Nhà ngoại giao Nhật nhớ chuyện cất vó giữa phố Hà Nội

TP - Furudate Seiki, một nhà ngoại giao Nhật Bản đã ở Việt Nam 16 năm, đến giờ vẫn nhớ cảnh ông phải lội nước ngập trên đầu gối để đến lớp học tiếng Việt phía sau Đại học Bách khoa Hà Nội. Lúc đó, ông thấy một số người dân để sẵn vó, khi nào mưa ngập thì dùng để bắt cá ngay giữa đường.

Trong một cuộc gặp tình cờ cuối tháng 8/2023 ở quán cà phê, nhà ngoại giao Nhật Bản vui vẻ chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị mà ông đã trải qua ở Việt Nam, những món ngon khiến ông thích thú và gắn bó với cuộc sống ở đây.

Nghiện cà phê, mê nước mắm

Câu chuyện bắt đầu từ cốc cà phê, khi nhân viên quán bưng ra cho ông một cốc cà phê đá. “Cà phê cho đá vào sẽ bị loãng ra, kém ngon hơn nhỉ!”, Seiki nhận xét về thức uống mà ông yêu thích. “Ngày xưa tôi hay uống cà phê trứng gần Bờ Hồ. Bên trên có trứng đánh bông, dưới có cà phê đặc, rất ngon. Lần đầu tiên uống cà phê đặc tôi thích lắm”, ông chia sẻ.

Nhà ngoại giao Nhật nhớ chuyện cất vó giữa phố Hà Nội ảnh 1

Ông nói rằng Hà Nội giờ đã khác rất nhiều, quán cà phê mọc lên nhan nhản khắp nơi nhưng ông vẫn thích cà phê đặc chứ không thích kiểu pha loãng phổ biến hiện nay. Hồi mới đến Việt Nam, ông cũng pha cà phê phin ở nhà, nhưng lúc đầu không biết nên dùng thìa xới lên cho nước nhanh chảy xuống, khiến cà phê không còn ngon nữa.

Vị khách đặc biệt

Năm nay, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhiều hoạt động giao lưu văn hoá được tổ chức xuyên suốt cả năm, như đưa bộ sưu tập kimono có từ hàng trăm năm trước và những chiếc áo dài may bằng vải kimono của một nhà thiết kế nổi tiếng sang Việt Nam giới thiệu. Vở opera về chuyện tình của Công nữ Anio (một số tài liệu nói là Ngọc Hoa) với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro hồi đầu thế kỷ 17 sẽ được diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong tháng 9. Sự kiện điểm nhấn này sẽ có sự tham dự của hai khán giả đặc biệt đến từ Hoàng gia Nhật Bản.

Sau khi vào Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Seiki sang Việt Nam ở tuổi 23. Trước khi đến Việt Nam, ông học tiếng Việt 1 năm ở Nhật và 1 năm ở Mỹ. Sau khi làm việc tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội, ông mời thầy dạy kèm vào cuối tuần vì muốn có thể nói chuyện thoải mái bằng tiếng Việt với đại diện các cơ quan Việt Nam. “Một năm sau thầy tôi mới bảo hồi đầu tiếng Việt của tôi tệ quá, nghe không hiểu gì luôn”, ông kể. Seiki cho biết phải mất 4 năm ông mới có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Việt, và giờ có thể sử dụng thành thạo.

Tuy nhiên, Seiki cho biết nhiều lúc ông vẫn gặp khó với tiếng địa phương. Trước khi thoái vị, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu có chuyến thăm Việt Nam đầu năm 2017, trong đó có chuyến đi tới Huế. Là người phụ trách nhóm báo chí, Seiki phải vào Huế làm việc với UBND thành phố Huế để chuẩn bị cho chuyến thăm. Ông nói rằng người Huế khi nói thường chuyển hết thanh sắc thành thanh huyền, nên sau mười mấy ngày trao đổi với họ, ông mới hiểu được một phần.

Nhà ngoại giao Nhật nhớ chuyện cất vó giữa phố Hà Nội ảnh 2

Trước khi thoái vị, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu có chuyến thăm Việt Nam đầu năm 2017. Ảnh: Như Ý

Một kỷ niệm vui khác liên quan đến tiếng Việt là khi ông phiên dịch tại một sự kiện năm 2017. Nhân dịp diễn ra Hội nghị APEC năm 2017 ở Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó mời Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo về Hội An ăn mỳ Quảng. Vì sự kiện đó không có phiên dịch của Bộ Ngoại giao, nên Seiki phải đảm nhận việc phiên dịch cho Thủ tướng Abe. Ông kể rằng lúc ấy trong quán khá ồn ào và có nhạc, nên ông dù ngồi ngay sau Thủ tướng và rướn người lên nghe cũng không hiểu lắm.

Nhà ngoại giao Nhật nhớ chuyện cất vó giữa phố Hà Nội ảnh 3

Một chiếc kimono cổ được giới thiệu trong cuộc họp báo về buổi biểu diễn bộ sưu tập kimono cổ và áo dài may bằng vải kimono tại Hà Nội ngày 28/2/2023. Ảnh: Như Ý

Sau thời gian làm Trưởng Ban Văn hoá của Đại sứ quán Nhật Bản, Seiki hiện nay là Bí thư thứ nhất, có nhiệm vụ phân tích tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá ở Việt Nam. Một chuyện gần đây mà ông chú ý là đêm diễn của ban nhạc Blackpink ở Hà Nội. Không chỉ chuyện giá vé hay lùm xùm trước đêm diễn liên quan đến bản đồ, nhà ngoại giao này còn chú ý chuyện sân vận động Mỹ Đình ngập rác sau đêm diễn.

Một vấn đề khác gần đây mà ông để ý là giá sầu riêng tăng cao. Ông rất hào hứng khi nói về sầu riêng. Hồi còn làm việc ở TPHCM, ông hay đến con phố gần Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi bán sầu riêng miền Tây rất ngon, nhất là vào tháng Sáu. Thời gian đó, nhà ngoại giao cho biết ông hay ăn sầu riêng rồi sang một con phố khác gần đó ăn mì vằn thắn.

Trong bữa ăn, người Nhật chủ yếu chấm đồ ăn với xì dầu. Khi đến Việt Nam, Seiki cho biết ông thấy khó chịu khi ngửi mùi nước mắm, nhưng khi nếm thử thấy quá ngon. Ông vẫn nhớ ấn tượng khi đến thăm một nhà máy nước mắm ở Kiên Giang và được mời nếm nước mắm nguyên chất đựng trong chai rất nhỏ. Ông cực kỳ thích thú. Ở Hà Nội, ông tình cờ phát hiện một nhãn hiệu nước mắm của Phan Thiết mà ông rất thích. Trong thời gian đại dịch COVID-19, ông có thời gian đi khám phá nhiều hơn. Có lần đi bộ ở quãng phố Quan Hoa, ông chú ý đến một cửa hàng bán những chai trông như rượu Tây, nhưng xem quảng cáo lại thấy đó là nước mắm. Sự tò mò và niềm yêu thích nước mắm khiến ông muốn vào khảo vị, rồi mê luôn. “Tôi thích cho chút ớt vào mắm. Nếu đi miền núi không biết ăn gì thì tôi hay ăn xôi với nước mắm thêm ớt. Chỉ cần ăn như vậy đã thấy rất ngon”, ông kể một cách hào hứng. Một món ăn liên quan đến nước mắm mà ông cũng rất thích là cánh gà chiên mắm.

Seiki cho biết, mỗi khi có dịp về Nhật, ông thường mang theo một số thứ mà bạn bè và người thân của ông rất thích, như cà phê, hạt điều, muối, hạt tiêu của Việt Nam. “Mẹ tôi thích muối của Việt Nam vì khi cho vào rau sẽ xanh hơn và vị ngon hơn so với dùng muối Nhật”, ông kể.

Thay đổi ngạc nhiên

Nghĩ về những ngày đầu mới đến, Seiki cho biết ông ngạc nhiên trước sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Ông nhớ chuyện hồi còn theo học tiếng Việt tại một trung tâm nằm phía sau Đại học Bách khoa Hà Nội. Hồi đó, mỗi khi trời mưa, ông lại khổ sở với việc đến lớp, vì nước ngập trên đầu gối, nhưng đến nơi mới biết lớp được nghỉ vì các bạn khác không đến. Khi nước ngập phố thì cá tràn vào, người dân đặt sẵn vó để bắt cá ngay những con phố nằm ở trung tâm Hà Nội.

Seiki nói rằng đến giờ mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Rất nhiều thứ ngày xưa không có giờ đều có. “Ngày xưa tôi có thể đi khắp Hà Nội bằng xe đạp, nhưng giờ Hà Nội rộng lắm rồi, phương tiện cũng rất phát triển”, ông nói. Trong thời gian đại dịch, nếu được ra ngoài, Seiki thường đi bằng xe buýt đến những khu mới xem thay đổi như thế nào. “Khu Thanh Xuân, phố Trường Chinh đã thay đổi nhiều lắm, rộng rãi hơn nhiều, tắc đường cũng giảm”, ông nói.

Seiki cho biết ông rất thích ở Việt Nam. Vợ ông cũng đã chuyển đến và rất thích ở đây.

Seiki nói rằng Nhật Bản phát triển được như ngày nay một phần nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế chứ không chỉ nội lực. Dựa vào kinh nghiệm như vậy, Nhật Bản viện trợ ODA cho nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam được ưu tiên nhất, dù Việt Nam đến nay đã khá phát triển nên không được ưu đãi nhiều như xưa.

Seiki cho biết ông đã đi khắp 64 tỉnh thành của Việt Nam (năm 2008, tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội nên chỉ còn 63 tỉnh thành), dù ở Nhật ông cũng chưa đi hết các tỉnh. Ông nói rằng đi khắp Việt Nam ông đều nhận thấy sự gần gũi. Quê ông ở miền bắc Nhật Bản, nên khung cảnh có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng sự tương đồng về văn hoá Á Đông giúp người Việt Nam và Nhật Bản dễ làm việc với nhau, dễ hiểu cách xử lý công việc của nhau.

Tin liên quan