Nguyễn Huy Tưởng - những điều mới biết qua con trai nhà văn

Nguyễn Huy Tưởng - những điều mới biết qua con trai nhà văn
Anh Thắng nói rằng anh có ba kỷ niệm với cha mình - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Tuy nhiên, anh không dám chắc đó có phải là những gì anh tận mắt nhìn thấy hay chỉ mường tượng ra, qua lời kể của mẹ.

Anh nói: “Hồi nhỏ cha tôi hay cù tôi. Mỗi lần ông chĩa ngón tay ra trước tôi là tôi cười ngặt nghẽo và vùng chạy cuống cuồng. Nhưng trong cái hình dung ấy, tôi còn… chưa đi vững cơ mà. Hay là chỉ do tôi tưởng tượng ra, nhỉ ?”.

Anh nói anh còn nhớ lần anh cùng chị gái nhìn trộm qua một cái lỗ nhỏ ở cửa, xem bố ngồi viết trong cái “buồng con” tự tạo. Bố mở cửa ra thì hai chị em ù chạy. Đó là hình ảnh duy nhất của anh về quá trình “tác nghiệp” của cha mình trong cái chái sáng tác.

Hình ảnh cuối cùng, đấy là khi anh nhoài mình ra ngoài cửa sổ để vẫy tay với bố khi thoáng thấy bố ngồi trong chiếc xe cứu thương màu vàng chạy qua nhà.

Nhưng cái cửa sổ thì cao, anh lại bé xíu, làm sao anh có thể leo lên được?

Đôi khi anh ngờ ngợ những ký ức ấy. Ví như chuyện chiếc xe cứu thương chạy qua nhà, dường như chính mẹ anh đã kể lại việc hôm ô tô chở Nguyễn Huy Tưởng đi mổ, ông đã đề nghị cho xe chạy qua nhà để chào từ biệt vợ con.

Anh Thắng rút cục đã tìm thấy những ngày tháng của hai bố con anh, trong chừng bốn mươi cuốn nhật ký của bố để lại.

Nguyễn Huy Tưởng là mẫu nhà văn hay tự vấn, ít bằng lòng với công việc và bản thân, ông có thói quen  viết nhật ký.

Thắng là con thứ năm, sau bốn chị gái. Nhưng ngày sinh ra anh, Nguyễn Huy Tưởng cũng chỉ viết rất ngắn gọn, như thói quen viết nhật ký của ông. Song với người con trai thì đó là những dòng chữ thiêng liêng.

4.5.1955
Bốn giờ sáng, vợ đẻ con giai. Không lộ vẻ mừng, nhưng trong lòng vui. Đặt tên cho nó là Thắng”.

Được hỏi về chuyện “cơm áo gạo tiền” của cha mình - các nhà văn xứ mình thường là sống chật vật, túng thiếu, liệu Nguyễn Huy Tưởng có phải là ngoại lệ - anh Thắng đáp:

- Túng đấy. Thậm chí cho đến lúc cuối đời!

Tôi nhờ anh tìm cho ít dòng trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng ghi về chuyện túng thiếu. Nhật ký đã được lưu giữ trong vi tính. Anh Thắng đến vi tính và dùng công cụ tìm kiếm, gõ chữ “túng” chữ “tiền”, thế là rất nhiều trang nhật ký hiện ra.

Ngày 16.12.1959
Bốn năm sau phát hành. Bản quyền không được là bao. Bản quyền mới tính từ 1-1-60 kia. Cái việc mình làm thường cứ chất chưởng như vậy. Ta có mong gì có nhiều tiền đâu. Ta chỉ muốn có thêm phương tiện để mà làm cho được mấy cuốn tiểu thuyết đang dự định. Mà cũng không xong!
”.

Ngày 1.2.1959
Những ngày cuối năm buồn tẻ. Lo cho sinh kế gia đình. áo quần không may được cho con. Tết nhất cũng chẳng có gì. Túng thiếu
”.

Anh Thắng giải thích: Mẹ tôi lúc ấy không đi làm, nhà lại đông con, chẳng có của ăn của để gì. Một người cả nghĩ như cha tôi không khỏi có lúc chạnh lòng.

“Ngày 12.3.1959
Gia đình túng thiếu. Cạn tiền. Nghĩ đến nhiều anh em sung sướng hơn mình. Tô Hoài có hơn một triệu đổi tiền mới
”.

Nguyễn Huy Tưởng là mẫu người quen lao động trí tuệ, lấy lao động trí tuệ và sự suy ngẫm làm một giá trị lớn. Ông dường như chẳng mấy hòa nhập với cuộc sống cơm áo đời thường.

Năm hai mươi tuổi ông đã viết trong nhật ký của mình một câu rồi đây có thể coi là tư tưởng chủ đạo của ông: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được”.

Cuộc đời của Nguyễn Huy Tưởng là một cuộc tìm kiếm ý nghĩa sự tồn tại của con người, khám phá lịch sử và từ đó xác định giá trị nhân tính của con người. Ông viết những tác phẩm nhiều màu sắc lịch sử xa xưa, như “Vũ Như Tô”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”...

Nhưng phần lớn thời gian ông đào sâu vào lịch sử của thời đại mình, với những “Ký sự Cao Lạng”, “Lũy Hoa”, “Sống mãi với Thủ đô”…

Tác phẩm “Bốn năm sau” mà ông đã nhắc ở trên là tác phẩm viết về Tây Bắc.

4.12.1958
Đường về Hà Nội, xe chạy băng băng... 16 giờ về đến Hà Nội. Mua ít mía cho con. Thắng nhớ bố: nó nói chuyện với chị nó không biết bây giờ bố thế nào. Không biết bố về có nhận được bố không. Cho cái Hòa cái kẹo thừa, Thắng phụng phịu
”.
Gia đình với Nguyễn Huy Tưởng là một chỗ dựa tinh thần thực sự. Ông dành rất nhiều trang nhật ký viết về gia đình đông đúc của mình, một người vợ không có việc làm và sáu đứa con nhỏ. Lịch sử, hiện hữu với ông, vừa là chàng Vũ Như Tô khí phách vừa là một gia đình đầm ấm nhưng con cái thì nhỏ mà lại hay ốm đau.
Trong hồi ức của mình, bà Trịnh Thị Uyên vợ nhà văn kể: “Phần tôi chỉ biết để sẻ bớt những nỗi nhọc nhằn của anh ấy, những lúc xong việc, tôi lại ra ngồi bên quạt cho nhà tôi đỡ nóng. (Giá mà chúng tôi có tiền sắm một cái quạt máy thì còn nói làm gì).
Tôi cứ ngồi lặng lẽ quạt, nhưng cũng có lúc buồn ngủ quá - tôi vốn quen dậy sớm để dọn dẹp nhà cửa - tôi thiếp đi lúc nào không biết. Không muốn làm phiền tôi, nhà tôi vào giường nằm để cho tôi cùng được ngủ. Nhiều khi ngủ được một giấc dài, tôi mơ màng quờ tay sang thì giật mình không thấy nhà tôi đâu nữa. Lắng nghe tiếng bút sột soạt cày trên giấy từ ngoài “buồng con” lọt vào...

(Nguyễn Huy Tưởng một thời và mãi mãi - NXB Thanh Niên, 2005).

Nguyễn Huy Tưởng - những điều mới biết qua con trai nhà văn ảnh 1
Bà Trịnh Thị Uyên và các con (người con cả lúc này đang học ở Đức). Ảnh chụp quãng năm 1958

Nguyễn Huy Tưởng là mẫu nhà quản lý-nhà văn, khá đặc biệt. Có thời ông giữ chức ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam, trực tiếp giải quyết nhiều việc lớn nhỏ của cơ quan, nhưng vì một vài bài viết tế nhị trong thời kỳ ấy ông thôi không giữ chức vụ nữa.

Tài sản chẳng có gì. Trong nhật ký ngày 5.1.1957 ông viết về việc này như sau : “Toại nguyện, nhưng cũng thấy buồn buồn… Và lo cho các con.

Rồi đây không ăn lương, không phụ cấp sẽ nuôi chúng nó bằng cách gì? Về ở đâu? Nhất là mình đã ăn trên ngồi chốc trên mười năm rồi, bỏ cái cuộc đời có đảm bảo ấy để sống một cuộc đời tự lực nhất định là lúng túng nhiều, nhất là không quen”.

Từ 1957, ông  lao vào viết một loạt tác phẩm : “Sống mãi với thủ đô”, “Bốn năm sau”, “Lũy Hoa” “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, đến năm 1960 thì phát bệnh ung thư và qua đời.

Nhật ký ông viết:

27.5.1960
Bệnh trở nên đáng sợ. Tumeur abdominale. Tức là một thứ u ở gan. Ta đã sờ nắn thấy nó từ lâu, mà sao không đi bệnh viện? Sao không nói với vợ? Triệu chứng gì đã làm cho ta mê muội đến thế?
”.

1.6.1960
Trằn trọc. Thương vợ. Chiều nào đến vợ cũng ứa nước mắt. Thắng, Chi đã khỏi sởi. Lại ngày nào đi vào bệnh viện, Thắng hỏi bố phải mổ à? Vợ thương ta làm việc nhiều mà không được ăn uống. Lo mổ, lo cái u, chẳng biết đâu, chỉ thấy là nghiêm trọng rồi.

Ta chập chờn, mê thấy mẹ trong một bữa cỗ. Lạ làm sao? Nghĩ gở. Nghĩ thương Thắng. Nếu là bệnh ung thư?! Đau khổ lạ lùng. Vợ và một lũ con nheo nhóc. Thục, Khánh, có còn được đi học nữa không? Vợ ta sẽ làm gì? Bao nhiêu sáng tác đang dự định. Và những sáng tác đã ra đời và phải hoàn mỹ: Vũ Như Tô, Bắc Sơn...

Anh Thắng nói: “Tôi lớn lên, đăng ký học bách khoa và được cử đi học xây dựng ở nước ngoài, không theo nghiệp văn chương. Đấy là theo ý bố tôi - bố tôi không muốn chúng tôi phải vất vả”. Văn là nghiệp, không phải là nghề.

Bà Nguyễn Huy Tưởng, trong hồi ức của mình, kể lại: “Nhìn chằm chặp đứa con trai bé bỏng mà anh ấy chăm lo hơn cả bản thân mình, nhà tôi chép miệng thở ra: “Sau này các con đừng cho chúng nó theo nghề văn làm gì cho nó khổ”... (sách đã dẫn).

Anh Thắng trước làm ở báo Thiếu niên tiền phong khá gần  báo Tiền Phong, viết phổ biến khoa học cho trẻ em, hiện nay biên tập mảng sách khoa học ở Nhà xuất bản Kim Đồng nơi Nguyễn Huy Tưởng là giám đốc đầu tiên.

Riêng có người em gái, là Nguyễn Phương Chi, hiện công tác ở Viện Văn, biên tập tạp chí Văn học. Thời sinh viên chị Chi đã sưu tầm được một số bài thơ và truyện thiếu nhi của cha mình viết từ trước Cách mạng.

Trong nhật ký của người con gái thứ hai, chị Nguyễn Thị Thục, những ngày tháng cuối đời của Nguyễn Huy Tưởng được ghi chép khá kỹ. Anh Thắng nói anh rất xúc động khi đọc những dòng viết của chị mình.

25.6.60
(…) Mổ cho bố có bác sĩ Tôn Thất Tùng và một giáo sư Liên Xô.
Gần sáng họ mới mổ xong. Gan của bố ta như xơ mướp (…)
”.

13.7.60
Chiều nay bác Phạm Văn Đồng vào thăm bố
”.

20.7.60
Phòng bố lúc nào cũng chật ních người vào thăm. Các cô các chú thay nhau mang hoa vào cắm.
Bác Nguyễn Tuân mua hoa đẹp nhất, bố vẫn khen. Bác Tuân bảo bây giờ phải phá tục lệ nên cắm hoa lúc còn sống, chứ chết rồi viếng hoa làm gì. Bố cười vui nhưng vẫn thấy được những nét buồn
”.

2.8.60
Hôm nay đã biết kết quả thi. Ta đã đỗ và được vào trường Trưng Vương. Ta không muốn đi học chút nào, chỉ muốn đi làm giúp mẹ cho mẹ đỡ vất vả.
Các bác, nhất là chú Thi (Nguyễn Đình Thi - BT) kiên quyết bắt ta đi học và bảo Hội sẽ có kế hoạch giúp đỡ gia đình.
Chú Tố Hữu chỉ thị cho Hội Nhà văn phải giúp đỡ gia đình chu đáo
”.

Anh Thắng bảo anh thích nhất hình ảnh của cha anh qua nét bút của Nguyễn Minh Châu. Anh đọc gần như thuộc lòng một đoạn trong một bài anh viết về cha mình: “Một câu hỏi đặt ra cho tôi: Vậy thì về đại thể, bố tôi là người như thế nào? (…).

Mãi về sau này, khi đọc tiểu thuyết Lửa từ những ngôi nhà của nhà văn Nguyễn Minh Châu tôi mới tìm ra lời giải đáp... Ông đã tả bố tôi, cùng với vài chú bé Hà Nội khác, “ngồi ngắm liễu rủ bên bờ hồ Hoàn Kiếm trên một chiếc ghế đá sau nhà bán hoa, giữa một buổi trưa xe háp-tờ-rắc của Pháp chạy ầm ầm trên đường Hàng Khay sau lưng” (sách đã dẫn).

Vâng, có thể trong mong muốn tưởng tượng của mình, anh Thắng nghĩ một trong những chú nhóc ấy chính là anh thủa nào?

Hà Nội đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với rất nhiều cột mốc lịch sử, nhiều chiến thắng oai hùng. Và người ta không thể không nhắc đến những “Lũy Hoa” của Nguyễn Huy Tưởng, “Một lần tới thủ đô” của Trần Đăng.

Không chỉ là những tác phẩm của họ - những chàng trai Hà Nội đã viết về chính lịch sử thành phố mình. Mà người ta có thể còn nghĩ về “mấy ông nhà văn” lãng mạn ấy. Họ là ai? Cuộc đời họ thế nào nhỉ? 

Những câu thơ của Nguyễn Huy Tưởng viết trong nhật ký, ngày 5.11.1934, có thể là một nét phác thảo về họ trong những thử thách khó khăn chăng:

Trông trời mù mịt sóng vỗ mạnh
Bèo bọt lênh đênh, cảnh hiểm nghèo
Thôi vậy, luyện tâm cho chắc chắn
Lăng mình đi tới cõi cao siêu”.

______
(Bài viết có sử dụng một số trích đoạn nhật ký Nguyễn Huy Tưởng với sự cho phép của gia đình nhà văn; xin trân trọng cám ơn gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng-TG).

MỚI - NÓNG