Nhà báo Philippines: Trung Quốc tuần tra lâu dài ở Trường Sa hòng tạo sự đã rồi

Tàu cảnh sát biển Philippines (phía trước) và tàu hải cảnh Trung Quốc (phía sau). Ảnh: Rappler.
Tàu cảnh sát biển Philippines (phía trước) và tàu hải cảnh Trung Quốc (phía sau). Ảnh: Rappler.
TPO - Trung Quốc âm mưu duy trì các tàu hải cảnh tuần tra lâu dài ở Trường Sa hòng tạo sự đã rồi, thiết lập một thực tế mới mà các nước trong khu vực phải chấp nhận, nhà báo Philippines Jaime Laude dẫn lời các quan chức và chuyên gia Philippines trong bài viết gửi báo Tiền Phong.

Theo thông tin mới nhất từ hiện trường, một tàu hải cảnh Trung Quốc ở cách bãi Cỏ Mây khoảng 10 hải lý, ngay bên ngoài vùng nước nông của bãi. Khi phát hiện tàu Trung Quốc trong khu vực, thông tin được báo ngay về Lực lượng đặc nhiệm quốc gia biển Tây Philippines (tức biển Đông) và Bộ Ngoại giao Philippines. Hiện nay, Bộ Ngoại giao Philippines phụ trách xử lý các vấn đề biển Đông là chính, chứ không phải bên quân đội, trung tướng Noel Clement, lãnh đạo các lực lượng vũ trang Philippines, tuyên bố.

Kể từ tháng Năm, các tàu Trung Quốc, trong đó có tàu hải cảnh thường xuyên xuất hiện ở quần đảo Kalayaan (từ Philippines dùng để chỉ Trường Sa). Hai tuần gần đây, tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn quanh quẩn ở đó. Chúng cản các tàu của Philippines tới tiếp tế cho 9 đảo và đá mà Philippines đang đóng quân, đặc biệt là ở bãi Cỏ Mây.

Ngoài bãi Cỏ Mây, Trung Quốc cũng tăng tàu tới bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm từ tay Philippines năm 2012 và bãi cạn Luconia do Malaysia kiểm soát. Trung Quốc tăng cường tuần tra 3 bãi cạn này vì họ đã hoàn thành các cảng thuộc các căn cứ không quân, hải quân ở đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.

Trung Quốc muốn duy trì các tàu hải cảnh tuần tra lâu dài ở Trường Sa để thiết lập một thực tế mới mà các nước trong khu vực phải chấp nhận. Đó là Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát quân sự các bãi cạn ở Trường Sa. Nhiều quan chức và chuyên gia nhận định, nếu Trung Quốc mà chiếm đóng được bãi Cỏ Mây và bãi Luconia thì nước này sẽ tìm cách nắm quyền kiểm soát hành chính ở các bãi đá, bãi cạn khác trên biển Đông.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài Philippines nhận định, tuần tra tự do hàng hải, tự do bay mà Mỹ và đồng minh thực hiện ở biển Đông chưa đem lại hiệu quả thực tế. Vì Mỹ hiện chỉ thực hiện tự do hàng hải về mặt quân sự, chứ chưa bảo đảm tự do hải hành về mặt dân sự. Về lâu dài, tuần tra tự do hàng hải cần sự phối hợp với các đồng minh, với nhiều ngành, tích hợp biện pháp quân sự và chính trị, ngoại giao để chuẩn bị cho các kịch bản đối phó của Trung Quốc.

Các tàu Trung Quốc thả neo ở đá Vành Khăn gần bãi Cỏ Mây nên thường xuyên lượn lờ quanh bãi Cỏ Mây. Bãi Cỏ Mây dài 17 km, rộng khoảng 7 km, chỉ cách cơ sở không quân, hải quân trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên đá Vành Khăn 20 hải lý. Các tàu hải cảnh Trung Quốc dành phần lớn thời gian bơi vòng vòng quanh đá Vành Khăn.

Một sĩ quan an ninh Philippines nhận định, tàu Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động ở vùng biển Trường Sa, dọa nạt tàu thuyền Philippines, nhưng tàu chiến, tàu cảnh sát biển của Philippines không sợ, vẫn tiếp tục tuần tra, giám sát bình thường. Việc tuần tra thường được tiến hành cùng với luân phiên quân và tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống và thuốc men cho binh sĩ đồn trú trên các tiền đồn quân sự ở Trường Sa.

Philippines tập trận với Mỹ trên biển Đông

Hiện nay, binh sĩ Philippines và Mỹ đang tham gia một cuộc tập trận chung ở tỉnh đảo Palawan và Luzon trên biển Đông. Các hoạt động chính bao gồm dùng tàu đổ bộ lên đảo và bờ biển bắn đạn thật, chiến dịch trong đô thị, chiến dịch trên không, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ cứu nạn từ ngày 9 tới 18/10. Khoa mục đổ bộ được tiến hành dọc bờ biển Zambales ở khu vực Trung Luzon và Palawan.

Ngay phía trước bờ biển dọc Zambales là bãi cạn Scarborough hiện bị Trung Quốc chiếm đóng, còn Palawan thì nhìn thẳng ra Trường Sa - nơi Trung Quốc có 7 tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo. Cách tỉnh đảo Palawan 85 hải lý là bãi Cỏ Rong - nơi có mỏ khí rất lớn mà Philippines và Trung Quốc sẽ cùng khai thác.

Cuộc tập trận lần này tương tự hai lần trước. Nhưng đây là lần đầu tiên tập trận có khoa mục huấn luyện về phòng không tầm thấp (phát hiện, bắn hạ máy bay bay tầm thấp để tránh radar) và huấn luyện về phản ứng nhanh trước các nguy cơ.

Tháng trước, 5.000 binh sĩ Philippines và Mỹ đã tham gia một đợt huấn luyện chung với giả định là quân đội Trung Quốc chiếm một đảo của Philippines, nên phải cho quân nhảy dù xuống tái chiếm.

Cuộc tập trận lần này nhắm tăng khả năng quân sự của cả Philippines và Mỹ trong việc nhanh chóng triển khai lực lượng khi có khủng hoảng hoặc thiên tai cũng như tăng cam kết của hai bên về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

MỚI - NÓNG