Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Sống đẹp và ra đi nhẹ nhàng

TPO - Sau hàng chục năm được quen biết, công tác và sống gần với anh (nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan), hôm nay là ngày thật buồn khi được tin anh đã mất. Tôi vội chạy đến gia đình anh. Qua lời kể từ phu nhân của anh, khi ra về, choán hết trong tôi là một ý nghĩ về “sống đẹp thì ra đi nhẹ nhàng”, và chắc rằng sự siêu thoát nơi vĩnh hằng sẽ dành cho anh.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Sống đẹp và ra đi nhẹ nhàng ảnh 1

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Vĩnh biệt anh, một nhà chính trị cao cấp, một chuyên gia đối ngoại tầm cỡ nhưng là một con người sống dễ gần, bình dị, dễ hiểu và thân tình. Con đường anh đã đi qua, từ một “Thông ngôn chí lục chi chi” rồi trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ, bao nỗi vất vả nhưng thành công.

Qua mấy chục năm công tác, sự cống hiến của anh cho ngành đối ngoại nói riêng và cho đất nước nói chung thật là đáng kể. Cũng có thể nhiều người chỉ biết đến anh như một người nói chuyện sâu sắc và hóm hỉnh. Nhưng đối với những ai công tác trong ngành ngoại giao, anh trước hết là một chiến lược gia về chính sách của đất nước, đồng thời là một con người hành động thực tế rất nhiều kinh nghiệm.

Với hàng chục năm làm việc về Liên Xô, rồi qua bao cương vị công tác đối ngoại cao cấp trong bộ máy Đảng và Nhà nước, anh đã có đủ tâm thế để tham gia vào quá trình ra quyết định và thực hiện những quốc sách lớn trong các hoạt động quốc tế quan trọng nhiều thập kỷ qua.

Đó trước hết là việc soạn thảo các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về chính sách đối ngoại nói chung, nhất là trong những thời điểm bước ngoặt của tình hình quốc tế hay dịp các Đại hội Đảng...

Đó là những chủ trương trong quan hệ với các nước lớn và các trung tâm quyền lực trên thế giới cũng như trước những vấn đề quốc tế lớn tác động đến đất nước ta. Anh đã trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng quan hệ chiến lược toàn diện với Liên Xô trước đây, nối lại quan hệ bình thường với Trung Quốc, bình thường hóa với Mỹ, châu Âu, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nổi bật còn là việc tham mưu và thực hiện quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam vì phát triển và củng cố an ninh đất nước. Những đóng góp của anh vào giải quyết các vấn đề bảo vệ chủ quyền, biên giới, hải đảo; đấu tranh với các lực lượng chống phá cũng không hề nhỏ…

Tất cả những hoạt động của anh luôn gắn với sự trăn trở nghiên cứu cục diện cũng như các đối tác đối ngoại với tầm nhìn xa, sâu rộng để có các đánh giá sắc sảo về các xu thế, về bản chất sự việc, về đối tác, đối tượng nhằm đưa ra những kiến nghị đối sách phù hợp.

Người thầy không tốt nghiệp trường nào

Để có thể gánh vác các trách nhiệm lớn và đóng góp hiệu quả vào các công việc, anh trở thành một tấm gương về tự học tập và rèn luyện qua thực tế. Ở đời ta có thật nhiều người thầy để học: Từ các thầy cô, những người nổi tiếng, rồi sách vở… Nhưng nghiệm thấy đối với Vũ Khoan có lẽ người thầy chủ yếu là các hoạt động thực tiễn. Anh thường đùa vui với mọi người: “Tôi là một người thất học, vô học!”. Vì thực tế đến hết cuộc đời rồi mà anh không có bằng cấp tốt nghiệp trường lớp nào chính thức cả!

Ngoại ngữ là “cái cày” quan trọng nhất của người làm đối ngoại, nhưng chủ yếu anh cũng tự học mà có. Anh luôn tâm nguyện và trân trọng học tập tấm gương của Bác Hồ về học ngoại ngữ hằng ngày mà chính anh đã được chứng kiến từ hồi phiên dịch cho Bác. Nắm tốt ba thứ tiếng phổ biến là Nga, Anh, Trung là kết quả của bao nỗ lực cá nhân bền bỉ, đã giúp anh có những “cày máy” quý báu để khai khẩn những miền đất. Anh đã mạnh dạn sử dụng các công cụ đó trong những cuộc tiếp xúc, hoạt động ngoại giao; vừa làm vừa hoàn thiện hơn kiến thức và khả năng giao tiếp và giải quyết các vấn đề.

Ngoài học để tăng hiểu biết toàn diện, điều cũng không gây ngạc nhiên cho tôi là anh rất coi trọng học phương pháp và kỹ năng làm việc. Thiết nghĩ, để thành người lãnh đạo cấp cao càng phải học nhiều và giỏi giang về phương cách ứng xử trong bao loại công việc, với bao tầng lớp người, trong bao tình huống đa dạng của đời sống. Và anh Vũ Khoan luôn quan tâm rèn dũa khả năng đó. Với những cơ hội hiếm có trong đời làm đối ngoại của mình, anh đã ngày đêm “học mót” những nghệ thuật giao tiếp, xử lý các vấn đề của Lãnh tụ Hồ Chí Minh và của các nhà lãnh đạo xuất sắc khác của Việt Nam mà anh có dịp tiếp cận, phục vụ.

Tôi cứ thấy tiếc vì anh mới viết được cho các cán bộ trẻ một sách nhỏ về “Vài món nghề ngoại giao”, trong đó trình bày những hồi tưởng phong phú của anh về kinh nghiệm ứng xử của nhiều nhà lãnh đạo trong các hoạt động quốc tế, những mẫu chuyện mà anh chưa kịp kể với anh em đồng nghiệp. Thời nay đã qua lối độc thoại, một người nói còn những người khác chăm chú ghi chép. Nhưng mỗi một lần nghe anh Vũ Khoan phát biểu hay tranh luận một vấn đề nào đó, mọi người không chỉ lắng nghe mà còn rất trân trọng ghi chép đầy đủ những luận cứ độc đáo, sắc bén và logic của anh.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Sống đẹp và ra đi nhẹ nhàng ảnh 2

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến (bìa phải) ngồi cạnh Phó Thủ tướng Vũ Khoan và Thủ tướng Phan Văn Khải trong lúc chờ gặp các nghị sĩ Mỹ năm 2005. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chỉ cần gần anh trong một thời gian ngắn, tôi nhận ra anh là con người rất công bằng đối với mọi người; không xu nịnh và không ưa được nịnh và không thiên vị đối với ai. Anh đánh giá con người dựa vào hiệu quả lao động, công việc; bản thân anh nói về mình thì rất khiêm tốn.

Có khi anh gặp khó khăn “uẩn khúc” với lãnh đạo trên con đường “công danh”, nhưng anh vẫn bình thản, lấy công việc của mình để chứng tỏ con người của mình, chứ không tìm cách giải tỏa bằng “gõ cửa” ai đó. Ở các nơi và tổ chức mà anh công tác, tôi được biết, đại đa số mọi người đều yêu mến và quý trọng anh; học được nhiều điều tốt của một nhà lãnh đạo gương mẫu.

Tin liên quan