Nguyễn Minh Châu, vị khách ở quê

Nhà thơ Trần Ngưỡng (bên trái) người đã đưa Nguyễn Minh Châu đi thực tế sáng tác truyện Phiên Chợ Giát và tác giả bài viết (ảnh chụp năm 2016).
Nhà thơ Trần Ngưỡng (bên trái) người đã đưa Nguyễn Minh Châu đi thực tế sáng tác truyện Phiên Chợ Giát và tác giả bài viết (ảnh chụp năm 2016).
TP - Những năm 1980 vùng quê của chúng tôi quả thực là nghèo khó “Chó ăn đá gà ăn sỏi” mà lại đón một nhà văn tới tìm hiểu thực tế để sáng tác, đó chính là nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ông vóc dáng cao gầy, bước đi nhanh nhẹn. Ông thường khuyến khích tôi “Cháu hãy viết nhiều đi”.

Tôi ở ngã ba Tam Lễ, hay còn gọi là ngã ba Tuần, nằm giáp giới bốn huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành và Nghĩa Đàn. Vùng bán sơn địa đồi núi lô nhô, nơi có đền thờ hai vị công chúa nhà Trần mà các cụ nói rằng gia phả viết đất đai vốn là ấp của các vị công chúa khi xưa xây dựng nên từ đời Trần. Nơi này là cửa ngõ lên vùng núi Phủ Quỳ, nơi mà Lê Lợi và Nguyễn Trãi từng dựng nên căn cứ đánh đuổi quân Minh. Thời chiến tranh, có đường vượt Trường Sơn đi qua với địa danh dốc Bò Lăn được nhiều người thường nhắc đến. Lúc còn nhỏ, đi xe đạp qua dốc Bò Lăn, tôi cũng thấy con dốc rất dựng, cực kỳ khó đi, nên đúng là “vừa lăn, vừa bò”.

Sau những cuộc chiến tranh liên miên, chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Quốc, những năm 1980 quê hương tôi xơ xác, nghèo khó. Có anh Lạng, nhà nghèo thường không công ăn việc làm gì, thường ghé nhà chúng tôi làm việc nọ việc kia linh tinh rồi ăn cơm độn với khoai lang, với sắn. Sau đó nghe nói anh cũng bị đói mà chết. Cũng thời kỳ ấy, có phong trào xây dựng nông trang, những người miền xuôi vùng biển, được phát động đi lên các vùng núi non để làm trang trại. Cuộc sống của họ, còn vất vả hơn cả chúng tôi vì họ không thạo nghề rừng.

Cách đây không lâu, gặp lại chú Trần Ngưỡng, cũng là người ở Tam Lễ, người những năm 1980 đã đưa nhà văn Nguyễn Minh Châu lên quê tôi đi thực tế, tôi có hỏi chú: “Chú ơi, vì sao quê mình lúc đó vất vả vậy mà chú lại đưa nhà văn Nguyễn Minh Châu về để viết văn?”. Chú Trần Ngưỡng năm nay tóc đã bạc phơ rồi, vẫn mê đàn, sáng tác. Chú bảo: “Lúc đó chú làm ở văn phòng huyện ủy Quỳnh Lưu, giúp việc cho 4 đời bí thư huyện Quỳnh Lưu cơ mà, mình biết về thơ văn, âm nhạc, nên các nhà báo nhà văn về, các ông lại giao đi tiếp khách và giúp đỡ mọi người tìm đề tài sáng tác”.

Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An nổi tiếng với phong trào đưa người vùng biển lên khai hoang các vùng đồi núi “biến sỏi đá thành cơm”. Miền xuôi đất chật người đông, lên vùng núi đất đai rộng, tạo dựng cuộc sống là một chủ trương được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít người cho rằng tốt hơn là nên phát triển nghề biển, bởi người dân vùng xuôi mà lên miền ngược thì chẳng khác gì bắt tôm cá sống ở trên cạn. Chú Trần Ngưỡng nói: “Nhà văn Nguyễn Minh Châu quê ở Quỳnh Lưu. Ông ấy có người bà con đi khai hoang trên nông trang trên này. Huyện giúp ông ấy lên thăm người bà con và lấy tư liệu để sáng tác”.

Có người ở quê chúng tôi nói rằng nhân vật Khúng trong thiên truyện nổi tiếng của Nguyễn Minh Châu “Phiên chợ Giát” chính là nhân vật bà con đi khai hoang của nhà văn. Nhưng có lẽ đó chỉ là sự suy diễn, bởi gán ghép một con người ngoài đời vào sáng tác văn học với những tình tiết hư cấu sẽ rất khiên cưỡng. Chú Trần Ngưỡng nói: “Nguyễn Minh Châu đi tìm tư liệu, gặp gỡ rất nhiều người, ghi chép rất nhiều, chứ không chỉ là về thăm gia đình bà con không thôi”.

Nguyễn Minh Châu, vị khách ở quê ảnh 1 Nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ảnh: Tư liệu.

Vùng quê chúng tôi khi ấy đa phần là nhà tranh, nhà lá, thi thoảng mới có vài căn nhà ngói tử tế. Thậm chí năm 1979 chiến tranh biên giới xảy ra, chúng tôi còn phải đào hầm chữ A để sẵn sàng trú ẩn và nhiều cái hầm vẫn còn sau vườn. Thời chiến tranh chống Mỹ, ngã ba Tuần có quán nước quân nhân do bà nội tôi là Tôn Nữ Thị Hà và bạn của bà là bà Nguyệt mở ra bán phục vụ miễn phí cho bộ đội đi B. Nhiều người đã quay lại đây sau khi chiến tranh kết thúc để thăm bà tôi. Bấy giờ bà tôi vẫn bán quán nước nhỏ ở ngã ba và nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng ghé qua, bởi đó cũng là quán bán nước trà và chè xanh duy nhất ở cái ngã ba nghèo lèo tèo tiệm sửa xe đạp và cái chợ nhỏ mỗi tuần mới họp một lần.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu được bố trí ở nhà bác Tác làm ở kho lương thực. Nhà bác Tác to lớn nhất vùng lúc ấy với 3 tòa nhà xây hình chữ U, trước có cây vú sữa, giàn thiên lý. Cán bộ xã họp hành cũng thường mượn địa điểm đánh chén ở đó. Gia đình bác Tác con cái đều học hành đến nơi đến chốn và cô con gái lớn đang học tại Nhạc viện Hà Nội.

Mùa hè nên hầu như tối nào tôi cũng ra nhà bác Tác chơi với các con của bác. Tôi còn nhớ như in, một hôm tới thì thấy chiếc xe U oát xanh khá mới đậu ở cửa, trong nhà khá đông người. Mọi người nói với tôi: “Có nhà văn Nguyễn Minh Châu ở Hà Nội vào đi thực tế sáng tác và ở lại đây”. Tôi khi đó 12 tuổi, từng đi học lớp bồi dưỡng viết văn của huyện nên rất háo hức. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cao gầy, đôi mắt luôn nheo cười. Trong suốt những ngày lưu lại ở nhà bác Tác, nhà văn luôn luôn mặc quần áo bộ đội. Có lẽ ông cũng chẳng có bộ nào tươm tất hơn là những chiếc áo quân ngũ màu xanh còn khá mới ấy.

Nguyễn Minh Châu, vị khách ở quê ảnh 2

Bác Tác, người chủ nhà năm xưa, nay đã già nhưng vẫn còn nhớ nhà văn, kể: “Ông Nguyễn Minh Châu rất thân thiện, gần gũi với mọi người. Ông ấy thích nghe mọi người kể chuyện, ít nói, mỗi lần nói thì lại nói khá là dài!”. Mặc dù nhà văn được huyện cho xe ô tô đưa đi sáng tác, lại được bố trí lưu trú trong ngôi nhà to nhất vùng nhưng theo bác Tác: “Ông Nguyễn Minh Châu là người rất giản dị trong ăn uống. Ông ấy luôn thương người nghèo và luôn quan tâm xem người ta có gì mà ăn chưa”.

Nhà thơ Trần Ngưỡng kể: “Ban ngày chú đưa nhà văn Nguyễn Minh Châu đi khắp mấy xã trong vùng, đi đâu ông Châu cũng hỏi han, ghi chép. Đến chiều tối thì xe đưa ông về nhà bác Tác ăn cơm và ngủ lại”.

Từ ngã ba Tam Lễ xuống chợ Giát khoảng 13 cây số. Câu chuyện về lão Khúng, một tay lái trâu, đem bò xuống chợ Giát để bán. Lão Khúng dằn vặt về cuộc đời cực khổ của lão, phải bán đi những con trâu yêu dấu của mình để mà sống, như một kẻ tội đồ. 

Nguyễn Minh Châu viết: “Bất giác trong khi vẫn ngửa mặt lên trời hứng bóng tối dày đặc và một làn gió đêm lạnh buốt, bỗng lão không kìm được, tự nhiên bật lên một tràng tiếng cười khùng khục từ trong cổ họng, khiến cho con bò đang đi phải dừng lại. Lão không dùng roi mà đưa tay đét một cái vào giữa cái chỗ uốn vồng lên của cuống đuôi con vật:

- Ði, đi! Không có việc gì cả đâu, lão vẫn tiếp tục cười khùng khục và đàm đạo với con vật bạn đường, đi đi, không phải tao cười mày. Hì... Hì... Tao đâu dám cười mày? Ðấy là tao đang cười những ông sao trên trời! Vua chúa hoặc đại thần danh tiếng của thời nay cả đấy! Họ đang sống cả đấy! Ngôi sao mà chúng cứ ngỡ mình đang soi sáng mặt đất, không có mình thì mặt đất biến thành hũ nút, hàng nghìn, hàng triệu người mở mắt cũng không nhìn thấy lối mà đi! Vậy mà khổ chưa kia, không biết cơ man nào là sao, có ít ỏi đâu, các chư vị đang thi nhau nhấp nháy, đang toát mồ hôi hột ra để rặn ra ánh sáng như đàn bà rặn đẻ, không phải một ông mà nhiều ông, cả một trời sao đang chiếu sáng thế mà mặt đất thì vẫn tối thui tối mò thế này, con đường chúng mình đi xuống chợ Giát vẫn tối như hũ nút thế này? Ấy thế mới tài tình chứ. Lão đã nghiệm thấy lão và con bò đi đêm nhiều nhưng chưa bao giờ lạc. Không phải chỉ trên mặt đất mà lão Khúng cảm thấy trong cái đầu ngổn ngang đầy ý nghĩ của lão cũng tối mò mò, chỉ được một điều là lão có hai con mắt do ông trời cho tinh như mắt cú, có thể đi trong tối. Lão, một anh nông dân suốt đời đi sau con bò vạch những luống cày trong đêm tối...” (Phiên Chợ Giát).

Nguyễn Minh Châu, vị khách ở quê ảnh 3

Khi những truyện về lão Khúng như “Khách ở quê ra”, “Phiên chợ Giát” của Nguyễn Minh Châu được in ấn và nhận sự quan tâm rất lớn từ giới văn chương và độc giả, thậm chí cho rằng đó là những tác phẩm mở đầu cho văn học đổi mới,  thì người ở quê chúng tôi lại tranh cãi xem nhân vật Khúng ấy có phải chính là người bà con nào đấy của nhà văn Nguyễn Minh Châu đang sống trong nông trang hay không? Anh Cao Thanh Tuấn nói rằng những người bà con của nhà văn có thể là nguyên mẫu - nhưng một tác phẩm văn học thì có tính khái quát cao hơn, bởi vậy nhiều chi tiết không dứt khoát là của nguyên mẫu. 

Tôi khi ấy thích viết văn. Bác Tác giới thiệu tôi với nhà văn Nguyễn Minh Châu rằng ba tôi cũng đang làm báo ở Hà Nội. Nhà văn mỉm cười. Ông viết văn vào lúc nửa đêm và có thể ông viết bất kỳ lúc nào mà ông rảnh rang. Ông cũng khuyến khích tôi mạnh dạn đưa những trang viết đầu đời cho ông xem thử. 

Tôi cảm tưởng như nhà văn chạy đua cùng những con chữ và những tác phẩm, như thể sợ chúng sẽ chạy ra khỏi đầu của ông, ông sợ chúng chạy khỏi trang viết của ông. Nói vậy, bởi dù công việc đi lại tìm tư liệu rất bận bịu, nhưng buổi tối nào, sau bữa ăn, tầm khoảng 8 giờ tối, ông lại mở truyện đang viết ra để đọc cho chúng tôi nghe. Có thể đó là một trang, vài trang, có khi lên tới ba bốn trang. Chẳng thể biết ông viết lúc nào!

Tôi nhớ mãi hình ảnh của Nguyễn Minh Châu, ngồi trên chiếc chiếu, giữa chúng tôi, tay cầm cuốn sổ với những trang viết chưa ráo mực, say sưa đọc cho chúng tôi nghe sáng tác của mình. Ông hỏi: “Mọi người thấy hay không?”. Chúng tôi đều đáp: “Hay quá!”.

Nguyễn Minh Châu, vị khách ở quê ảnh 4

Sau này, tôi cũng muốn tìm gặp nguyên mẫu nhân vật lão Khúng, được cho là người bà con của nhà văn, sống cách ngã ba chừng mấy cây số. Vì những người miền biển lên xây dựng nông trang thường ở trong vùng núi sâu như vậy cả. Nhưng mọi người nói với tôi rằng “Tất cả những người nông trang ở vùng này đều là lão Khúng!”.  Điều ấy không phải không có lý. Những người nông trang thường đem những sản vật miền bán sơn địa về miền xuôi để bán, như đem củi, gỗ lạt, tre nứa, trâu bò… xuống chợ Giát, thậm chí chợ Giát lúc ấy có hẳn một cái chợ trâu bò khá lớn. Sau đó, những người nông trang sẽ dùng số tiền ấy mua mắm, muối, cá trích cá thu, gánh và đẩy bằng xe đạp lên để bán trên vùng chúng tôi. Rất nhiều người mưu sinh như vậy và chẳng biết ai mới đích thực là lão Khúng của nhà văn! Bố của những đứa bạn tôi cũng đều làm nghề như lão Khúng cả mà nuôi chúng lớn lên thành người.

Trong bài viết nổi tiếng đăng trên báo Văn Nghệ năm 1987 (khoảng dăm năm sau khi nhà văn đi thực tế ở vùng quê tôi) có nhan đề: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, Nguyễn Minh Châu đã kêu gọi các nhà văn đi theo những giá trị nhân bản của dân tộc và phản ánh tiếng nói của người dân:  “Hình như nhân dân, cái nhân dân Việt Nam đầy trầm tĩnh và kỳ tài mà hình ảnh đã được nghệ thuật điêu khắc từ hàng trăm năm nay chạm khắc lên khối gỗ thành bức tượng ngàn mắt ngàn tay, đến hôm nay vẫn không ngừng sáng suốt lựa chọn giúp cho chúng ta những cái gì đích thực của nghệ thuật, giữa những đồ giả, để bỏ vào cái gia tài văn hóa của đất nước để lại từ Đinh, Lê, Lý, Trần. Và cũng nhân dân, cái nhân dân Việt Nam dũng cảm sau mỗi lần đánh giặc xong lại lặng lẽ và lầm lụi làm ăn đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể cho chúng ta nghe về cái nhất thời ở trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân hậu, cái cực đoan nằm giữa tinh thần xởi lởi, cởi mở, cái nhẩy cẫng lên lấc láo giữa cái dung dị, thái độ bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ”.

Những trang viết ca ngợi giá trị nhân bản của người nông dân, của con người Việt Nam chân chính của nhà văn Nguyễn Minh Châu gợi cho chúng tôi nhớ về những nguyên mẫu của lão Khúng, những người dân nghèo khổ có khi tới mức cùng cực ở các làng quê mà nhà văn đã đi qua, đã gặp đã ghi chép và viết về họ. Ông viết vội những sáng tác và suy nghĩ về cuộc đời trong những cuốn sổ với nét bút khá ngay ngắn ấy, rồi hỏi mọi người: “Nghe có hay không?”.

7/2017

Bác Tác, người chủ nhà năm xưa, nay đã già nhưng vẫn còn nhớ nhà văn, kể: “Ông Nguyễn Minh Châu rất thân thiện, gần gũi với mọi người. Ông ấy thích nghe mọi người kể chuyện, ít nói, mỗi lần nói thì lại nói khá là dài!”.

Tôi nhớ mãi hình ảnh của Nguyễn Minh Châu, ngồi trên chiếc chiếu, giữa chúng tôi, tay cầm cuốn sổ với những trang viết chưa ráo mực, say sưa đọc cho chúng tôi nghe sáng tác của mình. Ông hỏi: “Mọi người thấy hay không?”. Chúng tôi đều đáp: “Hay quá!”.

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.