác khu liên hợp, cho biết nhà thi đấu Phú Thọ đến giờ vẫn chưa quyết toán hết.
Đặt chân vào khuôn viên bể bơi trong nhà của khu liên hợp thể thao Phú Thọ, dù đã là giữa tháng 4 nhưng không phải là cảnh tấp nập vận động viên tập bơi mà là sự im lìm, vắng lặng. Dòng nước dưới bể bơi đen ngòm như nước sông Tô Lịch, bốc mùi tanh khó chịu.
Chỉ tay vào căn phòng đóng kín cửa có đặt máy tính và thiết bị điện tử, ông Lợi cho biết: “Đây là phòng chấm điểm tự động nhưng hiện nay đã hỏng và chúng tôi không biết sửa chữa. Giờ muốn cũng chẳng biết sửa thế nào vì sau hội khỏe từ năm 2008 đến nay không ai sử dụng”.
Những hàng ghế (gồm 500 chỗ) nằm hai bên bể bơi phủ đầy bụi, hệ thống thoát và điều hòa nước đọng đầy cặn đen kịt, những mảng thủng trên mái với các lỗ thủng to hàng mét vuông. Được biết, bể bơi này chỉ được sử dụng vào mùa hè dạy trẻ em tập bơi phòng chống đuối nước và VĐV tập phục vụ các giải phong trào của tỉnh.
“Mùa đông kéo dài 5-6 tháng, nước lạnh nên các em tập trên bờ với tạ, và vận động là chính, bao giờ nắng nóng mới tập bể bơi” - ông Lợi nói. Không chỉ khu bể bơi để “mốc” mà ngay nhà thi đấu tỉnh Phú Thọ, các phòng thay đồ của VĐV cũng được tận dụng cho nhân viên khu liên hợp thể thao ở nhờ. Với những căn phòng rộng chừng 15m2, hiện có năm hộ dân đang “mượn” tạm để ở.
Không có người thuê
Ông Nguyễn Trọng Vượng, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ, nói: “Mỗi năm UBND tỉnh cấp cho khu liên hợp khoảng 600 triệu đồng để hoạt động, duy tu, bảo dưỡng. 300 triệu trong số đó là trả cho bảy cán bộ biên chế, 20 cán bộ còn lại phải tự kiếm nguồn thu để có lương. Tuy nhiên vì khó khăn quá nên không thể trả được mức lương tối thiểu 1,7 triệu đồng/tháng mà chỉ trả 1,5 triệu đồng/tháng.
Số tiền còn lại khoảng 300 triệu để duy trì điện, nước, sửa chữa của cả nhà thi đấu, bể bơi... nên vô cùng khó khăn. Năm 2010, giải bóng chuyền quốc gia tổ chức tại nhà thi đấu Phú Thọ bị mưa to gió lớn hắt nước vào trong khi trận đấu đang diễn ra nên sau đó tỉnh cho 250 triệu đồng sửa chữa mái nhà, đó là khoản sửa chữa lớn nhất từ năm 2003 đến nay”.
Hiện nay khu liên hợp đang cố gắng làm dịch vụ để lấy tiền trả lương cho cán bộ, nhân viên nhưng hoạt động khó khăn vì không có người thuê mặt bằng. Cho người dân thuê địa điểm tập luyện cũng không được vì thu tiền thì người ta không vào. Nhà thi đấu xây không đảm bảo chất lượng nên nứt từ sau khi hoàn thành. Qua 10 năm không được trùng tu, nhiều bộ phận xuống cấp nghiêm trọng - ông Vượng cho biết thêm
Cứ đại hội là xây nhà thi đấu
Năm 2003, VN đăng cai SEA Games 22 với số tiền lên tới gần 5.000 tỉ đồng, trong đó trên 3.000 tỉ đồng để phục vụ công tác xây dựng cơ bản gồm: Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, làng VĐV, nhà thi đấu Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoàng Mai, Phú Thọ, Hải Dương, Vĩnh Yên, Hải Phòng... Đây là quá trình xây dựng cơ sở vật chất tốn kém nhất cho thể thao VN từ trước tới nay.
Năm 2009 để được Hội đồng Olympic châu Á đồng ý cho đăng cai AIG 3, VN phải cam kết chuẩn bị đủ cơ sở vật chất cho đại hội. Cung thi đấu điền kinh trong nhà gần 600 tỉ đồng được xây dựng, hàng trăm tỉ đồng tiếp tục được ngân sách rót xuống các địa phương để xây dựng, nâng cấp hàng loạt nhà thi đấu.
Xen kẽ với các đại hội thể thao quốc tế, để đăng cai Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, Đại hội TDTT toàn quốc, các địa phương như Phú Thọ, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nam Định đã và sẽ phải chuẩn bị xây dựng, nâng cấp vô số nhà thi đấu để có nơi tổ chức các môn thi của đại hội. Bài toán kinh phí chi cho xây dựng cơ bản của các đại hội này năm nào cũng khiến các địa phương đăng cai phải méo mặt vì quá tốn kém, tiến độ không kịp phục vụ đại hội. Thế nhưng khi đại hội kết thúc cũng là lúc các công trình này bị quên lãng.