Nhà nước cần thu hồi, cưỡng chế với loại đất nào?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều địa phương cho rằng, một số quy định liên quan thu hồi, bồi thường, tái định cư trong giải phóng mặt bằng chưa giải quyết được các bất cập phát sinh những năm qua. Trong khi đó, đây là vấn đề nóng nhất, khiếu kiện nhiều nhất.

Thỏa thuận ngày càng phức tạp

Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất.

Nhà nước cần thu hồi, cưỡng chế với loại đất nào? ảnh 1

Giải phóng mặt bằng ở phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa Ảnh: Hoàng Lam

Với các trường hợp thực hiện thỏa thuận, theo ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, đây là chủ trương rất đúng nhưng thực tế trong công tác giải phóng mặt bằng địa phương, quyền lợi từ việc thỏa thuận ít đến tay người dân mà chủ yếu đến tay giới đầu cơ. Ông Hậu lấy ví dụ, tại một dự án ở Mộc Châu vừa qua, nhà đầu tư đến gom hết đất nông nghiệp của người dân trong khu vực.

Như vậy, việc áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất sẽ rất khó thực hiện. Một bất cập nữa, theo ông Hậu, là giá đền bù giải phóng mặt bằng do cơ chế thỏa thuận thường cao hơn so với giá Nhà nước thu hồi. Vì vậy, nếu áp dụng cơ chế thỏa thuận, các dự án đầu tư công đi qua dự án đó sẽ rất khó giải phóng mặt bằng. “Do vậy, chúng tôi đề nghị Nhà nước thu hồi đất là chính”, ông Hậu đề xuất.

Ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho rằng, giá bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án thỏa thuận bao giờ cũng cao hơn nhiều so với giá bồi thường của địa phương khi thu hồi đất thực hiện đấu giá, đầu thầu dự án sử dụng đất. Từ đó, tạo ra tâm lý so bì. Trên cùng một khu vực, với cùng một loại đất (nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm…) mà giá trị bồi thường lại khác nhau nhiều. Đây là điểm nghẽn nảy sinh rất nhiều khiếu kiện về đất đai.

Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cũng cho rằng, dự thảo quy định thu hẹp các trường hợp thu hồi đất là rất khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án phát triển nhà ở quy mô nhỏ (không đáp ứng tiêu chí khu đô thị, khu dân cư, như dự thảo phải từ 50ha trở lên đối với khu dân cư nông thôn và từ 20ha trở lên đối với khu đô thị), công trình công cộng có mục đích kinh doanh (thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất nhưng không thuộc trường hợp thu hồi đất). Đại diện UBND tỉnh Thái Bình đề nghị quy định tất cả các trường hợp đều thực hiện thu hồi đất, không quy định bắt buộc nhận chuyển nhượng.

Đề nghị cưỡng chế trong dự án thỏa thuận

Theo ông Lại Văn Hoàn, trường hợp vẫn giữ nguyên như dự thảo (cho phép doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận theo điều 128) thì đề nghị quy định trong trường hợp không thể thực hiện được việc thoả thuận chuyển nhượng, đến tỷ lệ diện tích nhất định, Nhà nước được phép áp dụng các biện pháp cưỡng chế như thu hồi đất để giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng.

Ông Hoàn chia sẻ, tại Thái Bình các dự án nhận chuyển nhượng hầu hết rất khó khăn, còn khoảng 80 dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng chưa thực hiện xong việc chuyển nhượng. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại về giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất các dự án vẫn không hoàn thành do các hộ không đồng thuận mà không thể cưỡng chế.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nói rằng, để đảm bảo thống nhất đất đai thuộc sở hữu toàn dân và đồng nhất trong công tác giải phóng mặt bằng, đề nghị sửa Luật theo hướng thu hẹp các trường hợp nhận chuyển nhượng (thỏa thuận) để chuyển mục đích sử dụng đất, tăng các trường hợp thu hồi đất. Trường hợp dự án thỏa thuận thì cần bổ sung quy định, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không cao hơn tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Khi dự án nhận chuyển nhượng được 75% diện tích, số diện tích còn lại người sử dụng đất không đồng ý chuyển nhượng thì được phép cưỡng chế như trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Cần làm rõ tiêu chí dự án thu hồi đất

Liên quan các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (tại điều 78 của dự thảo luật), bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn, cho rằng, dự thảo luật cần cụ thể hơn nữa về ý nghĩa, nội hàm để xác định từng trường hợp dự án sử dụng đất.

Trong khi đó, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc liệt kê các trường hợp dự án Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có thể vẫn còn thiếu một số trường hợp khác khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành. Vì vậy, Lạng Sơn kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công và các dự án không có yếu tố kinh doanh để Luật Đất đai có thể bao trùm được hết các các trường hợp dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sau khi triển khai thi hành Luật.

Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng, thu hồi đất là vấn đề liên quan nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm thời gian qua, nảy sinh nhiều phức tạp, khiếu kiện, tiêu cực. Do vậy, để thống nhất về nhận thức và tránh phát sinh những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện, cần làm rõ hơn về mục đích, tiêu chí; trường hợp thật cần thiết phải thu hồi, việc thu hồi phải đem lại lợi ích trước mắt cũng như lâu dài cho quốc gia, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.

Liên quan trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thu hồi đất, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, đề nghị bổ sung nội dung xác định giá đất cụ thể phục vụ bồi thường đất khi tiến hành xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. GS Điển cho rằng, cần bổ sung nội dung này sau khi thông báo thu hồi đất, đo đạc địa chính khu đất và tiến hành trước thời điểm họp dân kiểm đếm bởi thông thường, khi kiểm đếm, người dân luôn hỏi chính sách bồi thường, đặc biệt là vấn đề giá bồi thường đất.

Liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khoản 2, điều 89 quy định nguyên tắc Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhiều địa phương đề nghị, ban soạn thảo cần đo lường cụ thể các tiêu chí thế nào là bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ để địa phương có cơ sở thực hiện.

MỚI - NÓNG