Theo số liệu thống kê, hiện có 13 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà hàng nổi, du thuyền, tàu, xuồng du lịch với các hình thức quán ăn uống, bar, karaoke, đạp vịt… Trong đó, chỉ có 10 du thuyền, xuồng máy và 115 vịt đạp nước được cấp phép hoạt động.
Trước tình trạng phương tiện hoạt động sai phép nhiều năm, đe doạ an toàn giao thông và ảnh hưởng đến cảnh quan ở khu vực hồ Tây, từ giữa năm 2015, Thành uỷ - UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở GTVT Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương tập trung di dời, xử lý các đơn vị vi phạm trong tháng 10/2015. Tuy nhiên, phương án di dời bến tàu, nhà hàng nổi đã không được thực hiện đúng kế hoạch.
Hàng chục nhà hàng nổi, du thuyền vẫn "án binh" sau lệnh di dời
Sau nhiều lần lỡ hẹn, tháng 6/2016, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung ký văn bản chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội phối hợp với quận Tây Hồ tập trung xử lý triệt để vi phạm của các du thuyền, xuồng, cầu tàu tại Hồ Tây.
Tại cuộc họp liên ngành bàn kế hoạch xử lý các phương tiện vi phạm khu vực mặt nước hồ Tây diễn ra ngày 15/6, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, đến ngày 20/6, sẽ hoàn thành việc di dời và xử lý các phương tiện vi phạm. Nếu chủ phương tiện không chấp hành sẽ đề xuất tịch thu phương tiện, bán đấu giá.
Quyết tâm xoá sổ bến tàu đã được đưa ra, nhưng đến nay chưa có phương tiện nào ở khu bến tàu hồ Tây được di chuyển, mặc dù thời hạn di dời đã quá 7 ngày. Không những vậy, một số nhà hàng vẫn hoạt động “chui” vào buổi chiều tối, bất chấp lệnh cấm kinh doanh.
Một số hình ảnh PV Tiền Phong ghi nhận sáng ngày 27/6 tại khu vực bến tàu hồ Tây:
Du thuyền kinh doanh quán bar vẫn chưa được di dời sau ngày 20/6
Khu vực bến tàu hồ Tây ô nhiễm nặng do hoạt động của nhà nổi, du thuyền
Mọi thứ vẫn "án binh bất động" sau lệnh di chuyển
Dư luận đang đặt dấu hỏi về quyết tâm di dời của Sở GTVT và các đơn vị liên quan
Biện pháp chặn lối lên xuống, cắt điện chưa đủ mạnh để chủ đầu tư di dời các phương tiện
Cảnh quan và môi trường hồ Tây đang bị ảnh hưởng nặng nề từ các hoạt động kinh doanh