Nhà hát Youtube: Giấc mơ số hóa sân khấu

Từ trước đến nay, các nhà hát vẫn chỉ quảng bá tác phẩm trên nền tảng số thông qua Facebook
Từ trước đến nay, các nhà hát vẫn chỉ quảng bá tác phẩm trên nền tảng số thông qua Facebook
TP - Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng kế hoạch đặt hàng các nhà hát đưa chương trình nghệ thuật lên YouTube. Điều này được dự đoán sẽ tác động mạnh đến đời sống sàn diễn sân khấu trong cả nước.

“Cú hích” cho sân khấu Việt

Theo kế hoạch mà Bộ đang xây dựng, nếu lộ trình được thông qua, nhà hát trên YouTube sẽ thu hút sự tham gia của 12 đơn vị nghệ thuật công lập thuộc bộ. Hầu hết các đơn vị nhà hát và nghệ sĩ đều bày tỏ hy vọng dự án này sẽ là “cú hích” để nghệ thuật sân khấu Việt vươn lên tầm mới.Khán giả cả nước sẽ có cơ hội xem nhiều tác phẩm sân khấu hay. Bởi, rất nhiều vở diễn phía Nam, khán giả phía Bắc chưa được xem và ngược lại.

Một thực tế nữa là lâu nay vì không được lưu trữ nên nhiều tác phẩm kinh điển sau khi được dàn dựng công phu và trình diễn trên sân khấu thì cũng chấm dứt vòng đời. Là nghệ sĩ, hầu như ai cũng mong muốn vai diễn, vở diễn của mình được phổ biến rộng rãi trên các nền tảng internet, để đến được với số đông khán giả ngoài nhà hát và lưu truyền đến mai sau.

Theo NSND Trần Minh Ngọc, đặc biệt cần sớm số hóa các vở kịch lịch sử, các vở tuồng… của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Vì thế hệ nghệ sĩ tài danh của các loại hình này đang dần mất đi do tuổi tác, sức khỏe nếu không kịp làm, thế hệ mai sau sẽ thiệt thòi vì không được xem các tác phẩm kinh điển có các nghệ sĩ tài danh của thế hệ trước trình diễn.

NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát kịch Việt Nam cho rằng đây là xu hướng tất yếu để nghệ thuật sân khấu phát triển. “Để triển khai, cần phải biết mình làm cho ai, đối tượng nào, chương trình gì, thời lượng bao nhiêu cho phù hợp. Vì rõ ràng ở sân khấu khác với trên mạng”, anh nói. “Đầu tiên là miễn phí, sau đó thì có tiền quảng cáo, sau đó nữa có thể trả tiền để xem các chương trình mới. Chẳng hạn, tối nay diễn ra một chương trình mới có các ngôi sao biểu diễn, khán giả đi xem sẽ phải trả tiền, rồi 2 tháng sau chương trình mới phát online”, lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam hiến kế thêm.

NSƯT Trần Lực cũng lấy ví dụ về vở ballet kinh điển “Người đẹp ngủ trong rừng” của nhà hát Bolshoi danh tiếng hàng đầu tại Nga sau suất công diễn hoàn toàn miễn phí trên YouTube đã có 900.000 lượt người xem. “Con số đó khiến ta phải suy nghĩ, nếu biết kết hợp quảng cáo, ta sẽ thu lợi nhuận khi các vở kịch kinh điển được dàn dựng đúng với ngôn ngữ truyền hình phát trên YouTube”, anh chia sẻ.

Còn nhiều đắn đo

Tuy nhiên, cũng không ít nghệ sĩ lo ngại, một khi Nhà hát YouTube ra đời, với sự tiện lợi, có thể xem kịch bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, thì khán giả đến nhà hát sẽ giảm. “Ngày xưa cũng nhiều vở được truyền hình đến quay để phát tivi, chúng tôi cũng mất đi nguồn thu bán vé. Giờ lại phát miễn phí trên mạng nữa thì nghệ thuật sân khấu sớm muộn gì cũng chết. Nói chung, làm gì thì làm, cần rõ ràng vấn đề chi phí cho anh em nghệ sĩ, bởi việc tập luyện công phu hàng tháng trời chỉ để ghi hình chiếu miễn phí sẽ dễ khiến chúng tôi chán nản, không đủ sức toàn tâm toàn ý”, một nghệ sĩ sân khấu chia sẻ.

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM cũng bày tỏ nỗi lo mất khán giả trực tiếp đến rạp, từ đó kéo theo giảm thị hiếu, vì “xem tại sân khấu dù sao cũng mang tính nghệ thuật hơn, khán giả sẽ nảy sinh niềm yêu thích kịch nói hơn, nghệ sĩ hóa thân cũng hạnh phúc hơn vì sự tương tác trực tiếp với khán giả thông qua cảm xúc vai diễn, nhân vật”.

Theo Mỹ Uyên, nên số hóa vở diễn theo từng giai đoạn. Với các vở đang diễn, hoặc vẫn còn khán giả, không thể đưa lên YouTube, bởi sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Chưa kể đến ngôn ngữ kịch chuyển tải trên YouTube khác với trên sân khấu nên cần có giai đoạn chuẩn bị, chuyển giao.

NSND Hồng Vân, bà bầu của Sân khấu Kịch Hồng Vân lại lạc quan tin rằng dù có Nhà hát YouTube thì khán giả vẫn sẽ đến rạp vì họ yêu không khí được đắm mình ngồi xem câu chuyện kịch, hơn là qua màn hình. Do đó, theo chị, Nhà hát YouTube chỉ nên làm theo đơn đặt hàng những vở diễn được dàn dựng theo đúng ngôn ngữ của kịch phát trên mạng.

NSND Trần Minh Ngọc cũng cho rằng các nhà hát nên chọn những tác phẩm kinh điển có sức nặng và tiếng vang để đưa lên nền tảng số. Từ hiệu ứng đó sẽ lôi kéo người xem đến rạp nhiều hơn, như một hình thức tiếp thị hiệu quả thông qua kênh YouTube.

Tuy nhiên, một vấn đề được rất nhiều người quan tâm là Nhà hát YouTube có phụ thuộc vào lượt xem hay không? “Nếu Nhà hát YouTube mà cũng chạy theo con số người xem như các video trên mạng hiện nay thì sớm muộn gì cũng giết chết sân khấu, bởi một khi đã phải chạy theo câu view thì nghệ thuật sẽ méo mó”, một chuyên gia sân khấu khẳng định. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.