Hôm Chủ nhật vừa qua, Hạm đội 7 Mỹ nói tàu chiến và máy bay của nhóm tàu sân bay tấn công Ronald Reagan cùng nhóm tàu đổ bộ Boxer đã tập trận ở Biển Đông. “Các hoạt động của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tập trung vào việc duy trì ổn định và an ninh khu vực”, chuẩn đô đốc George Wikoff, tư lệnh lực lượng Tác chiến 70 nói trong một thông cáo báo chí được AP trích dẫn.
Thông cáo nói các cuộc tập trận bao gồm tác chiến hải quân, cứu hộ cứu nạn, phòng thủ trước các tàu tấn công nhanh, phòng không và chống ngầm…
Nhóm tàu tấn công Ronald Reagan bao gồm không đoàn hàng không mẫu hạm số 5, các tàu tuần dương lớp Ticonderoga, các tàu khu trục lớp Arleigh Burke…
Hồi tuần trước, Philippines lên tiếng phản đối Trung Quốc sau khi tàu hải cảnh của Bắc Kinh được nói là tới gần một bãi cạn mà Philippines đang kiểm soát trên Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr., người khi đó đang tháp tùng Tổng thống Rodrigo Duterte thăm Nga, đã thông báo chuyện này trên Twitter.
Người đứng đầu quân đội và một số quan chức khác của Philippines cũng đã thông báo về các hoạt động mới của tàu hải cảnh Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Second Thomas, nơi Philippines đang kiểm soát. Ngoại trưởng Locsin viết trên Twitter: “Tôi có phải trực tiếp bay về nhà để trình lên phản đối ngoại giao? Đây là việc của quân đội. Hãy (bày tỏ) phản đối ngay lập tức”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa đưa ra bình luận. Trước đây họ đã tuyên bố “chủ quyền của Trung Quốc” đối với bãi cạn Second Thomas, cách tỉnh Palawan của Philippines 194km. Một quan chức nói với AP rằng một tàu hậu cần của nước này đã bị một tàu Trung Quốc chặn tại bãi cạn Second Thomas Shoal hồi tháng 5 vừa qua.
Cuộc tập trận mới nhất của hải quân Mỹ ở Biển Đông diễn ra sau một cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật ít ngày.
Hôm 30/9, tàu ngầm lớp Los Angeles USS Oklahoma City của hải quân Mỹ đã cùng các tàu chiến, máy bay của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tham gia cuộc tập trận-
Malabar 2019 tại vùng biển gần Nhật Bản. Cuộc tập trận này được nói là nhằm mục tiêu nâng cao khả năng tương tác giữa hải quân Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ, tạo cơ hội để quân đội Mỹ nâng cao hợp tác với các đối tác và đồng minh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, một tàu ngầm tấn công nhanh của Mỹ là USS Key West tham gia cuộc tập trận Pacific Griffin với hải quân Singapore từ 24/9-10/10 ở khu vực gần đảo Guam, trên Thái Bình Dương.
Trung Quốc ép buộc nước khác để thay đổi hiện trạng
Sách trắng quốc phòng Nhật Bản 2019, công bố hồi tháng 9, nói tại Biển Đông, Trung Quốc “đẩy mạnh quân sự hóa, bành trướng và tăng cường hoạt động ở trên biển và trên không bằng việc triển khai máy bay”. “Trung Quốc tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, thông qua việc ép buộc để tạo ra sự đã rồi”, sách trắng quốc phòng Nhật Bản viết. Theo AP, quan điểm này cũng trùng khớp với quan điểm của các đồng minh khác của Mỹ như Úc hay Philippines.
SCMP tường thuật rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thúc giục tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga là Rosneft cân nhắc về một thỏa thuận khai thác dầu khí ở Biển Đông. Lời đề nghị được đưa ra trong chuyến thăm Nga của ông Duterte hồi tuần trước, khi ông gặp các lãnh đạo của Rosneft, bao gồm giám đốc điều hành Igor Sechin.
“Tổng thống đã mời Rosneft, tập đoàn hàng đầu của Nga trong lĩnh vực dầu mỏ, đầu tư vào Philippines, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác dầu và khí ga và đảm bảo với họ… rằng khoản đầu tư của họ sẽ an toàn ở Philippines…”, người phát ngôn phủ tổng thống Philippines kiêm cố vấn pháp lý Salvador S. Panelo nói hôm thứ Năm, theo tường thuật của báo SCMP.
Trước khi ông Duterte gặp gỡ các quan chức của Rosneft, Carlos Sorreta, đại sứ Philippines tại Nga, nói các công ty năng lượng Nga quan tâm đến việc khai thác dầu khí ở Philippines.