Trong khi một số người có hoàn cảnh rất khó khăn không được hỗ trợ, có những hộ có nhà 2, 3 tầng, thậm chí có ô tô lại được nhận tiền trợ cấp.
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, rộng khoảng 10m2, mấy tháng nay gia đình ông Nguyễn Văn Ngôn (74 tuổi) và bà Nguyễn Thị Láng (72 tuổi) chật vật vì hầu như không có thu nhập.
Trong đợt giãn cách xã hội, nhận được tin Nhà nước sẽ hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bà Láng hi vọng sẽ nhận được trợ cấp. Sau khi cán bộ thôn đến phát giấy kê khai thông tin, suốt nửa tháng không nhận được phản hồi, bà nhiều lần đạp xe lên UBND xã Phượng Dực hỏi, nhưng nhận được câu trả lời rằng gia đình bà không thuộc trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nên không được hưởng trợ cấp.
Bà Láng cho biết, chồng bà bị tắc nghẽn vành mạch tim, căn bệnh khiến ông chỉ nằm yên một chỗ hơn 3 năm nay. Gia tài không có thứ gì trị giá ngoài chiếc ti vi đã hỏng. Quanh năm, bà chỉ làm ruộng và thỉnh thoảng ra chợ bán ít bó rau, con gà.
“Đợt dịch tháng 4 vừa rồi, tôi không làm được việc gì nên gia đình rất túng thiếu. Dăm bữa, nửa tháng phải chạy vạy đi mượn mọi người trong thôn để sống qua ngày”, bà Láng cho hay.
Theo số người dân ở xã Phượng Dực, chẳng ai trong xã khó khăn như gia đình ông Ngôn, bà Láng. Thế nhưng, chẳng bao giờ nhà ông bà được nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo.
“Năm nào, thôn cũng bình xét hộ nghèo, cận nghèo nhưng có thấy ai đến nhà tôi xét duyệt gì đâu. Mấy năm trước, tôi ra gặp cán bộ thôn xin vào hộ cận nghèo để hưởng chế độ bảo hiểm cho chồng đi khám nhưng không được. Cán bộ thôn bảo muốn được vào hộ nghèo, cận nghèo phải đạt tiêu chí đa chiều, mà tôi thì không biết đa chiều là như thế nào”, bà Láng nói.
Không chỉ gia đình nhà bà Láng, một số hộ dân khác có hoàn cảnh khó khăn, gia đình đông con nhưng không được xã xét duyệt nên không được hưởng hỗ trợ.
Trong khi đó, theo phản ánh của người dân xã Phượng Dực, một số hộ có nhà khang trang, thậm chí thuộc diện khá giả nhưng vẫn nằm trong danh sách hộ cận nghèo và được hỗ trợ từ Nhà nước.
“Gia đình ông Đặng Văn Đ. có nhà 3 tầng, con đi Nhật Bản, gia đình ông Đặng Văn T. có nhà 3 tầng, buôn bán vật liệu xây dựng, gia đình ông Đặng Đình G., Đặng Đình L, Nguyễn Bá T. Lê Văn B….thuộc hộ khá giả, nhà 2 tầng nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ COVID-19”, một người dân trong xã (không muốn nêu tên) cho hay.
Theo người dân xã Phượng Dực, riêng tại xã này có hơn 40 hộ gia đình có điều kiện kinh tế, nhà 2, 3 tầng nhưng vẫn có tên trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo để nhận tiền hỗ trợ. Những người này đa phần đều là người nhà và người quen của cán bộ thôn, xã.
Nhiều người dân ở thôn Xuân La cho biết, đợt rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2019 họ không hề hay biết. Chỉ đến khi xã thông báo chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 hồi tháng 5/2020, họ mới phát hiện nhiều hộ cận nghèo có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ COVID-19 là gia đình khá giả. Có những người đã đi khỏi địa phương nhưng vẫn được thôn và xã lên danh sách xét duyệt hỗ trợ khoản tiền này. Như gia đình chị Đặng Thị Giao, có em gái là Đặng Thị Giá bỏ đi từ lâu nhưng vẫn được nhận hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh.
Sẽ thu hồi tiền hỗ trợ sai đối tượng
Ông Lê Qúy Đôn, Chủ tịch UBND xã Phượng Dực thừa nhận, có những bất cập trong việc xét duyệt hộ cận nghèo từ cấp thôn, dẫn tới những bất cập như phản ánh của người dân.
Lý giải tình trạng một số gia đình khá giả nhưng vẫn nằm trong diện hộ cận nghèo, ông Đôn nói, do những hộ này có thành viên mắc bệnh, ốm đau nên vì tình làng, nghĩa xóm, khi xét duyệt, một số thôn đưa vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để hưởng chế độ khám, chữa bệnh (?). Theo ông Đôn, hiện UBND xã cũng đang rà soát và thu hồi lại tiền hỗ trợ đối với những hộ chưa đúng đối tượng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh một số hộ dân ở xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) được xét duyệt, nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội không đúng đối tượng, sở đã có văn bản đề nghị các địa phương trên địa bàn Hà Nội kiểm tra, chấn chỉnh công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Riêng với huyện Phú Xuyên, sở đề nghị huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, xác minh làm rõ thông tin theo nội dung một số cơ quan truyền thông đã phản ánh. Trường hợp phát hiện sai phạm, các cơ quan sẽ kiên quyết xử lý nhất là những hành vi trục lợi chính sách hỗ trợ giảm nghèo tại địa phương.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đoàn thanh tra bộ cũng đã xuống làm việc tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội) về vấn đề này. Hiện nay bộ đang thanh tra quá trình hỗ trợ gói an sinh xã hội đồng loạt tại 6 địa phương, trong đó trước mắt sẽ tập trung vào 4 địa phương gồm Hà Nội, Lâm Đồng, Hưng Yên, Gia Lai, còn các địa phương khác sẽ thanh tra sau.
Theo ông Tùng, để rà soát quá trình hỗ trợ gói an sinh xã hội, bộ đã có công văn yêu cầu các địa phương từ giờ đến cuối năm, mỗi tỉnh, thành phải thanh tra ít nhất 2 quận, huyện. Dự kiến đến cuối năm sẽ có báo cáo về việc này.
Liên quan đến việc, thời gian qua trong quá trình chi trả gói hỗ trợ, nhiều địa phương lộ ra những bất cập trong công tác rà soát, phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo, ông Tùng cho biết, định hướng của Thanh tra Bộ đến năm 2021 sẽ thanh tra toàn diện 100% công tác giảm nghèo trên cả nước.